PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI PHỤ NỮ

Bên Tàu vào khoảng các triều gần đây, như triều Minh, triều Thanh, người ta đẻ con gái ra hay trấn nước cho chết đi. Luật nhìn cho ấy là một cái tội, nên có đặt ra một điều để buộc tội. Tức như Đại Thanh luật lệ nói rằng: "Phàm cha mẹ đem con gái mình mà trấn nước, sẽ bị trượng sáu chục, đồ một năm". (Phàm phụ mẫu nịch tử kỳ nữ giã trượng lục thập, đồ nhứt niên).

Cha mẹ nhè con của mình đẻ ra mà giết đi, như vậy là nhẫn tâm hại lý quá, luật bắt tội như thế là phải, mà e còn nhẹ nữa kia. Song có kẻ lại nói rằng cha mẹ đẻ con gái ra mà trấn nước đi, ấy là vì lòng thương xót nó mà làm cho nó chết sớm chừng nào hay chừng nấy, đã chẳng phải là nhẫn tâm hại lý gì, mà lại là do lòng từ ái phát ra đó vậy!

Kẻ ấy nói như vậy là có ngụ ý sâu sắc lắm, ngụ ý rằng bởi xã hội khinh thị con gái đàn bà, để nó lớn lên rồi về sau cũng chịu thống khổ mà đến chết vậy thôi, chi cho bằng giết trước nó là hơn! Cha mẹ giết con gái trong khi mới đẻ mà kêu bằng do lòng từ ái, thì cũng như ở Paris năm kia có người con cầm súng bắn mẹ trong lúc mẹ bị bịnh đau đớn chịu không kham, mà tòa tha tội cho, lại khen rằng hiếu. Hai cái "ca" ấy giống nhau.

Mới nghe mấy lời binh vực cho cái tội sát nhân ghê gớm ấy mà lấy làm quá; song sau lại, cũng xét trong Đại Thanh luật lệ, thì thấy ra là lời có lẽ.

Cũng Đại Thanh luật lệ, ở nơi khác, lại có những điều như vầy:

"Phàm vợ hoặc vợ nhỏ nhơn đánh mắng ông nội bà nội cùng cha mẹ chồng, mà người chồng (không đi cáo quan) cứ việc giết chết vợ hoặc vợ nhỏ của mình đi thì người chồng sẽ bị trượng một trăm. Còn như người chồng đánh mắng vợ hoặc vợ nhỏ, nhơn đó mà chúng tự tử thì người chồng khỏi buộc tội". (Phàm thê thiếp nhơn ẩu mạ phu chi tổ phụ mẫu, phụ mẫu, nhi phu (bất cáo quan) thiện sát tử giả, trượng nhứt bách. Nhược phu ẩu mạ thê thiếp nhơn nhi tự tận giả vật luận).

"Chồng đánh vợ không đến nỗi gãy tay gãy chưn hay bị thương tích gì thì khỏi buộc tội; đến như gãy tay gãy chưn, bị thương tích trở lên, thì so với người dưng giảm hai bực" (Phu ẩu thê, phi chiết thương vật luận; chí chiết thương dĩ thượng, giảm phàm nhơn nhị đẳng).

Coi đó thì luật hiệp đàn bà quá. Đã đành rằng vợ hoặc vợ nhỏ mà đánh mắng ông nội bà nội cùng cha mẹ chồng là lỗi đạo làm dâu, song tội ấy đâu đã đến nỗi chết; vậy mà chồng cứ việc giết chết đi, chỉ bị trượng có một trăm, có phải nhẹ quá không? Còn chồng nói hiếp vợ hoặc vợ nhỏ mà vợ hoặc vợ nhỏ tức mình tự tử thì kệ kiếp, như vậy thật khinh cái mạng đàn bà chẳng ra chi!

Còn theo điều sau đó thì chồng đánh vợ ngày một cũng chẳng hại chi, miễn đừng đánh gãy tay gãy chưn cùng có thương tích thì thôi. Chữ "trở lên" đó có ý nói đánh tới chết đi nữa là tội cũng còn được nhẹ hơn đánh người dưng hay là người dưng đánh đến hai bực.

Nếu vậy thì ra luật cũng đã chực sẵn những điều để mà giết đàn bà sau nầy cho dễ rồi, thì người làm cha mẹ để con gái mình sống tới đó làm chi cho bị giết, trấn nước trước cũng phải!

Lạ một điều là nhà làm luật đã không kể sanh mạng đàn bà ra chi, thế thì cha mẹ trấn nước con gái họ thây kê, còn đặt ra làm chi cái điều trượng sáu chục, đồ một năm vô ích!

C.

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 130 (12. 5. 1932)

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân