SANH TỬ

Nghĩ cho tới thì, "lá rụng về cội", không có cái cách nói nào hay hơn là nói tiếng mẹ đẻ mà mấy ông đồ xưa mỉa gọi là tiếng "tục" tiếng "nôm" đâu.

Hồi xưa, nghĩa là vài mươi năm về trước đây, đàn bà con gái hạng thượng lưu bập bẹ ưa nói chữ lắm. Đâu tới hạng "anh chị", là hạng người bảnh bao lanh lợi, mà vì không học đặng nên phải dốt, cũng rán lượm lặt ba chữ để chưng sơ. Nghề "anh chị" là một nghề nguy hiểm nên họ hay nói: "Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục", "cùng bạn tử sanh", "vào sanh ra tử", v.v...

Song ở đời, vật gì cũng vậy, kể xài lố là đâm chán, sanh nhàm, rồi thì đốc, thì lai không còn nguyên tánh nữa.

Hai tiếng chữ "sanh tử", vẫn cùng chịu một số kiếp suy tồi ấy. Trước kia thời nó là biểu hiệu cho những tay đại đởm anh hùng, coi tánh mạng nhẹ bằng lông. Đến bây giờ nó lai nó chạ đi rồi nó lại có là nghĩa xà bứa, pha càn mà bốc xẹt: "Làm cái gì mà sanh tử dữ vậy, mầy!"

Thế mà anh Huỳnh Văn Miêng của tôi ở Tân Quy Đông (Gia Định) ảnh có biết đâu. Bởi không biết nên phiên tòa trừng trị Sài Gòn xử hôm ngày thứ năm 24 Novembre vừa rồi, ảnh mới nói: "Đ. m.! ức quá! Phải sanh tử mới được". Vô hầu, Tòa hỏi ảnh:

– Tại sao chú kháng cự hành hung với viên chức sở mật thám.

– Bẩm quan tòa, chú lính nầy hỏi tôi giấy thuê thân, tôi liền trình giấy thuế thân tôi mới đóng cho chú, thế là tôi đã đúng phép. Chú lại còn vô muốn xét nhà tôi, [...........](*)?

Ảnh [.........](*) bị Tòa kêu án lãnh 2 năm tù và 5 năm biệt xứ.

Dẫn về khám, dọc đường Huỳnh Văn Miêng day mặt qua mấy người thân thuộc của anh ta mà nói nữa: "Đừng lo! Chết chóc gì mà sợ!" Nghe được cái câu ấy, mấy bạn đồng nghiệp Pháp đã cho Miêng là một cái óc cừ khôi (c'est une forte tête).

Ừ, cừ thì có cừ, song hai cách nói "sanh tử" ban đầu và "chết chóc" lúc cuối, làm cho Thông Reo nghĩ ngợi mãi.

Thuở giờ mấy ông già bà cả hay dặn con dặn cháu: "Ở đời chớ hung ngoan đãng tử, quý hồ là sanh thuận tử an thôi."

Sanh thuận tử an? Sống trọn chết lành, ắt có lẽ là đời người vô sự lắm. Theo tiếng lề của ta, thì chết bịnh chết hoạn là chết êm chết ái, còn chết ngang chết nghịch là chết uổng chết oan (bất đắc kỳ tử). Chỉ nghiệm trong hai chữ đắc với bất đắc, thì đến việc sanh t có nói an với thuận mà làm chi? Đời bây giờ là đời khốc liệt cạnh tranh, lẽ thì hỏi: được hay không được, đáng hay không đáng, nên hay không nên chớ?

Thông Reo tôi muốn làm tày khôn sửa mũ mấn, mà đổi cái câu "sanh thuận tử an" lại là "sanh toại tử nghi" coi có đặng không? Sanh toại nghĩa là sống cho thoả chí phỉ tình, còn tử nghi là chết cho phải thời có nghĩa, như vậy mới là sống đành chết được cho.

Anh Huỳnh Văn Miêng tôi, tuy nhiên ảnh có cái óc cừ (forte tête), song ảnh sớ cái chỗ nên hư phải chẳng. Anh Miêng à! Chết đâu vậy mà chết, anh hay sanh tử thì thôi. Bởi vậy anh mới nói "Đừng lo! Chết chóc gì mà sợ!"

Đóng như người biết chết, chừng phải thời, phải nghĩa, chết chóc há sợ sao?

Thông Reo xin nhắn với bà con: rày về sau cứ "sống chết" mà xài, đừng thèm chơi "sanh tử" nữa.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6881 (27 và 28. 11. 1932)


 

(*) Các chỗ này ở báo gốc chấm lửng liền 1 dòng.

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân