SỰ ĂN MẶC CỦA NGƯỜI MÌNH THUỞ XƯA,

NAM BẮC KHÔNG GIỐNG NHAU

Cứ như lâu nay chúng ta ngó thấy thì cả nước ta, về lối ăn mặc, đại để đâu đó giống nhau. Nói về đàn ông thì y phục thật là nhứt trí, từ trấn Nam Quan chạy vô tới mũi Cà Mau, cũng đồng một lối. Duy về đàn bà thì từ Quảng Trị trở vô giống nhau, nhưng từ Quảng Bình trở ra có hơi khác: khác vì họ chít tóc vấn khăn, và có một phần thắt lưng mặc váy. Một phần đó là đàn bà nhà quê, chớ còn ở hàng dinh thì áo quần cũng giống miền Nam, chỉ khác có cái đầu chít tóc chớ không bới mà thôi.

Thế nhưng xét ra trước kia, về đời Minh Mạng, thì thấy đàng trong đàng ngoài ăn mặc khác nhau lắm, cho đến đàn ông cũng khác nữa.

Sách Minh Mạng chánh yếu, mục Giáo hóa, cuốn 13, tờ 11, về năm Minh Mạng thứ bảy, chép rằng:

"Vua dạy cho nhân dân châu Bố Chánh tỉnh Quảng Bình sửa đổi y phục. Trong khi đó, vua có bảo các quan bộ Lễ rằng:

"Nhà nước ta, dư đồ gồm một, văn hóa đồng nhau, há nên để cho có điều khác lạ? Vả chăng châu Bố Chánh thuộc về đất kỳ phụ, vậy mà y phục trong dân vẫn còn khác với các nơi, như thế là trái với cái nghĩa đồng phong vậy. Nay dụ cho các quan dinh Quảng Bình hãy sức ra cho nhân dân châu ấy, bắt họ ăn mặc phải theo như lối từ sông Danh (Linh Giang) đổ vô, hầu cho phong tục cả nước giống nhau".

Sau đó, sĩ dân tỉnh Nghệ tỉnh Thanh sắp ra đều tình nguyện rập nhau đổi cách ăn mặc hết. Các quan các tỉnh đem việc ấy tâu lên. Vua giao xuống cho đình nghị. Đình thần đều nghĩ rằng vương giả hóa dân, ắt tày phong tục, thánh nhân làm trị, nên thuận tình dân: nay Nam Bắc đồng phong, sĩ dân tuân hóa như vậy, thế thì nên thuận theo điều sở nguyện của họ là phải. Vua phán y theo lời, nhơn đó dụ bộ Lễ rằng: An thường, thủ cựu, ấy là tình thường người ta; vậy mà ngày nay cái thói cũ xứ Bắc Hà sáu bảy trăm năm, một mai đổi bỏ, ấy có lẽ là nhờ ở khí vận xui nên, chớ không phải sức người làm được vậy!"

Coi như trên đó nói "trong dân", nói "nhân dân", nói "sĩ dân", thế là chỉ chung hết cách ăn mặc của nam nữ từ châu Bố Chánh dĩ bắc, chớ chẳng phải chỉ riêng đàn bà. Tiếc có một điều là chỉ nói ăn mặc khác, mà không nói khác thế nào, ngày nay ta muốn tìm cho biết cũng khó tìm ra được.

Đàn ông Đàng Ngoài có một hạng cạo đầu trọc, thường đóng khố và ở trần, hoặc giả chỉ vào cách ấy chăng. Song cách nầy thì duy những kẻ làm ruộng ở nhà quê thì mới có mà thôi, sao lại gọi hết cả "sĩ dân" được?

Một lần nữa là năm Minh Mạng 18, chép rằng: "Vua lại xuống dụ lần nữa cho nhân dân từ Hà Tĩnh ra phía bắc phải sửa đổi y phục, dụ rằng: Trước đây, vì cớ từ sông Danh đổ ra, y phục còn theo tục cũ, nên đã dụ cho đổi theo như lối Quảng Bình trở vô, để tỏ ra phong tục nước ta là đồng nhứt; lại còn nới rộng ngày giờ để cho dân gian thong thả mà may sắm lấy. Nhưng từ hồi đó là Minh Mạng bát niên, đến nay đã trải mười năm rồi, vậy mà nghe như còn có nơi chưa đổi.

Vả từ Quảng Bình trở vô mặc quần mặc áo, theo như chế độ nhà Hán nhà Minh, rất là tề chỉnh; so với người Bắc theo tục cũ, đàn ông đóng khố, đàn bà, trên mặc áo "giao lãnh", dưới mặc váy, bên nào đẹp, bên nào xấu, thật là rõ ràng dễ thấy. Vậy mà từ đó đến nay, có kẻ đã đổi theo tục tốt, cũng có kẻ vẫn giữ thói xưa, như vậy há chẳng phải là cố ý trái lịnh bề trên sao?

Bây giờ các quan các tỉnh phải đem cái ý nầy mà mở dạy khuyên dỗ dân, hạn cho trong một năm nay thì phải thay đổi hết; nhược bằng đến sang năm cũng vẫn còn y cũ thì sẽ bắt tội!" (Minh Mạng chánh yếu cuốn 13, tờ 38).

Coi như lời dụ nầy thì thiệt là nghiêm nhặt. Vậy mà từ hồi đó đến nay hơn một trăm năm, người Bắc cũng vẫn còn có ăn mặc theo lối cũ. Cho biết sự di phong dịch tục là khó lắm. Thế nhưng gần 30 năm nay, đàn ông hớt tóc, ăn mặc đồ tây, thì lại không có vua nào bắt buộc hết mà từ Nam tới Bắc, hết một số đông rập nhau mà làm!...

Vả lại, xem hai lời chép trên đây cũng thấy có sự mâu thuẫn nhau. Lần trước, năm Minh Mạng thứ 7, nói sĩ dân tình nguyện sửa đổi y phục, đến nỗi làm cho vua phải quy công về khí vận chớ không phải bởi sức người, thì sao lần sau, năm Minh Mạng 18, lại nói nhân dân "cố ý trái lịnh bề trên", và phải dùng hình phạt để lùa người ta vào đường cải cách?

C.

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 138 (6. 6. 1932)

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân