ÔNG ĐỀ THÁM CÓ PHƯỚC

Nước Nam mình ai nấy chẳng hề biết cái chủ nghĩa cá nhân là gì, mà chỉ trọng cái chủ nghĩa gia tộc, cho nên một người dầu công bất thành, danh bất toại mà chết đi, song về sau con cái lại ăn nên làm nổi, thì cũng gọi là có phước.

Bởi vậy ông Đề Thám cũng là người có phước trong những người có phước ở xứ ta.

Trung lập một số vừa rồi có nói chuyện cô Hoàng Thị Thế, con gái ông Đề Thám đương ở Paris, trong khi quan Tổng thống Doumer bị ám sát có mặt cô ở bên cạnh, chính tay cô đã nâng đỡ cho người bị thương, làm máu me lấm hết cả áo.

Trong khi đó, có một viên phóng sự của nhà báo đến hỏi, thì cô Thế đã nói chuyện cho nghe, và cô cũng tỏ nỗi buồn bực của mình, vì quan Tổng thống Doumer là người đỡ đầu cho cô từ nhỏ đến lớn, mà nay ngài mất đi, cũng như cô mất cha lần nữa!

Tội nghiệp cho cô Thế! Thật có như lời cô nói: Quan Tổng thống Doumer chẳng là người ký điều ước với ông Đề Thám; từ khi cô được sang Pháp, ngài lại chăm nom mọi việc cho cô; cho đến cô có chồng, ngài cũng chủ hôn cho nữa; sau lúc ngài lên làm tổng thống rồi, cô Thế lại nhờ sự quan hệ ấy mà ra vào đền Elysée được tự do. Tóm lại, cô Thế đối với ông Doumer chẳng khác nào cha con, nay ngài mất đi, bảo sao cô chẳng đau đớn thảm sầu?

Kể về phần cô thì vậy, chớ kể về phần ông Đề Thám, cha cô, thì là phải khen rằng có phước.

Trước hết phải biết: ông Đề Thám có gì thì gì, chớ cũng không khỏi bị người ta kêu bằng tướng giặc. Tướng giặc mà bây giờ con cái được bậc ấy há chẳng là có phước lắm sao?

Đền Elysée dễ vào lắm sao? Đừng nói thấm máu vào áo, máu của quan Đại Tổng thống nước Pháp dầu mình muốn bôi từ đầu bôi xuống cũng không phải là sự dễ! Thiếu chi người muốn cầu thân nơi tòa Khâm, nơi dinh Thống đốc mà chẳng được thay, huống chi là xuất nhập bất cấm trong điện Elysée? Ai cầy cục ở đâu rốt lại hoàn không được ráo, vậy mà cô gái mồ côi của anh tướng giặc lại được đi, chẳng có phước là gì?

Cô Thế cũng còn khờ! Mà không khờ thì cô lại là làm "chảnh"! Hạng Võ xưa kia là tay anh hùng, ám á sất sá, vậy mà còn ham cái hư vinh "áo gấm về làng". Nay cô Thế ở bên Tây sang trọng ở xứ người, chớ phải chi cô về đây thì con gái anh tướng giặc ngày nay thiếu điều đi nửa lừng trời chẳng là khoái lắm, sao cô không muốn?

Lạ cho cái mả ông Đề, phát con gái trước rồi mới phát con trai sau.

Người ta ở Bắc kỳ vào thuật chuyện rằng: Ông Đề Thám có một cậu con trai là anh cô Thế, bấy lâu lẩn lút trong dân gian, không ai biết tới. Ngày nay cậu con trai ấy cũng xuất đầu lộ diện ra, người ta biết cả tên họ mà kêu là Hoàng Hoa Phồn. Họ Hoàng lót chữ Hoa, phải rồi, là con ông Hoàng Hoa Thám. Thấy nói đã hèn lâu cậu Phồn làm phu điếm. Phu điếm ở ngoài Bắc, tức ở đây ta kêu là dân canh, dân tuần. Vậy mà mới năm ngoái đây, cậu ấy từ hàng phu điếm phất lên làm ông nọ ông kia.

Cái nầy không rõ thiệt hư, nghe sao thuật vậy: Nói năm ngoái, trong khi cậu Phồn còn làm phu điếm, ban đêm đi canh, cùng mấy người nữa bắt được mấy tay cách mạng trọng yếu, nên nhờ đó cậu được thưởng hàm hàn lâm gì đó thì phải; có lẽ ngày nay người ta đã kêu cậu là quan Hàn Phồn rồi.

[.........................](*)

Giả sử ông [....](**) mà được làm quan Thượng, quan Hiệp, nhứt phẩm trào đình thì ngày nay con trai con gái của ông cũng đến bực ấy là hết sức.

Tôi khen ông Đề có phước đó.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6727 (13. 5. 1932)


 

(*) chỗ này báo gốc chấm lửng 1 dòng.

(**) chỗ này báo gốc để trắng nửa dòng.

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân