ÔNG TỔ CẢI LƯƠNG

Mới nghe qua cái đầu đề ai cũng tưởng chuyện vui chuyện lạ, song cô bác đã từng quen với Thông Reo, cô bác biết những cái lối ngậm nước mắt bật cười dài, cười ngon lành cho khỏi khóc chớ.

Thông Reo bữa nay không muốn khóc nên phải gắng gượng cười reo, nhưng cái cười ở giờ nầy là cái cười đau thương vô hạn:

Thương đời đá đổ mồ hôi,

Thương kim cúc cũng mất mùi thơm xưa.

Thạch bi còn mấy bài thơ,

Nét lân lạt mực, rêu lờ mờ xanh.

Than ôi! Bạn vong niên của tôi là M. Tống Hữu Định, tục danh "Phó Mười Hai" ở Vĩnh Long, đã chết rồi! Người tắt nghỉ nhằm ngày 19 Octobre 1932, mới an táng hôm qua (26 Octobre 1932), mà đường sá xa xuôi, phận sự buộc ràng làm cho Thông Reo tôi không đưa điếu người ra phần mộ được.

Song tôi ngồi tôi nghĩ đến cái luật "dinh hư tiêu trưởng" (đầy cạn diệt sanh) ở trên đời, thời ai mà thoát đặng. Nghĩ như vậy rồi mỉm cười: Ừ, già chết thì chôn. Ờ, danh thơm vẫn để.

Cậu Phó Mười Hai (chánh danh Tống Hữu Định) vốn con nhà thế phiệt. Thuở cựu trào, nhà họ Tống đã từng làm quan ra vực dân giúp nước. Qua đến đời "tân chánh" thì anh cậu, cháu cậu cũng nối nhau làm cai tổng Bình An.

Buổi tơ tấn cậu có ra làm phó tổng (tổng Bình Long tại tỉnh lỵ Vĩnh Long) nhưng, ngay lúc bấy giờ, cậu chẳng hề xem cái chức đó ra sao cả. Ấy mới quả: nếp nhà noi dấu, bực trâm anh không lẫn không kiêu, cựu học dõi truyền, tánh khoan dụ(*) hay thân hay luyến. Cậu giao du rộng lắm, mà giao du hoạt khoát đủ hạng người.

Tôi không muốn kể những công trình tạo tác của cậu trong khi làm phó tổng, như các cuộc sùng tu Văn Thánh miếu, đình Long Châu, miếu Quốc Công, chùa Quan Đế, v.v... mà lúc cậu đã thôi làm phó tổng, làng Long Châu còn suy công cảm đức mà bầu cử cậu lên làm Hương quản kia, vì tôi cho những công cuộc ấy là thường.

Rắn mắt cho Thông Reo! Nó lại thích ghi cái từ hào phóng phong lưu của cậu Phó Mười Hai, mà trong lúc đồng thời chẳng ai theo kịp cậu.

Cậu Phó Mười Hai đã lịch sự trai mà lại thêm hay chữ. Cậu hay thi, hay phú, hay bắn(1), hay đờn. Đã hay bắn hay đờn lại thêm vị giàu sang mà rộng rãi. Bao nhiêu những tánh quý mà gồm lại một chỗ làm cho người đời để ý, nhứt là hàng phụ nữ nhà ta, thời cậu Phó Mười Hai có lo gì ế vợ. Không, cậu không hề ế vợ, trái lại là cả đời cậu, cậu đặng danh là đắt vợ lắm kia mà. Bởi đắt lắm nên cậu lật bật có mợ mới hoài. Lúc cậu trở về già, tôi có nhắc cậu sao chẳng kiếm một mợ chánh thức để dưỡng già cho nó giống người ta một chút. Cậu mỉm cười mà trả lời với tôi rằng: "Vợ chồng mà nên oan trái với nhau là chỉ vị chút con thôi. Tôi không có con thì cũng không gánh nợ mà làm gì. Về chuyện nhân duyên, thì, theo tôi, ta hãy phú mặc tự nhiên thong thả: Nhân duyên như cánh chuồn chuồn, khi vui nó đậu khi buồn nó bay".

Hay! Giữa lúc chế độ gia đình còn mắc míu ở trong vòng Khổng giáo, cái khuôn phong tục đành chật hẹp gắt gao, mà đã có một người dám xử đời bằng một cách khoáng đạt dường nầy, thì rõ ràng là cái huy hiệu "Ông Tổ Cải Lương" đã nằm sẵn ở trong tư cách ấy.

Bình thời cậu Phó Mười Hai vẫn hay tập cho sắp trai tơ gái lứa ca tài tử mà cho đủ màu mè bộ tịch như làm tuồng hát vậy. Điệu ca ấy kêu là "ca ra bộ".

Kịp đến hồi Âu chiến (1914 -1918) cậu nhơn dịp nhà nước mộ quốc trái năm 1917, mà quy tựu các bạn thanh niên thức giả ở Vĩnh Long, để hát một vở tuồng cải lương nhan đề là "Quốc trái" của cậu đặt, đặng giúp cho chánh phủ.

Cái làng mà quan chủ tỉnh (M. Cao Văn Thọ) cùng ông chủ quận (M. Hồ Chí Vang) đến khuyên lơn diễn thuyết về quốc trái, cậu đặt tên là làng "Bác Ái". Hương chức làng Bác Ái là M.M.(*) Ký, Phúc, Di, Tiền, Thừa, Khanh, Ninh, Hải, đều là mấy thầy làm việc cả. Những vai chính trong vở tuồng "Quốc trái" là vai hương bộ Kiết (giàu mà keo bẩn) – Quản Phúc đóng; vai mợ hương bộ Hào (đàn bà trời) – cô ba Định đóng; vai Hương cả Bảnh – giáo Ký đóng; vai cô Bắc bán hàng rong – cô ba Bền đóng, v.v... Vì lâu ngày quá không biết Thông Reo tôi có quên sót ai chăng...? À, còn M. Thanh, đã đóng vai cai tổng nữa.

Từ đó, kể mấy ông bầu sành sỏi như M. André Thận (1919) ở Sa Đéc, M. Pierre Tú (1920) ở Mỹ Tho mới khởi đầu lập gánh hát cải lương mà phô diễn khắp Nam kỳ; song cách thức thì chẳng ngoài cái kiểu vở mà cậu Phó Mười Hai đã sáng kiến.

Thông Reo rõ biết độc giả yêu của nó vẫn trọng nền mỹ thuật thêm thích điệu "cải lương". Muốn điếu ông tổ điệu "cải lương" là cậu Phó Mười Hai Tống Hữu Định mới từ trần, Thông Reo xin thể ý bà con mà khóc cậu bằng một đôi liễn đối:

Đời khủng hoảng sống chi, một giấc đi về cùng hóa cảnh;

Tiếng phong lưu để lại, ngàn thu còn mãi với phương danh.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6859 (27. 10. 1932)


 

(*) khoan dụ: rộng rãi, độ lượng lớn.

(1) Bắn cung, tục gọi bắn giàng hay là bắn trường (nguyên chú).

(*) Cách viết "M." trước một tên riêng, được hiểu là xưng hô "ngài"; cách viết "M.M." trước một loạt nhiều tên riêng, được hiểu là xứng hô "các ngài" (monsieurs).

 

© Copyright Lại Nguyên Ân