SỰ DÙNG CHỮ TÀU TRONG TIẾNG VIỆT

Một cái ý kiến không giống ông Nguyễn Duy Thanh

 

 

Phụ nữ tân văn số 119, có đăng bài Ý kiến tôi về tiếng Việt Nam của ông Nguyễn Duy Thanh từ bên Pháp gởi về. Bổn báo có để một cái tổng mạo ở trên, đại ý khen ông Thanh có lòng sốt sắng đối với tiếng mẹ đẻ, song về hết thảy những lời của ông trong cả bài thì chúng tôi không đồng ý, có hứa sẽ viết mà đính chánh lại những chỗ thiên lịch của ông; theo lời hứa ấy, hôm nay chúng tôi xin phát biểu cái ý kiến của mình ra đây.

Theo ý riêng của người viết bài nầy, thì trong khi viết văn Quốc ngữ có lập ra một cái nguyên tắc rồi cứ đó mà theo; cho nên lúc nào nghe ai nói về sự dùng chữ trong văn ta mà không trúng với cái nguyên tắc ấy thì không biểu đồng tình được. Cái nguyên tắc ấy như vầy:

Phàm chữ nào nói tiếng ta được thì cứ nói tiếng ta; phàm chữ nào nói tiếng ta không được, hoặc nói tiếng ta không ngộ, không hết ý, không gọn… thì dùng tiếng Tàu; tiếng Tàu không mãn nguyện thì cũng dám dùng tới tiếng Pháp hoặc tiếng ngoại quốc nào khác nữa.

Bây giờ chỉ còn có xét xem thử cái nguyên tắc ấy vì sao mà lập ra, và lập ra như vậy đó có đúng hay không, nếu nhận là đúng thì theo được, và hễ theo nó thì hết một phần lý thuyết trong bài ông Thanh bị đánh đổ vậy. Dưới đây xin phân tích cái nguyên tắc ấy, nghĩa là chia ra từng phần mà giải nó.

Nói rằng phàm chữ nào nói tiếng ta được thì cứ nói tiếng ta, phàm chữ nào nói tiếng ta không được,… thì dùng tiếng ngoại quốc, nói vậy thì đã tỏ ra rằng tiếng ta là thiếu rồi, có phải không? Phải, nếu người lập ra cái nguyên tắc nầy nhìn cho tiếng ta là đủ, thì thôi, đã không nói như vậy mà nói rằng "bất kỳ cái gì cũng phải nói bằng tiếng Việt Nam hết".

Bây giờ cái vấn đề nó đã lại quay về tiếng ta, đủ hay không đủ, vậy ta nên xét xem chỗ ấy. Chỗ nầy là chỗ gốc mà chúng tôi không đồng ý được với ông Nguyễn Duy Thanh, vì ông cho tiếng ta đủ nên ông biểu cứ dùng tiếng ta mà thôi; còn chúng tôi nói tiếng ta thiếu cho nên chúng tôi chịu đem tiếng Tàu hoặc tiếng Tây thế vào.

Phàm chữ nào nói tiếng ta được thì nói tiếng ta ấy là như nói cha mà không nói phụ thân, nói mẹ mà không nói mẫu thân… Bởi vì một người đàn ông và một người đàn bà sanh ra ta đó, ta kêu bằng chamẹ, tiếng ta có rồi thì há cần phải nói theo chữ nho làm chi?

Phàm chữ nào nói tiếng ta không được, nghĩa là ta không có tiếng ấy, thì phải nói bằng chữ nho hay tiếng Tàu. Tức như đạo, đức, nhơn, nghĩa, học, lương tâm, chánh trị, triết học, khoa học v.v… những chữ ấy, chúng tôi xin hỏi nếu không dùng tiếng Tàu thì lấy gì mà nói? Huống chi ta nói xưa nay đã quen rồi, ai ai cũng hiểu cả, thì bây giờ dầu có muốn đặt ra tiếng mới cho rặt tiếng Việt Nam mà thay nó, cũng chẳng ích gì, chi bằng cứ để như vậy mà dùng là tiện.

Phàm chữ nào nói tiếng ta không ngộ, nghĩa là không đẹp, không lịch sự, thì cũng nên dùng chữ Tàu. Vậy như khi muốn nói thầy mà muốn cho lịch sự hơn thì nói tiên sanh. Bởi vì tiếng thầy của ta chỉ nghĩa rộng quá, có khi là thầy thuốc, có khi là thầy bói, có khi là thầy thợ; khi nào mình dùng mà không muốn cho lộn với ba nghĩa ấy thì đổi chữ thầy ra chữ tiên sanh cũng không hại chi. Tức như nói Tây Hồ tiên sanh thì nghe lịch sự, mà nói thầy Tây Hồ thì nghe không lịch sự đó.

Phàm chữ nào nói tiếng ta không hết ý thì cũng nên dùng chữ Tàu. Không hết ý, tức như chữ phong dao của Tàu, chỉ nghĩa là những câu hát của dân gian thường hát mà coi đó thì đủ biết cái phong tục của họ; chữ phong dao ấy có thể nói tiếng ta là câu hát; nhưng trong chữ câu hát không có đủ cái hàm nghĩa như trên, vậy thì ta đừng nói câu hát mà cứ nói phong dao cũng nên. Vậy đó mà chúng ta cũng không có thể nói được rằng người An Nam không cần nói phong dao, cứ nói câu hát cũng được. Bởi vì trong văn học ta cũng có cần sự chỉ nghĩa ấy, nghe câu hát xứ nào cho biết phong tục xứ ấy, sự ấy chúng ta cũng phải cần có một chữ gì để chỉ nghĩa. Như vậy, trong tiếng Việt Nam, không có thể bỏ chữ phong dao ra ngoài được vậy.

Phàm chữ nào nói tiếng ta không gọn, nghĩa là phải nói dài ra mới đủ ý, thì cũng nên dùng chữ Tàu. Vậy như chữ đức dục nghĩa là sự nuôi nấng dạy dỗ cho người ta có đức, nếu nói bằng tiếng ta thì nó dài đến chừng nấy chữ mà có thể nói được sao? Huống chi nó là một danh từ (nom), dùng nội hai chữ thì nó mới thành ra danh từ được, chớ còn dùng đến mười chữ thì nó gần thành ra một câu mà không còn phải là danh từ nữa.

Có người nói tại mình để dài, chớ gọn bớt lại cho ngắn thì tiếng ta cũng có thể làm nên một danh từ vậy chớ. Như đức dục thì ta nói là nuôi đức hoặc đức nuôi, há chẳng được hay sao? Chúng tôi xin nói rằng không được; tức như ông Nguyễn Duy Thanh muốn đổi cách mạng ra đổi lịnh, cọng sản ra chung của, cũng là không được vậy. Bởi vì nếu nói nuôi đức thì ấy là nuôi cái đức, nói đổi lịnh thì ấy là đổi cái lịnh, nói chung của thì phải hiểu là hùn của chung lại với nhau, nó giống như dùng một động từ (verbe) về Mode indicatif đứng trên danh từ (nom) để chỉ sự hành động (action), chớ không phải là danh từ vậy. Theo tự vị của các bậc tiền bối, như ông Trương Vĩnh Ký, thì những tiếng ấy thường cũng có nói bằng tiếng ta nhưng để một chữ "sự" lên trên, thì có khi nghe được mà cũng có khi nghe nó lòng thòng quá.

Đó, theo cái nguyên tắc của tôi và đã phân tích ra như trên đó thì sự dùng chữ nho trong tiếng Việt Nam là sự không thể đừng được, miễn đừng dùng lạm quá, trật ra bên ngoài cái nguyên tắc ấy mà thôi.

Vậy như lời nào có thể nói bằng tiếng ta được, nghĩa là ta cũng có lời ấy, và nó cũng lịch sự, đủ nghĩa và gọn nữa, thế mà không chịu nói, lại nói bằng chữ nho, như vậy, tôi mới phản đối mà thôi. Tôi phản đối, vì nó trái với cái nguyên tắc tôi đã tin là phải và đã lập ra.

Tức như trong bài văn của ông Đông Hồ đăng trong Nam phong độ nọ, có câu "… Nhàn tảo tiểu song mà chạnh nỗi bất tri xuân khứ…" và như ông gì đó viết rằng: "Tôi tiếm bất tự lượng, đem vấn đề khó khăn nầy ra bàn, xin hải nội chư quân tử lượng thứ và chỉ giáo cho" thì tôi cũng phản đối luôn một nước. Tôi nghĩ rằng những lời mấy ổng dùng bằng chữ nho đó, nói bằng tiếng ta được, mà nghe lại rõ ràng hơn nữa, thì nên nói bằng tiếng ta là phải.

Phàm những tiếng nào nói bằng chữ nho cũng chưa mãn nguyện thì có thể để y chữ Pháp hoặc chữ ngoại quốc nào nữa mà dùng; trong cái nguyên tắc tôi đã lập ra, còn có điều ấy nữa, mà từ hồi nãy tôi quên nói đến, vậy xin giải luôn ra đây.

Ấy là như chữ "cas" trong tiếng Pháp mà tôi hay đổi ra là "ca" hoặc viết y theo là "cas". Tiếng ấy tôi nhìn rằng trong khi loài người phát biểu cái ý của mình phải cần đến nó, vậy mà trong tiếng ta và tiếng Tàu chẳng có chữ gì tương đương (équivalant) với nó; tôi đã muốn dùng mà tôi không dịch ra được thì tôi phải để y chữ "cas" mà dùng – hoặc sợ trong Quốc ngữ không có vần "as", người ta đọc không được thì tôi đổi đi mà viết là "ca".

Trong chữ "cas" tiếng Pháp, có ý chỉ ra cái hoàn cảnh (circonstance) mà lại gồm có không gian (espace) và thời gian (temps) nữa. Tiếng ta nói khi, cũng có hơi giống nhiều ít, nhưng chưa hết ý chữ "cas" được, vì chữ khi chỉ nói được về thời gian mà thôi. Trong chữ nho có chữ "thời tiết", ý nó cũng hơi tương tợ với chữ "cas", song cái chỗ khuyết hám của nó cũng là chỉ nói được về thời gian mà thôi vậy. Người Nhựt Bổn từng dịch chữ "cas" ra "trường hiệp". Trường hiệp, nghĩa là gặp cái trường sở (lieu) ấy, hiệp làm thể ấy, thì cũng lại chỉ được một bên hoàn cảnh và không gian, mà mất bên thời gian đi. Bởi vậy tôi nói trong tiếng ta và chữ nho không có chữ nào tương đương với chữ "cas" hết, không dịch ra được, tôi cứ để nguyên vậy mà dùng nó, lâu ngày sẽ quen.

Tôi dám nói trong nước ta hiện nay thật ít người biết đánh giá chữ Quốc ngữ cho đúng với giá nó. Người khinh thì khinh cho quá, đến nỗi kêu nó là "Patois"; còn người trọng lại trọng cũng quá đi, như ông Nguyễn Duy Thanh, muốn bảo người ta chỉ dùng nó mà thôi, không cho ai dùng một tiếng ngoại quốc nào. Đối với người khinh nó quá, đã có nhiều kẻ công kích họ rồi, chẳng cần tôi còn tô thêm cho đậm nữa làm chi. Duy đối với những người trọng quá như ông Thanh, tôi tưởng nên nhắc chừng các ổng, kẻo lâu ngày rồi các ổng yên trí đi, trở nên có hại cho tiếng ta.

Tôi phải nói thiệt thà rằng tiếng ta có thể độc lập và thành văn được, nhưng ấy là về sau kia, chớ ngày nay thì nó đương thiếu thốn lắm. Sự thiếu thốn đó là tại lâu nay dân tộc ta không lo trau dồi nó, thì nó đầy đủ sao được? Mà cũng có tại một lẽ nữa, là bởi cái trình độ tri thức của người mình còn kém lắm, cho nên phần nhiều những tiếng hơi khó một chút, người mình không  dùng mấy, là vì không cần. Theo công lệ của âm ngữ học, dân tộc nào đã văn minh, cái triết lý đã phổ thông trong xã hội họ, họ mới cần có nhiều tiếng để phân biệt ý tưởng của mình trong khi phô diễn nó ra; nhưng dân tộc nào mà tri thức còn đơn giản (simple), các ý tưởng của họ không cần phân biệt lắm, thì họ cũng không cần có nhiều chữ. Tôi e cho dân tộc ta đây còn nằm về cái hạng sau đó.

Tôi thấy như trong chữ Tàu, người ta chia ra: sự , dịch  役,trong tiếng Pháp người ta cũng chia ra: fait, affaire, service, chose, action,... thế mà trong tiếng ta thì đều nói là "việc" hết. Trong tiếng Pháp: souvent, toujours, ordinaire, normal,... nghĩa nó khác nhau là thế nào; vậy mà tiếng ta chỉ có một tiếng "thường" mà thôi! Song ông Nguyễn Duy Thanh ơi! tiếng "thường" ấy nào có phải tiếng của cái giống Rồng Tiên nầy đâu, nó là do chữ  của người Trung Huê mà ra đó ông ạ!

Trên đó là chỉ cử ra mấy chữ thường dùng đó thôi, còn thiếu chi những chữ chuyên môn về khoa học, ta lại càng thiếu lắm, thì không mượn của nước ngoài làm sao được? Mà sự mượn ấy có phải một mình trong tiếng ta mà thôi đâu, nước nào cũng vậy. Ta thấy tiếng Pháp mượn tiếng Anh, tiếng Anh mượn tiếng Pháp luôn luôn, mà có ai cho là "ăn cắp" như ông Thanh nói đâu.

Có phải là ta thiếu tiếng không? Thiếu tiếng thì phải mượn ở thứ tiếng khác; sự đó chẳng có gì là không chánh đáng và đáng xấu hổ hết.

Đến như ông Thanh muốn cho rằng bao nhiêu danh từ hóa học ta nên viết theo cái biểu hiệu của nó, đừng theo tiếng Pháp và cũng đừng dịch ra làm chi. Điều nầy thì tôi xin biểu đồng tình. Nhưng tôi phải nói sự biểu đồng tình của tôi không có giá trị lắm, bởi vì tôi không thạo hóa học, hoặc trong đó còn sự bất tiện gì nữa chăng, mà tôi chưa thấy ra được.

Đến như trong bài ông Nguyễn Duy Thanh trách ông nầy ông nọ và nhứt là ông Phạm Quỳnh thì tôi thấy vậy hay vậy, chớ không can thiệp vào làm chi.

PHAN KHÔI

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 121 (3. 3. 1932)

                                                                                                                 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân