SANH NGHỀ TỬ NGHIỆP

Ai cũng biết: "sanh nghề tử nghiệp" là sống nhờ nghề nào, thì chết về nghề ấy. Thuở xưa xửa xưa xừa, câu nầy chỉ nói về những nghề mà đời trước người xưa vẫn cho là mạo hiểm như những nghề thợ biển, thợ rừng... Nhưng đời nay đây, Thông Reo nghĩ hoài, có nghề nào là nghề không mạo hiểm?

Cử lấy một nghề nông, là nghề dễ nhứt và đã được dân ta  đeo đuổi theo nhiều hơn nhứt, thì ngoài cái sự dầm sương, giãi nắng, gội gió tắm mưa, họ còn mang thuế khóa nợ nần đói no chưa chắc.

Còn nói chi các nghề khác. Mấy năm nay bị cái nỗi thời cơ thắt ngặt, mà dân thất nghiệp hóa thêm hoài. Bất cứ làm nghề nào, hễ ngó lại quanh mình là thấy biết bao nhiêu bạn tác cùng nghề, ráo hòm chực như đoàn ma đói. Hễ mình non tay ấn ngớ nghết buông lơi, là họ rước đi liền, nên phải sợ rị ôm làm bỏ mạng.

"Sanh nghề tử nghiệp", nói về thời buổi nầy, chỉ có hai cách: một là "chết đói" mà hai là "chết đuối" thôi.

Thì mới rồi đây, trên con đường Mỹ Tho – Sài Gòn, anh sốp phơ Nguyễn Văn Bính, ôm tay bánh một chiếc xe đò chạy từ Sa Đéc lên gần tới Phú Lâm, nghĩa là đã chạy qua một khoảng đường trường chừng 150 cây số với một khoảng thời gian trót bốn giờ, anh ta bèn ngã ra bất tỉnh ở trên xe, buông tay bánh để xe nhào xuống ruộng.

Người ta nói anh sốp-phơ Nguyễn Văn Bính bị chóng mặt, bị máu xâm, bị cảm mạo gì đủ mửng;(*) song Thông Reo tôi đoán chắc cho anh ấy bị đuối sức thê mà!

Anh Bính nè! Sức máy vậy mà sức con người âu cũng vậy, rán quá sức có nên đâu. Phen nầy, nếu chủ anh không vì cớ sửa xe mà đổi luôn người cầm bánh,(**)  thì tôi khuyên anh nên giải nghệ về tịnh dưỡng đi mà. Anh nghĩ coi, nếu anh rán sức mòn tay bánh rị ôm hoài, để ngã một lần nữa thời ắt là không chỗi dậy.

– Anh nói nghe phải lắm, song còn một gia đình tôi ai gánh vác? Ha! (thở ra) con thơ vợ yếu nỗi kia sao?

Nỗi kia sao? Thông Reo tôi cũng phải thở dài mà vô phương khả đảo, vì việc là việc vô khả nại hà!

Đất Nam kỳ nầy là 4.450.000 người, mà chỉ có một phần ba làm mà nuôi hai phần ba khác. Nghĩ cái thói cả bè chực ăn bám có một người (người mà họ nói họ thương) làm cho tôi phải thương tâm hết sức.

Chớ chi họ biết chuyện dân Spartiates ở cù lao Sparte bên Hy Lạp (Grèce), khi may mà họ sẽ hổ ngươi.

Thứ dân nầy xưa kia chỉ có 4.450 người, chung quanh họ tinh những là kẻ thù không, song họ chỉ nhờ phong tục và pháp luật họ nghiêm khắc, mà họ đã thắng nổi cả bao nhiêu quân địch.

Kỷ luật của họ gắt nhứt là bất cứ đàn bà con trẻ, bắt đầu từ 7 tuổi, hễ có làm mới có ăn, chẳng ai được ăn nhờ của ai hết. Chắc có kẻ hỏi: con nít mà làm gì cho có? Ủa! biết đâu! luật của người ta buộc gắt như vậy đó. Không có thời quàu quấu cấu xé làm sao được thì làm, chớ hễ là ăn bám lậu bể ra thì không dung cho đa!

Ai sao không biết, chớ Thông Reo nói: họ gắt phải! Gặp hồi khốn đốn như giặc đói tới vây nhà, thời bất cứ là ai phải ra tay chống cự hết! Tục ngữ ta có câu: "Giặc tới nhà đàn bà cũng đánh". Không thắng nổi thì thà là chết đói với nhau đi; chớ ai có đành để cho người mình thương một thân cam chết đuối!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6897 (16. 12. 1932)


 

(*)  mửng: kiểu, trò, lối (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.)

(**) cầm bánh : cầm lái.

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân