SAO, SAO?

Hôm nay bị cái đầu đề hơi huyền bí nên xin phép bà con cho Thông Reo cắt nghĩa. Sao, sao? Lý ưng phải nối thêm ba cái phụ đề như: Thế nào là ngôi sao? – Một giờ nói chuyện với người xa đến phỏng vấn – Chuyện cà rỡn ở đầu làng...

Chỉ nói mí vậy chắc bà con cũng hiểu hiểu. Được, Thông Reo xin vô phép nhập đề.

– Thưa ông (Một người thanh niên ở Bắc, bộ tịch trang nghiêm nho nhã đến ra mắt) thưa ông, tôi xin nhờ ông dạy cho một chuyện mà ở đây người ta nói thành lề nhưng tôi chưa hiểu được.

– Vâng, việc gì anh cứ nói, song tôi chỉ xin anh hãy gọi Thông Reo bằng anh thôi.

– Cám ơn anh, tôi không dám... Tôi vào tới Sài Gòn thì đã nghe: ở đây có "ba ngôi sao trong làng báo". Xin anh cho tôi biết ba ngôi sao ấy là ai?

– Sao, sao?

– ... Ba ngôi sao trong làng báo.

Sau khi cười bể nhà một lúc, Thông Reo mới nói đặng:

– Chết nỗi! Anh nhầm (lầm) mất. Trong làng báo mà có sao có hạn gì đâu! Phải chi anh hỏi thăm tôi mấy ngôi sao trong "làng" khác thì tôi sẽ sẵn lòng mà chỉ dẫn anh luôn.

– Chui cha! Thế thì anh cho tôi bịa đặt nên nhời chăng?

– Không, anh đã biết thế nào mà bịa với đặt. Câu nói "ba ngôi sao trong làng báo" là có thật, nhưng chỉ là câu nói giỡn, cũng như ở ngoài ta gọi chuyện nói đùa mà.

– !....!

Thì đây: cái thành ngữ "étoile du théâtre", "étoile du cinéma" (ngôi sao của trường hát, ngôi sao của hát bóng), cái thành ngữ ấy của Pháp mà ta mượn lại ta xài, là cái thành ngữ để dùng cho những cô đào hát, vì họ hay ăn mặc hào nháng, chớp chóa, in như mấy ngôi sao. Mấy ngôi sao lúc tối trời ta mới thấy (cho giữa ban ngày mà muốn trông thấy đặng thì phải chun lột đáy giếng mà trông ngược lộn lên) mà ngôi-sao-người đây thì cũng là rực rỡ trong một lúc ban đêm thôi.

– Anh nói tôi hiểu rồi. Nhưng thế sao họ còn đùa thêm rằng: Có một lúc "ba ngôi sao trong làng báo" ấy vẫn chiêu mãi ở tại trời thiên phước?

– Ôi! "Thiên Phước" là tiệm thuốc phiện có khai đăng ở đường d'Espagne kia. Trong bợm hút họ có tiếng ẩn ngữ gọi cây đèn hút là "ngôi sao Gia Cát" (mặt nhìn đèn như Gia Cát xem sao) để ám chỉ những bợm hút là ròng tay mưu trí cả. Lúc ấy, thật ra thì cũng có ba nhà văn sĩ nọ hay nằm tiệm nơi đây. Mấy anh Gia Cát kia thấy họ nói giỏi cũng suy tôn họ là "ba ngôi sao" đi.

– À! Nếu quả thế thì "ba ngôi sao" nầy có thật! Anh có thể cho tôi biết: bây chừ họ mọc ở nơi mô không?

– Có ạ! Họ khi lặn khi mọc ở đường Vannier đó(*). Vì họ mọc không chừng không đỗi, nên người ta đã cho họ cái danh hiệu mới là "ba ngôi sao xẹt". Từ hồi họ quy nhau về ẩn núp dưới cái vạt áo chị đàn bà thì không biết hệ vì đâu xui nên nỗi họ lu lút lu câm(*) miết.

– Thôi, giã ơn anh. Ba ngôi sao trong làng báo! Biết rồi! Biết rồi! May không thôi tôi đã nhầm (lầm) cho họ là ba vì phước tinh trong báo giới chớ. "Bé cái nhầm!" Cha! may phước rữ!...

Anh bạn Bắc của Thông Reo ra về mà miệng còn mỉm cười lẩm bẩm: Ba ngôi sao... Ba ngôi sao...

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6857 (25. 10. 1932)


 

(*) Có lẽ ở đây muốn nói tới ba tên tuổi vốn gắn bó nhiều với chủ nhân tờ  Phụ nữ tân văn là Đào Trinh Nhất, Phan Khôi và Bùi Thế Mỹ. Sau Hội chợ Phụ nữ, một số tờ báo đả kích dữ dội vợ chồng ông bà Nguyễn Đức Nhuận. Trong ba người nói trên, Đào Trinh Nhất ban đầu lên tiếng bênh vực ông bà Nhuận, sau im lặng. Bùi Thế Mỹ từ chức chủ bút Trung lập khi tờ này chuyển sang phê phán. Phan Khôi coi như ngừng cộng tác với Trung lập ; chỉ dưới bút danh Thông Reo (mà theo quy ước thì đây không phải là Phan Khôi) ông mới hiện diện trên Trung lập, với những bài phê phán chất "con buôn" của vợ chồng ông Nhuận. Trên chính danh thì cả ba ông này được coi là im lặng trong khi mấy tờ báo phê phán mạnh. Bài này và nhiều bài khác cho thấy Phan Khôi tỏ ra thích thú trò chơi "mặt nạ tác giả" này, trong vai Thông Reo vừa phê vừa diễu Phan Khôi!

(*) lu lít, lu câm: mờ, rất mờ (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, Sđd.)

 

© Copyright Lại Nguyên Ân