NHỮNG CÁI LẮT LÉO TRONG TRUYỆN KIỀU

Trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du có nhiều cái lắt léo người ta thường đem đố nhau, tức như cả bộ sách có mấy cái "mười lăm" – có bốn cái mười lăm – và một câu toàn chữ: Hồ công quyết kế thừa cơ, lễ tiên binh hậu khắc cờ tấn công; một câu toàn nôm: Nầy chồng, nầy mẹ, nầy cha, nầy là em ruột, nầy là em dâu – những cái đó vẫn có nhiều người hay nói tới.

Còn mấy chỗ lắt léo nữa mà ít ai biết đến và cũng ít đem đố nhau, là những chỗ nầy:

Trong Truyện Kiều có một câu ba chữ tình, là câu:

Tình nhân lại gặp tình nhân,

Hoa xưa ong cũ, mấy phân chung tình.

Có một câu ba chữ cảnh là câu:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu?

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

Trong câu nào có dùng ba cặp điệp tự đi luôn với nhau? Là câu nầy:

Trông vời, gạt lệ, phân tay,

Góc trời thẳm thẳm, ngày ngày đăm đăm.

Trong câu nào chỉ một câu mà có cả lời ba người nói? Là   câu nầy:

Báo ân rồi sẽ trả thù,

Từ rằng: Việc ấy phú cho mặc nàng.

(Thượng văn là: "Nàng rằng: "nhờ cậy uy linh, hãy xin báo đáp ân tình cho phu; báo ân rồi sẽ trả thù". Vậy thì sáu chữ "báo ân rồi sẽ trả thù" đây tiếp với trên, là lời Kiều nói. Kế đó hai chữ "Từ rằng" là lời của tác giả nói. Đến sáu chữ "Việc ấy phú cho mặc nàng" tiếp với "Từ rằng" thì là lời của Từ Hải nói. Vậy là trong một câu mà có lời ba người nói).

Có hai câu nào đi liền với nhau mà đối nhau thiệt chỉnh? Là hai câu nầy:

Trong vòng dáo dựng, gươm trần,

Kề lưng hùm sói, gởi thân tôi đòi.

Giữa dòng nước chảy, sóng dồi,

Trước hàm rồng cá, gieo mồi thủy tinh.

Có bốn câu nào đi liền với nhau mà hai câu nầy ý đối với hai câu kia? Là bốn câu nầy:

Xót thay huyên cỗi, xuân già,

Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi?

Chốc là mười mấy năm trời,

Còn ra khi đã da mồi tóc sương!

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

Duyên em dầu nối chỉ hồng,

May ra khi đã tay bồng tay mang!

C.

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 127 (14. 4. 1932)

 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân