PHỤ NỮ GIẢI PHÓNG

– Các báo họ ưa bàn tới vấn đề "phụ nữ giải phóng". Sao tôi ít nghe Thông Reo nói về vấn đề đó? Nghe các ông trí thức họ chú ý về câu chuyện đó nhiều. Mà tôi cũng không hiểu rõ "giải phóng phụ nữ" nghĩa là sao?

– Chị Tư ở nhà làm gì, anh Tư? Chị có ở không hay là đánh tứ sắc không?

– Ối, từ năm giờ sáng tới ba giờ chiều nó mắc lo mua bán ở chợ. Xế chiều về nhà nghỉ vài giờ, săn sóc mấy đứa nhỏ, coi chừng áo quần cơm gạo trong nhà, rồi kế lo mua hàng bông đặng bán buổi mai. Ngày giờ không có rảnh, nói gì tới chuyện tứ sắc. Nhờ nó trợ lực với tôi, trong nhà mới được no cơm ấm áo. Bộ vợ Thông Reo ở không, đánh bài giờ hay sao mà Thông Reo hỏi tôi câu đó?

– Cái nghề văn sĩ là nghề dễ chết đói. Ở trong thời kỳ Tây học nầy, thầy đồ như Thông Reo khỏi chết đói là may. Thông Reo nếu không nhờ vợ buôn gánh bán bưng, mua đầu chợ bán cuối chợ, thì Thông Reo tiêu mất từ hồi nào rồi. Tôi hỏi anh câu đó đặng cho biết, coi chị Tư có được giải phóng chưa. Chớ nếu vợ tôi mà nó đòi giữ câu "khuê môn bất xuất" thì tôi cũng lạy nó mà xin nó làm ơn "tự do" giùm cho tôi nhờ. Anh ở nhà có "chồng chúa vợ tôi", dầu anh nói bậy chị Tư cũng vâng theo hay không?

– Bộ Thông Reo nói đờn bà họ điên hay sao mà mình nói bậy họ cũng nghe theo. Dầu "chồng chúa vợ tôi" được đi nữa, mình sao đành hiếp vợ? Vợ chồng cực khổ với nhau, lo làm vui cho nhau đặng mà gánh vác gia đình cho nhẹ nhàng. Sống không phải là vui sướng gì lắm, có đâu lại làm khổ cho nhau.

– Vậy thì anh Tư với tôi, chúng mình khỏi bàn đến phụ nữ giải phóng. Từ sáu bảy năm nay các cô con nhà tiểu tư sản, bị cha mẹ vì lợi hay gả ép. Mấy cô muốn chống lại, cho nên mới xướng lên vấn đề "tự do kết hôn". Cũng vì lẽ "gia đình kinh tế" luy tán, gia đình không thể nuôi một một bầy con cháu cho no đủ như xưa được. Hai nữa, là vì các cô con cháu tiểu tư sản có ăn học chút ít, hoặc ra làm cô giáo cô mụ, tự lập được, có thế lực để chống với gia đình chuyên chế và lãnh trách nhiệm việc hôn nhơn của mình định cho mình. Cho nên trong xã hội mới nảy ra vấn đề tự do kết hôn. Tôi nói "tiểu tư sản", là vì con gái nhà cự phú, được các ông du học ở Tây về đến viếng đông, sợ cho các cô khổ tâm vì sự lựa chọn, chớ bao giờ sợ khổ tâm vì bị cha mẹ ép. Còn con nhà nghèo, một là cha mẹ cầu cho mấy chị theo ai thì theo cho nhẹ miệng ăn; hai nữa là như cha mẹ có gả cho chú Chệt gì thì cũng ưng đi cho rồi, trước là đền ơn cha mẹ, sau được ấm no.

– Vấn đề phụ nữ giải phóng không phải là bao nhiêu đó. Còn quyền phụ nữ tham dự chánh trị?

– Vợ của tụi mình, chúng nó vì đói mà muốn kêu ca về thân phận của nó và yêu cầu chánh phủ giúp sức. Chớ anh Tư có thấy các "cơ quan của phụ nữ" xứ nầy họ cần cái quyền đó không?

– Sao các nhà văn sĩ xứ mình coi bộ họ cũng cần bàn về vấn đề phụ nữ giải phóng lắm chớ.

– Không biết họ có cần cho phụ nữ giải phóng giống gì khác nữa không? Mình ra ngoài chợ, nếu chỉ thấy mặt "đực rựa" không thì chắc là không vui. Cũng có lẽ vì vậy mà các ông viết báo họ cần có nữ đồng nghiệp trong làng báo cho vui vui. Nầy anh Tư, vấn đề phụ nữ giải phóng đối với tụi mình, nó là cũ mèm. Mà đối với cả xứ Việt Nam, nó cũng là cũ mèm nữa.

– Anh quên bà Trưng bà Triệu sao?

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6837 (22. 9. 1932)

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân