SỐ CÁC NHÀ NỮ TÁC GIẢ BÊN TÀU TRONG KHOẢNG BA TRĂM NĂM NAY

Văn học phụ nữ bên Tàu từ xưa đến nay không có lúc nào thạnh bằng đời Mãn Thanh. Gần đây có một vị nữ sĩ họ Tiền làm một bộ sách 5 cuốn, nhan là Thanh khuê tú nghệ văn lược, tóm kể trọn đời Mãn Thanh trong khoảng ba trăm năm, mà những người đàn bà làm sách đến 2.310 người, và sách non 3.000 thứ. Hết thảy các nhà nữ tác giả ấy và sách của họ đều có chép tên rõ ràng.

Trong non ba ngàn thứ sách ấy phần nhiều tự nhiên là thi và từ. Tuy vậy về các khoa học khác chẳng phải là tuyệt nhiên không có.

Trong đó kể ra có hai nhà toán học và sáu bộ sách nói về toán pháp: Giang Tương Phân một bộ, Vương Trinh Nghi năm bộ. Có một nhà y học, Tăng Ý, làm một bộ sách thuốc tám cuốn. Sử học được năm nhà và được sáu bộ sách nói về lịch sử. Kinh học và âm vận học được chín nhà và những sách của họ được mười ba bộ.

Có người phê bình bộ Thanh khuê tú nghệ văn lược ấy, cho rằng Tiền nữ sĩ sưu tập như thế cũng thật đã là có công, nhưng nếu nói rằng đời Thanh có bao nhiêu nữ tác giả đã gồm vào đó hết thì chưa chắc. Coi lời phê bình ấy thì thấy ra trong ba trăm năm ấy những người đàn bà có văn học, có trứ thuật, ắt là còn nhiều hơn nữa, chớ không chỉ nội số 2.310 mà thôi.

Nước người ta như vậy đó mà họ còn tự lấy làm không ra chi, không dám đem khoe với ai hết. Như Hồ Thích làm bài tựa cho bộ sách của Tiền nữ sĩ đó có câu nói rằng: "Trong ba trăm năm ấy số nữ tác giả tuy nhiều, nhưng coi lại cái thành tích của họ thì đáng thương hại lắm: Đồ trứ thuật của họ phần rất nhiều là vô giá trị".

Nói đến nước ta, một ngàn năm nay những nhà nữ tác giả, kể đi kể lại rồi cũng chỉ có Nguyễn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Phạm Lam Anh và bà Huyện Thanh Quan cùng ít nhiều người nữa mà thôi. Đồ tr thuật của những người ấy truyền lại cũng chỉ có năm mười bài thi do cửa miệng người ta, chớ ít người có in thành tập. Ấy vậy mà hễ động nói đến là đem ra khoe, làm như là cả thế giới chẳng có nước nào bằng nước mình cả! Thật con mắt người mình nhỏ quá và cái lượng người mình hẹp quá.

Đã đành nước ta nhỏ kém nước Tàu xa quá thì cái gì của mình cũng ít hơn của họ là phải. Tuy vậy, đem mà so sánh cho thật kỹ, nghĩa là cắt cái giới hạn không gian cho bằng nhau và cái giới hạn thời gian cho bằng nhau, rồi cũng thấy nước mình thua xa.

Cả nước Tàu trong khoảng ba trăm năm đó cọng cả là 2.310 nữ tác giả. Rồi người ta mới chia ra từng tỉnh. Tỉnh nhiều nhứt là như Giang Tô có 748 người, Chiết Giang có 706 người; tỉnh trung thường như Sơn Đông có 44 người; Quảng Đông có 38 người; tỉnh ít nhứt như Cam Túc có 4 người. Mà nước ta bề mặt rộng thường là gấp hai hoặc gấp ba tỉnh của Tàu, thế thì đem so với họ, bề nào ta cũng vẫn là kém.

Cái gì cũng vậy, hễ mình đã thua sút người ta thì phải tự biết lấy mình mà nôn nả cố gắng, lo cho bằng người ta, vậy mới là có ích. Chớ còn không ngó ai hết, cứ tự cho mình là thần thánh, khi nghe ai bươi chỗ dở chỗ kém của nước mình ra lại còn không ưng, như vậy là tự mãn tự túc đó, chẳng có thế nào mà tấn bộ đặng vậy.

Nói mà nghe, chớ cái số 2.310 tác giả trong ba trăm năm đó, nước Việt Nam nầy, kể về bên đàn ông cũng chưa biết mót đâu cho có thay, huống chi là đàn bà!

K.

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 160 (21. 7. 1932)

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân