SỰ VỢ CHỒNG LY DỊ Ở NƯỚC PHÔLÔN

Nước Phô-lôn (Pologne) (*) ném về phía bắc châu Âu, giáp ranh với nước Nga. Khí hậu ở đó lạnh lắm; nhân dân còn giữ thói chất phác nhưng lại cang thường hung hãn.

Phô-lôn trước kia thuộc về nước Nga. Từ sau cơn Âu chiến, bèn thoát ly nước Nga mà độc lập, rồi cũng hấp thụ lấy cái ảnh hưởng tự do bình đẳng của các nước phía Nam châu Âu.

Coi một việc vợ chồng ly dị ở xứ ấy cũng đủ thấy phong tục người Phô-lôn ngày nay đã khác ngày xưa lắm. Độ chừng mười mấy năm về trước, số vợ chồng ly dị ở nước Phô-lôn trong một năm chỉ có 51 cặp mà thôi. Nhưng mấy năm gần đây tăng lên nhiều lắm, có năm nhiều hơn hết đã đến 815 cặp.

Về các điều kiện ly hôn, ngày nay cũng rộng rãi hơn ngày xưa. Ngày xưa chỉ có hai cái điều kiện là vợ đi lấy trai và chồng bỏ bê vợ thì mới cho phép ly dị; nhưng bây giờ khác rồi: chồng say rượu hay là đánh vợ, cũng đủ viện làm lý do mà xin ly dị rồi.

Chúng ta coi đây thì thấy ra hồi trước số ly hôn ở Phô-lôn có ít là chẳng qua tại đàn bà bị áp chế đó thôi. Cứ theo như lời trên đây thì hồi đó đàn bà nào gặp chồng hay say rượu hoặc hay đánh đập cũng phải ở vậy mà chịu. Nhưng sau khi chịu ảnh hưởng bình đẳng tự do của các dân tộc Nam Âu rồi, bên đàn bà mới rộng quyền hơn trước mà sự ly dị thành ra nhiều hơn.

Vậy thì sự ly hôn thêm nhiều ở nước Phô-lôn đây không phải tỏ ra là sự đồi bại của phong tục họ mà tỏ ra là sự hay hơn tốt hơn của phong tục. Bởi vì trước kia giữa xã hội Phô-lôn có sự áp chế, có nhiều người chịu oan khuất cả đời mà ngày nay thì những điều ấy đã được giảm bớt đi. Một xã hội mà không có sự áp chế, không có người chịu oan khuất, thì phong tục của xã hội ấy chẳng phải là tốt sao?

Có người lấy cớ rằng 815 cặp vợ chồng bỏ nhau ấy, con cái của họ phải mất mẹ, không thì mất cha, ấy là một cái hại cho gia đình về hiện thời và cho xã hội về tương lai; phong tục như vậy không thể cho là tốt được.

Phải, điều đó quả có. Nhưng đó là một sự khuyết hám trong thời kỳ quá độ, phải chịu đỡ rồi lo bổ cứu về sau. Chớ hiện nay phải lấy nhân đạo làm trọng, không thể để cho đàn bà cứ chịu sự áp chế mãi đời nọ qua đời kia được. Theo lẽ, thì nói "không nên"; nhưng theo thế, đây nói "không thể". Là vì thiệt sự đã xảy ra như vậy, cái thế lực của thiệt sự, không ai ngăn cản được hết.

C.

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 159 (14. 7. 1932)


 

(*) Ghi chú này cho thấy đây là nước Ba Lan ngày nay.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân