NHỮNG SỰ TRÁI NHAU

Ông Nguyễn Du nói "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng"; còn "Những điều nghe thấy" của Thông Reo, nó muốn nói là "chướng lỗi tai mà gai con mắt".

Thiệt, chướng tai gai mắt quá bà con ơi! Bởi vì chung quanh tôi, tôi thấy có nhiều sự trái nhau quá!

Cái chữ "trái nhau" ấy, nguyên tôi muốn nói là "mâu thuẫn", nhưng bị sợ ông gì đó ổng rầy sao có hay dùng chữ Hán, nên tôi phải nói tiếng mẹ đẻ cho êm.

Chiều hôm qua tôi đi lối chợ Đũi, thấy một cái xe có lính đi theo, lại gần coi thì té ra xe bắt chó. Tôi có hỏi cắc cớ họ: bắt nội ngữ chó An Nam mà thôi, hay bắt luôn cả chó tây nữa. Một người lính nói với tôi rằng hễ thấy chạy ra đường thì bắt, bất kỳ chó nào.

Mà quả thật, dòm trong xe thấy đủ mặt cả: chẳng những có anh vàng, anh vện mà lại cũng có anh ngao.

Tôi bỏ đi đường tôi, vừa đi vừa suy nghĩ. Quái! Chó mà việc gì lại bắt cà? Sợ nó đi bậy mà cắn người ta chăng? Sợ nó dơ dáy mà gây nên bịnh truyền nhiễm chăng? Nhằm rồi. Hai lẽ ấy đều có lẽ cả.

Tôi mới đi lần tới đường Catinat. Ý chà! Một cái hiện trạng trình ra trước mặt tôi mà cố ý chống với cái hiện trạng hồi nãy!

Một cái xe hơi li-mu-sin đậu dựa lề đường, ở trong có một con chó ngồi chò hõ. Ngó qua bên kia, trong tiệm bán đồ gỗ, một con chó ngao theo chủ nó vào mua đồ, chủ đương trả giá, còn nó, nó thấy cái giường Hồng Kông mới tinh khôi, có lót nệm sẵn, nó nhảy đại lên nằm.

Phải chi hồi đó tôi không sợ mã-tà lại can thiệp thì tôi đã la làng lên rồi, bởi vì cái chuyện dễ tức quá!

(Kiểm duyệt bỏ một đoạn dài)

Hỡi người ta! Chớ các anh làm cái gì mà kỳ vậy? Ôi châu cha! Mâu thuẫn là mâu thuẫn! Một chuyện.

Đó rồi tôi bước lên xe điện mà về. Trên xe tôi thấy đàn bà mặc đồ đầm để bày ngực ra, làm cho tôi cũng phải suy nghĩ nữa. Tôi biết họ có ý khoe khoang cái trắng cái đẹp. Nhưng mà họ không sợ gió lộng vào rồi đau phổi sao?

Tôi mới nhớ lại khi ở Hà Nội gặp mùa lạnh, đàn ông họ mặc không biết mấy cái áo: trong hết áo thun, rồi tới sơ mi, rồi tới gi-lê, rồi tới bành-tô, ngoài phủ bạc-đờ-xuy nữa; vậy mà đã chịu thôi đâu, mỗi người còn có một cái khăn quấn cổ. Họ mặc áo thiếu điều như mặc đồ liệm vậy, là chỉ vì một chút đón gió, sợ gió lồng vào đau phổi đó thôi.

Rồi tôi bèn nhớ thêm nữa. Có phải ở đây trời nóng, không có gió độc mà đàn bà mới dễ bày ngực như thế đâu? Chính ở Hà Nội hay ở Paris, trong khi lạnh hòng chết, đàn ông mặc một đống áo đó, là đàn bà họ cũng để bày ngực ra như vậy thê!

Vậy rồi tôi mới hỏi: đàn ông biết tránh gió, giữ cho khỏi đau phổi, sao đàn bà lại phơi ngực ra cho gió lọt vào? Xin chớ có ai trả lời cho tôi rằng: bởi cái phổi đàn bà giỏi chịu gió hơn cái phổi đàn ông cho nên không sợ gió, – nếu trả lời như vậy thì tôi cầm bằng chưởi tôi!

Kỳ không? Cũng thì người, sao trong khi đằng nầy trốn gió, đằng kia lại [...]. Mâu thuẫn nữa! Hai chuyện.

Cũng trên xe điện, hai lớp sóng tư tưởng ấy của tôi vừa giập xuống thì có thằng nhỏ xề mấy tờ báo quốc ngữ ra. Tôi nói: "Tao mua giùm cho mầy. Vậy thì tờ nào còn đọng lại, mầy lấy bán cho tao". Nó rút đưa cho tôi một tờ Công luận.

Chết rồi! Lại đem tiền mà mua lấy cái chướng tai gai mắt nữa rồi đấy! Xứ Nam kỳ bỏ chữ nho hơn 70 năm nay, nếu ta không tỏ cái mâu thuẫn ra thì ta đừng nói chữ nho nữa mới phải. Phải chớ, bỏ 70 năm nay rồi còn nhớ rùa meo gì nổi? Vậy mà báo Công luận ngày 25 Mars phun chữ nho ra, – lại nhè chỗ không đáng phun – như vầy: "Hậu hôn điền thổ, vạn cổ chi cừu", còn làm phách in bằng chữ thiệt lớn nữa! "Hộ hôn", không phải "hậu hôn". Có điều không cãi làm chi: chỉ nói cho mà biết rằng hễ chữ nho bỏ rồi mà còn cứ nói nó mãi thì tất phải nói sai như Công luận!

Thôi, kể sơ ba chuyện nghe đỡ bữa hôm nay.

THÔNG REO

    Trung lập, Sài Gòn, s. 6691 (29. 3. 1932)

 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân