ÔNG THẦN TÀI

"Con người linh hơn vạn vật", ấy là một câu cách ngôn mà vàn dân thiên hạ khắp hoàn cầu đều nhìn nhận.

Dân An Nam mình tuy hèn, tuy yếu, tuy dốt, tuy nghèo, chớ cũng tự phụ được rằng mình còn giữ vẹn cái tánh linh. Mà có lẽ cái tánh linh của dân mình nó lại là cừ hơn cái tánh linh của nhiều dân tộc khác, vì sau khi bị biết bao nhà đạo đức giả, gàn, hủ dóc họ nhồi sọ, mà chưa quay mòng mòng, chưa điên chong chóng, thời cái tánh linh của trời phú cho dân ta đó nó phải ăn sâu, bám chặt, chịu đựng, sống dai lung!

Các nhà đạo đức ấy họ dỗ ngọt như ru rằng: Anh em ôi! Ở đời vi phú bất nhơn, mà vi nhơn bất phú. Anh em phải biết: tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tợ thiên kim; anh em rán ở sao cho phải đạo làm người, rán chí thú "nghèo cho sạch, rách cho thơm" để giữ lấy tiếng là dân lương thiện".

– Ối! lũ dân khờ họ phản đối, rách lang thang lưới thưới mà thơm? Phải thơm thì bận áo rách vô chợ Bến Thành chẳng là không bị phạt? Nghèo bù ngao bù nghến mà sạch?

..........

"Thôi đi các cha! Ông bà chúng tôi dạy "đồng tiền là huyết mạch", "một đồng kiếm nát đám cỏ, hai đồng kiếm đỏ con mắt", vì "đồng tiền liền núm ruột" kia mà!"

Phải đa các anh! Thông Reo biết họ nói "vi phú bất nhân" là họ nói mọng các anh chơi. Thì các anh coi: Những người đeo đuổi theo cái tôn chỉ từ thiện đều là người giàu có hết. Không giàu thời lấy gì mà từ thiện? Nếu vậy thì vi phú có bất nhân đâu! Tôi chỉ thấy "phú quý sanh lễ nghĩa" thì có. Tôi chỉ thấy "giàu đặng trung đặng hiếu" thì có, chớ đâu có bất nhơn nà!

Họ không chịu nói rạch doi cho các anh nghe: làm giàu (vi phú) vẫn có hai thời kỳ, một thời kỳ từ chỗ nghèo mà bò lên chỗ giàu, với một thời kỳ tới chỗ giàu rồi lại thảnh thơi ngồi nghỉ.

Trong lúc họ biết cái cảnh nghèo là cảnh khổ, biết cái giặc nghèo là giặc nguy (trận cháo đồn rau vây trước mặt, binh con giặc vợ ó sau lưng), trong lúc họ chạy giặc đó, thì chết ai nấy chịu phải chạy bừa. Ta chẳng nên trách họ sao khổi khắc, sao sát nài, sao bỏ tù, sao khánh tận? Lâm ta cũng vậy, đương cơn chạy giặc mà tính nhơn tính đạo chết còn gì. Khéo nói! nhơn đạo khổng gạo mà nấu!

Đến chừng họ giàu hú, nhắm lại thân mình đã sọm mà con cái chẳng nên thân. Nghĩ của mình làm ra đáo để đây mà không lo làm phước làm doan, thì "gia phú tiểu nhi kiêu", sắp con mình sau nó cũng là phung phá hết.

Bởi nghĩ vậy họ mới ra tay từ thiện, rồi thì phẩm nầy, sắc nọ, bệ vệ, oai nghi! Dân chóa mắt tặng cho họ cái huy hiệu là "ông thần tài" để cho họ cầu cao lên giọng chảnh "đại phú do thiên...", không có mạng mà làm giàu sao đặng!"

Vi phú bất nhân! Bất nhân chăng là đời con của họ. Chúng ỷ sẵn tiền xài phá, chẳng làm chi cho động móng tay.

Nhưng, theo như ý nghĩ của Thông Reo, bất nhân nhứt là cái đám dân nghèo. Người ta thời sẵn của làm ra của mà người ta chẳng chịu làm, còn đàng nầy làm bỏ mạng kiếm không ra, mà cũng là bè hụi bấu châu đầu cầm cục mãi.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6895 (14. 12. 1932)

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân