QUÂN TỬ VỚI TIỂU NHƠN

Thôi, dẹp đi Thông Reo. Cứ vỗ ngực xưng mình "quân tử" mắng kẻ khác "tiểu nhơn" làm chi. Đời bây giờ mà Thông Reo anh còn xài mấy tiếng "quân tử" "tiểu nhơn", tôi dám chê là cũ quá, cũ mèm! Hễ ai thuận với Thông Reo, Thông Reo kêu người ta là "quân tử", còn nghịch với Thông Reo thì Thông Reo kêu người ta là "tiểu nhơn", chớ có nghĩa gì đâu.

– Anh Tư, mấy cái tiếng "quân tử" với "tiểu nhơn" còn xài được đời đời kiếp kiếp. Hễ nhơn loại còn [……](*) thì còn dùng mấy tiếng đó.

– Bộ Thông Reo anh tưởng tôi mần sớp-phơ, còn anh là một ông chủ bút, rồi anh cứ việc nhồi sọ tôi hả? Ông chủ của tôi có mướn một thầy thơ ký có đi qua Tây, ăn học giỏi lắm. Thầy nầy nói với tôi rằng: hai tiếng "quân tử" nghĩa nó là "con vua". Ông Khổng Tử ngày xưa lập sách để dạy […..](**) hoàng phái quý tộc, dạy có cái tư cách […..] ăn trên ngồi trước, cho […..] (**) dân đen nó thấy tư cách ấy mà phục sát đất […..](**)

(Kiểm duyệt bỏ)

– Anh nầy dốt mà cắt nghĩa cũng thông.

– Tôi cắt nghĩa đúng theo cách, chớ bộ tôi nói bậy sao? Cái tụi mà đọc sách như Thông Reo, không biết suy nghĩ từ tiếng,(***) tôi nghe thầy thơ ký của ông chủ đó thầy kêu là "mọt sách": con mọt ăn sách cũ.

– Cha chả, anh Tư bữa nay xài tôi dữ quá. Đức Khổng Tử anh cũng không chừa. Nầy anh Tư, hai tiếng "quân tử" với "tiểu nhơn" nó cũng tấn hóa theo xã hội. Tỷ như ý kiến của anh là đúng, thì đời bây giờ "quân tử" với "tiểu nhơn" không còn cái nghĩa ngày xưa đó nữa.

– Sao lại không còn? [....] (****)

(Bị kiểm duyệt bỏ)

– Không phải, quân tử tiểu nhơn không phải là do nơi sự   giàu nghèo.

– Mạnh Tử kia còn nhìn nhận rằng nghèo quá phóng túng làm càn, không dễ gì mà làm mặt quân tử. Như tụi tôi đây [..…](****) người ta chửi cũng phải chịu, chủ nhà nói "mẹc" cũng phải […..](****) Đâu dám gây, đâu dám cãi, biểu việc gì thì phải làm y theo việc nấy. Làm sao tụi tôi dám vỗ ngực xưng mình là quân tử. Như Thông Reo anh đây không làm [..…](****) cho ai, mà, ở nhà, không biết đối với vợ, Thông Reo anh có giữ được thái độ quân tử chưa đa?

– Thôi anh Tư, bữa nay sao anh gây quá. Bộ anh bị ai kêu anh là "tiểu nhơn" đó chớ gì. Thôi, để tôi kêu anh là quân tử luôn luôn đi, nghe?

– Dẹp đi Thông Reo.

– Hay là để tôi viết báo xúi thiên hạ đồng tình dẹp mấy tiếng "quân tử" với "tiểu nhơn" đi, nghe?

– Sợ cho tụi hát bội với mấy cụ thầy đồ họ kiện Thông Reo chớ [..…] không vỗ ngực nói người ta "tiểu nhơn", rồi lấy gì lên mặt thánh nhơn với thiên hạ?

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6810 (21 và 22. 8. 1932)(*)


 

(*) Chỗ này báo gốc chấm lửng liền 1,5 dòng.

(**) Các chỗ này ở báo gốc chấm lửng từ 1/3 đến 1 dòng.

(***) “từ tiếng” ở đây cần được hiểu là “từng tiếng”.

(****) Các chỗ này ở báo gốc để chấm lửng mỗi chỗ từ ½ đến 1 dòng.

(*)  Ở Trung lập ra ngày 20/8/1932, mục Những điều nghe thấy bị kiểm duyệt bỏ cả bài.

Lưu ý: tòa soạn Trung lập đánh số lầm nhưng không sửa: kỳ báo ra ngày 20/8/1932 đánh số 6811; tiếp đến kỳ báo ra chủ nhật và thứ hai, 21 và 22/8/1932 lại đánh số 6810 (trùng với số ra ngày 19/8/1932); kỳ báo ra ngày thứ ba 23/8/1932 đánh số 6811 (trùng số với ngày 20/8/1932); từ sau đó tiếp tục thứ tự này chứ không chỉnh sửa.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân