QUAN RANH QUAN LỘN

Nếu ông Tây nào giỏi tiếng An Nam, xem thấy cái đầu đề trên nầy, chắc ổng cho tôi là viết sái; rồi đến khi ổng nghe tôi    cắt nghĩa hết, chửng ông mới chịu tôi nói có lý, chớ không phải sái đâu.

(Bị kiểm duyệt bỏ)

An Nam ta, trong sự sanh đẻ, hay mê tín một điều. Có nhiều cặp vợ chồng, sau khi lấy nhau, đẻ đứa nào ra, chết đứa nấy. Ấy là tại nhiều cớ: hoặc họ không biết bảo hộ đứa trẻ trong thai,  hoặc họ nuôi nấng không hiệp phép sau khi sanh nở, nên mới làm cho nó chết non như vậy. Song họ không chịu lỗi của mình, cứ tin dị đoan. Họ kêu những đứa nhỏ đẻ ra rồi chết, chết rồi đẻ ra ấy là "con ranh con lộn".

Trong ý họ cho nó là yêu ma quỷ quái chi chớ không phải con! Đẻ rồi chết, chết rồi đẻ, đó là không phải nhiều đứa mà chỉ có một đứa. Nó ra rồi vào, vào rồi ra, cứ bào thai hoài mà khuấy vợ chồng họ năm trọc bảy tráo cho đáng kiếp chơi, nó là oan báo oan nghiệp mà. Có người nói đã thí nghiệm rồi. Cái đứa mới vừa đẻ xong đã chết ấy, đem chặt ngón tay út nó làm dấu, đến chuyến sau đẻ đứa khác cũng thấy nó cụt ngón tay út. Quả nhiên nó là một đứa mà cứ lộn vô lộn ra hoài.

Họ có bày cái phép ếm trừ con ranh con lộn như vầy: Khi nào gặp con ranh ấy thì chính mình người cha lấy mo gói xác đứa nhỏ chết, đem ra giữa ngã ba, tay cầm cái mai, đặt nó xuống đất, rồi xắn hai ra chỗ cháng ba (*) ngang bụng nó và chôn lại đó; như thế thì về sau nó không phương trở vô nữa.

Trời đất ôi! độc ác quá tay mà ngu dại thôi đã hết chỗ! Chính mình không khéo nuôi con rồi nhè đổ tội cho nó mà hành hình nó, thật thảm biết chừng nào! Vậy mà đã có người đang tay làm  việc ấy, chớ chẳng phải nói chơi đâu.

Xin độc giả cho phép tôi đến đó là dứt chuyện con ranh con lộn đi cho rồi, để dành giấy mà nói qua chuyện khác.

Quan cũng có ranh có lộn. Cho nên tôi xin ông Tây hồi nãy chớ tưởng tôi viết lầm chữ "con" ra chữ "quan".

Trong số báo vừa rồi, tại chỗ nầy, tôi có phàn nàn rằng sao mà dạo nầy đổ ra ngữ tham quan nhiều quá.

Tuy vậy, nhiều mấy cũng không sợ: chỉ sợ có điều là nó cũng ranh cũng lộn thì chẳng còn phương gì trừ được, [.....](*) tôi có nhắc chuyện ông Hồ Đắc Bích cho bà con nghe. Trước kia ông làm tri phủ ở Thanh Hóa, bị giáng phải về, [.....](*) vậy mà đâu chừng vừa khẳm chín tháng mười ngày, ổng lại bào thai [.....](*) Tôi chỉ biết lần đó thôi, hoặc còn lần khác nữa mà tôi không biết; nghe như ổng đã "lộn" nhiều lần.

(Bị kiểm duyệt bỏ)

Làm thế nào mà trừ ếm được thứ quan ranh quan lộn nầy? Tôi nghĩ đã vô phương!

Tưởng có khi chánh phủ, đấng làm cha làm mẹ họ mà cũng làm cha làm mẹ dân nữa, phải nhẫn tâm đi trong một lúc mới được. Tưởng chánh phủ cũng phải xách cái mo, tay cầm cái mai mà xắn hai họ ra giữa cháng ba. Chỉ có thế thì mới tiệt nọc mà thôi.

Xắn hai ông quan ranh ra, nghĩa là ông nào đã bị cáo về hối lộ, thôi thì "vĩnh bất tự dụng" đi, có ngậm ngọc mà nói nữa cũng thây kệ, hầu để dứt cái đường họ bào thai lộn lại vào quan trường.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6632 (7. 1. 1932)


 

(*) cháng ba: chỗ đâm ba nhánh (H.T. Paulus Của, sđd.); cháng: chạc cây, chỗ thân cây mọc chìa ra làm hai hoặc nhiều nhánh lớn, ví dụ cháng hai, cháng ba (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.); nhưng ở đây mượn để nói về thân thể người; cháng ba tức là khoảng ngang bụng như tác giả viết trong bài.

(*) Các chỗ này ở báo gốc để trắng mỗi chỗ từ khoảng 4 đến 7 từ, có lẽ bị toà soạn bỏ.

                                                           

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân