THÍCH KHÁCH LIỆT TRUYỆN

Văn của Tư Mã Thiên bên Trung Hoa là một thứ văn có giá trị giữa thế giới, chính người Tàu cũng nhận rằng xưa nay có một không hai. Lại bấy lâu, từ khi người Tây biết đến văn học Trung Quốc thì học giả bên Âu châu cũng đều khâm phục họ Tư Mã hết. Theo như tình trạng văn học thế giới bây giờ, người Tây có ý khinh thị văn học Tàu lắm, nhưng văn học Tàu cũng còn đứng vững được, là chỉ nhờ đã sản xuất một vài tay như Tư Mã Thiên đó thôi. Nói vậy cho biết cái giá trị của họ Tư Mã là dường nào.

Gần đây tôi có dịch mấy bài của ông ấy trong sách Sử ký ra, đăng trên phụ trương văn chương báo Trung lập. Hiện đương đăng Thích khách liệt truyện mà chưa hết. Nhơn dịp tôi không viết cho Trung lập nữa, bèn định dịch nối mà đăng vào đây, cho nên phải chuyển đăng những đoạn đầu đã đăng ở Trung lập từ trước cho có đầu có đuôi; rồi sau dịch và đăng kế tiếp cho hết cái Liệt truyện ấy. Vị độc giả nào đã đọc lỡ dở trong Trung lập mà muốn đọc luôn thì xin đọc ở đây.

Xin độc giả biết cho rằng văn đã dịch ra thì chỉ còn có cái xác mà thôi, còn cái hồn của nó, là chỗ hay, thì sợ e phải mất đi trong bổn dịch. Tuy vậy, nhận kỹ ra cũng thấy được đôi chỗ. – P. K.

*

Tào Mạt, người nước Lỗ, lấy sức mạnh thờ chúa Trang Công nước Lỗ, vì Trang Công ưa sức mạnh. Tào Mạt làm tướng quân nước Lỗ, đánh với quân nước Tề, ba lần đều thua chạy. Trang Công sợ, bèn dâng đất ấp Toại để hòa với Tề; tuy vậy cũng còn dùng Tào Mạt làm tướng quân.

Năm nọ, chúa Hoàn Công nước Tề hẹn cùng vua nước Lỗ hội ở đất Kha mà manh thệ cùng nhau. Khi vua hai nước là Hoàn Công và Trang Công đã tuyên thệ trên đàn rồi, Tào Mạt cầm con dao chủy thủ lên hiếp chúa Hoàn Công nước Tề. Hoàn Công ngó bên tả bên hữu mà chẳng dám rục rịch, và hỏi rằng: "Nhà ngươi hầu muốn gì?"

Tào Mạt thưa rằng: "Nước Tề mạnh, nước Lỗ yếu, mà quý quốc xâm lấn nước Lỗ cũng đã quá chừng rồi. Ngày nay vách thành nước Lỗ nếu sập xuống tức là chận trên bờ cõi nước Tề đó! Xin vua lo tính đi".

Liền đó Hoàn Công hứa sẽ trả về bao nhiêu đất đã lấn của nước Lỗ từ trước. Hoàn Công nói vừa dứt lời, Tào Mạt bèn liệng dao chủy thủ, bước xuống đàn, xây mặt hướng bắc tới ngồi nơi vị thứ bầy tôi và sắc mặt chẳng hề đổi, vẫn nói năng đối đáp như trước.

Sau đó, Hoàn Công giận lắm, muốn bội lời ước trả đất ấy. Quản Trọng nói rằng: "Không nên đâu. Làm vậy là tham cái lợi nhỏ để khoái ý mình mà bỏ sự tín nghĩa giữa chư hầu, rồi thiên hạ không còn quy phục về mình nữa, chẳng bằng cứ trả đất là hơn". Bấy giờ Hoàn Công bèn cắt những đất đã lấn của nước Lỗ trong khi Tào Mạt đánh thua ba lần bị mất mà trả về cho nước Lỗ.

Sau đó một trăm sáu mươi bảy năm mà nước Ngô có việc Chuyên Chư.

*

Chuyên Chư người ấp Đường nước Ngô. Khi Ngũ Tử Tư bỏ nước Ngô, đã biết Chuyên Chư là người có tài rồi. Ngũ Tử Tư đã ra mắt Ngô vương Liêu, có nói sự đánh Sở là lợi. Nhưng công tử Quang bên Ngô gàn đi, nói rằng: "Bởi cha và anh của Ngũ Viên (tức Ngũ Tử Tư) đều chết vì nước Sở mà Viên đến đây nói chuyện đánh Sở, ấy là muốn báo thù riêng cho mình đó thôi, chớ không phải là vì nước Ngô". Ngô vương bèn thôi (không nghe lời Ngũ Tử Tư đánh Sở).

Ngũ Tử Tư biết rằng công tử Quang muốn giết Ngô vương Liêu, bụng bảo dạ rằng: "Kìa công tử Quang đương có chí ở việc trong, chưa có thể đem việc ngoài nói cùng va được". Nói vậy rồi Ngũ Tử Tư bèn đem chuyện Chuyên Chư mà dâng cho công tử Quang.

Số là, cha của Quang là Ngô vương Chư Phàn. Chư Phàn có ba người em, em kề là Dư Sái, kề nữa là Di Muội, út là Quý Trát, mà Quý Trát là hiền, cho nên không lập con mình làm thái tử mà lần lượt truyền ngôi cho ba em, muốn rằng bề nào rốt lại rồi nước Ngô cũng về tay Quý Trát.

Chư Phàn đã chết rồi, truyền ngôi cho Dư Sái; Dư Sái chết rồi, truyền ngôi cho Di Muội. Đến chừng Di Muội chết, lẽ đáng truyền cho Quý Trát, nhưng Quý Trát lại trốn đi, chẳng chịu lập làm vua. Người nước Ngô bèn lập con của Di Muội là Liêu lên làm vua.

Công tử Quang nói rằng: "Nếu lấy thứ lớp anh em lần lượt làm vua ư? thì Quý tử (Trát) lập là phải; còn như lấy con ư? thì Quang nầy là đích tự đáng lập đây". Bởi vậy công tử Quang vẫn hay âm thầm nuôi bọn mưu thần kiếm cách cầu cho được lập.

Khi Quang đã được Chuyên Chư mà Ngũ Tử Tư dâng cho, thì đãi đằng một cách rất tử tế. Được chín năm, bên kia vua Sở Bình Vương chết; lúc đó vừa mùa xuân, Ngô vương Liêu muốn nhơn dịp nước Sở có tang, khiến em mình là công tử Cáp Dư và Chúc Dung đem binh vây ấp Tiềm của nước Sở; lại sai Quý Trát đi sứ bên nước Tấn để coi thử chư hầu động tịnh thế nào.

Chẳng may bên Sở phát binh chận đứt đường của tướng nước Ngô là Cáp Dư và Chúc Dung, làm cho quân Ngô chẳng có đường về đặng. Khi ấy công tử Quang mới nói với Chuyên Chư rằng: "Cái thời nầy không nên bỏ qua, mà phàm việc gì không tìm kiếm, đâu có được? Vả chăng Quang nầy mới thật là đích tự nhà vua, dầu Quý tử trở về cũng chẳng bỏ tôi đâu". Chuyên Chư cũng nói rằng: "Vương Liêu thật là đáng giết! Mẹ già, con yếu, mà hai em đem binh đánh Sở, bị Sở dứt đường về, hiện nay nước Ngô ngoài bị Sở làm ngặt, mà ở trong trống hỗng, chẳng có một người bầy tôi nào cứng cát, thế thì chắc chẳng làm gì ta được". Khi ấy công tử Quang liền cúi đầu nói rằng: "Cái thân của Quang nầy tức là cái thân của nhà ngươi, xin gắng lấy!"

Tháng tư, ngày bính tí, công tử Quang phục sẵn kẻ sĩ đeo giáp ở trong nhà hầm mà dọn tiệc rượu mời Vương Liêu. Vương Liêu sai binh lính dàn từ cung mình cho đến cửa nhà công tử Quang; nơi ngõ, nơi sân, nơi thềm, nơi bệ, bên tả bên hữu đều bà con cật ruột của Vương Liêu cả; những kẻ đứng hầu sát một bên thì đều cầm cái giáo dài.

Khi rượu đã say, công tử Quang giả đò đau cẳng vào trong nhà hầm, khiến Chuyên Chư đặt dao chủy thủ trong bụng con cá nướng mà dâng lên. Đến trước mặt vua rồi, Chuyên Chư rạch con cá, lòi cái dao ra, nhơn lấy mà đâm Vương Liêu, Vương Liêu chết lập tức. Bấy giờ những người của vua cũng giết ngay Chuyên Chư đi và hết thảy đều rối loạn.

Công tử Quang ở trong nhà hầm truyền bọn giáp sĩ đã phục ở đó ra, đánh giết những người tả hữu của vua và tru diệt hết thảy, rồi lập mình lên làm vua. Ấy là vua Hạp Lư, Hạp Lư bèn phong con trai của Chuyên Chư làm chức thượng khanh.

Sau đó bảy mươi năm mà nước Tấn có việc Dự Nhượng.

Lời người dịch: Tư Mã Thiên là tay làm sử có kiến thức hơn người và cũng khác người. Ông ấy không có chăm nói về chánh trị chốn triều đình mà cũng hay nói về sự sinh hoạt giữa xã hội. Cái lối làm sử đó gần với lối làm sử của người Tây lắm, cho nên học giả đời nay đều thích.

Như bọn thích khách mà ông cũng làm truyện cho. Lại đến bọn du hiệp, là kẻ hay giết người trả thù, gần giống như du côn ta, mà ông cũng làm truyện cho nữa, gọi là Du hiệp liệt truyện. Theo Nho giáo thì khinh sự làm giàu lắm, vậy mà ông không khinh, cũng có làm liệt truyện cho những tay đại phú, kêu bằng Hóa thực liệt truyện.

Bởi những chỗ trác thức ấy, người ta mới kính trọng cái sử tài của ông Tư Mã Thiên.

Văn ông chép chuyện, được cái vắn tắt mà lại rõ ràng. Độc giả nên chú ý đến những chỗ ông tả chơn bằng cách cụ thể mà không thèm dùng những chữ trừu tượng. Những chỗ nầy là chỗ hay.

Về chuyện Tào Mạt, ông muốn nói Tào Mạt là người hay nhẫn nhục, dõng cảm, mà lại không khoe công; còn Trang Công thì biết dùng người; thế mà ông không chịu nói trắng ra như thế, chỉ chép những lời rời rạc như trong truyện đó để tỏ ra mà thôi.

Chỗ Chuyên Chư đâm Vương Liêu, ông muốn tỏ ra Chuyên Chư là dạn dĩ, mạnh bạo, nhưng không chịu nói làm vậy, cứ tả sự thiệt là đủ.

Một đoạn "Vương Liêu sai binh lính dàn từ cung mình cho tới cửa nhà công tử Quang"... thẳng tới "những kẻ đứng hầu sát một bên thì đều cầm cái giáo dài", một đoạn ấy là để tỏ ra sự phòng bị của Vương Liêu nghiêm nhặt lắm, vậy mà Chuyên Chư giết được mới là giỏi.

Văn ông Tư Mã Thiên thường thường là như thế. Đọc mà có suy nghĩ thì mới biết là hay. Những chỗ hay nầy thì trong bổn dịch vẫn giữ được khỏi mất. – P.K.

*

 

Dự Nhượng, người nước Tấn. Trước kia từng làm tôi họ Phạm cùng họ Trung Hàng, mà không ai biết đến tên, bèn bỏ đi mà làm tôi Trí Bá. Trí Bá rất tôn kính và yêu chuộng va. Đến chừng Trí Bá đánh Triệu Tương Tử, Triệu Tương Tử cùng nước Hàn nước Nguỵ hiệp mưu, diệt Trí Bá. Lại diệt cả dòng dõi của Trí Bá mà chia đất của va ra làm ba; Triệu Tương Tử oán Trí Bá hơn hết, sơn cái đầu của Trí Bá mà dùng làm đồ uống. Bấy giờ Dự Nhượng trốn tránh trong núi, nói rằng: "Than ôi sĩ vì kẻ biết mình mà chết cũng như con gái vì người ưa mình mà làm dáng. Nay Trí Bá biết ta, ta phải vì đó báo thù mà chết để đền ơn cho Trí Bá, thế thì hồn phách ta không hổ thẹn rồi!"

Dự Nhượng bèn đổi họ tên, làm người tù, vào cung quét cầu tiêu, giấu theo dao chủy thủ, muốn nhơn dịp đâm Tương Tử. Có lần Tương Tử vào cầu tiêu, thấy trong lòng hồi hộp, bèn bắt người tù quét cầu tiêu mà hỏi, thì té ra là Dự Nhượng, có dấu dao trong mình, nói rằng muốn vì Trí Bá báo thù. Những người hầu cận Tương Tử muốn giết đi. Tương Tử nói rằng: "Nó là người có nghĩa, ta nên cẩn thận, lánh nó đi, là được rồi. Vả lại Trí Bá đã mất mà không con nối, vậy mà người bầy tôi của va lại muốn vì đó báo cừu, ấy là người hiền trong thiên hạ vậy!" Rồi thả cho đi.

Ít lâu chi đó, Dự Nhượng lại lấy sơn bôi mình làm ra người cùi, nuốt than làm ra người câm, khiến cho hình trạng mình lạ đi, không ai biết được. Đi xin nơi chợ, vợ Dự Nhượng gặp mà không biết; đến khi đi gặp người bạn, người bạn biết, hỏi rằng: "Anh chẳng phải là Dự Nhượng ư?" – Đáp rằng: "Phải tôi đây!" – Người bạn khóc mà rằng: "Lấy cái tài anh, nấy con tin mà làm tôi thờ Tương Tử, Tương Tử ắt sẽ yêu và gần anh. Khi hắn yêu và gần anh rồi, chửng anh mới làm cái điều mình muốn, như vậy chẳng dễ? Sao anh lại làm tồi tàn cái thân, khổ cực cái hình, muốn để báo thù Tương Tử, chẳng cũng khó lắm ư?"

Dự Nhượng đáp rằng: "Đã nấy con tin làm tôi thờ người ta rồi, mà còn muốn giết đó, ấy là cưu hai lòng đem mà thờ vua mình vậy. Vả chăng cái điều tôi muốn làm đây vốn là rất khó; tôi muốn làm cho được điều ấy để cho thiên hạ đời sau người nào làm tôi mà lại cưu hai lòng để thờ chúa mình sẽ sanh lòng xấu hổ đó thôi". Nói rồi bèn đi.

Sau một lúc, nhằm khi Tương Tử ra đi, Dự Nhương núp sẵn ở dưới cầu mà Tương Tử phải đi qua đó. Tương Tử vừa đến cầu, con ngựa rùng mình. Tương Tử nói rằng: "Đây chắc lại Dự Nhượng rồi!" Bảo người hỏi thì quả là Dự Nhượng. Bấy giờ Tương Tử bèn kể cho Dự Nhượng nghe rằng: "Nhà ngươi chẳng từng thờ họ Phạm cùng họ Trung Hàng hay sao? Trí Bá diệt cả hai mà nhà ngươi chẳng vì đó báo thù, trở lại nấy con tin làm tôi Trí; Bá. Trí Bá nay cũng đã chết rồi, nhà ngươi sao lại một vì đó báo thù sâu làm vậy?".

Dự Nhượng thưa: "Tôi từng thờ họ Phạm cùng họ Trung Hàng, mà Phạm, Trung Hàng đều đãi tôi như người thường, cho nên tôi cũng đãi lại như người thường vậy. Đến như Trí Bá, người đã lấy quốc sĩ đãi tôi, cho nên tôi cũng lấy quốc sĩ báo lại".

Tương Tử khi ấy ngậm ngùi than thở và khóc mà rằng: "Hỡi ôi! Dự tử ôi! Nhà ngươi vì Trí Bá đến như thế, danh cũng đã thành rồi; vả quả nhân đây từng tha nhà ngươi, cũng đã đủ rồi. Nhà ngươi hãy lo liệu lấy mình, lần nầy quả nhân không tha nữa đâu!" Nói vậy rồi troàn quân vây Dự Nhượng.

Dự Nhượng nói rằng: "Tôi nghe: vì minh chúa chẳng che điều tốt của người ta, mà kẻ trung thần có cái nghĩa chết vì danh phận. Trước kia ngài đã rộng tha tôi, trong thiên hạ thảy đều khen ngài là hiền; đến việc ngày nay, đã đành là tôi phải bị xử tử. Nhưng tôi muốn xin cho được cái áo của ngài mà đánh vào đó, để gởi cái ý báo thù, thì tuy chết cũng chẳng hờn gì nữa. Ấy chẳng phải là điều tôi dám trông chắc được, có điều trong bụng đã muốn, dám xin bày tỏ ra".

Tương Tử khi ấy càng khen là người có nghĩa, bèn khiến kẻ sứ cầm áo đưa cho Dự Nhượng. Dự Nhượng tuốt gươm, nhảy ba cái rồi đánh trên áo mà nói rằng: "Ta có thể xuống mà đền ơn cho Trí Bá rồi!" Liền dùng gươn giết lấy mình. Ngày Dự Nhượng chết, chí sĩ nước Triệu nghe đó đều sa nước mắt. – Sau đó bốn mươi năm mà ấp Chỉ có việc Nhiếp Chánh.

*

Nhiếp Chánh, người đất Chỉ xóm Thâm Tỉnh; vì có giết người nên trốn kẻ cừu địch mà cùng mẹ và chị qua ở nước Tề, làm nghề bảy đáp(1); đã được một lúc lâu.

Nghiêm Trọng Tử, người Bộc Dương, làm tôi chúa Ai Hầu nước Hàn, có hiềm khích với quan tướng nước Hàn là Hiệp Lụy. Nghiêm Trọng Tử e mình bị giết, bèn trốn đi dạo khắp để tìm cho được người nào có thể báo thù lại Hiệp Lụy. Va đến nước Tề. Người nước Tề có kẻ nói Nhiếp Chánh là người dõng cảm đương lánh kẻ cừu địch, giấu mình trong hàng bảy đáp.

Nghiêm Trọng Tử bèn đến cửa Nhiếp Chánh xin ra mắt. Tới lui nhiều lần rồi, mới sắm tiệc rượu, cùng nhau uống trước mặt mẹ Nhiếp Chánh. Rượu say, Nghiêm Trọng Tử dâng một trăm nén vàng ròng, bước tới làm lễ chúc thọ mẹ Nhiếp Chánh. Nhiếp Chánh giật mình, quái sao Nghiêm Trọng Tử ở với mình hậu vậy, thì tạ dài. Tạ chừng nào, Nghiêm Trọng Tử lại cố dâng cố được chừng nấy, Nhiếp Chánh bèn nói rằng:

− Tôi may còn có mẹ già, nhà nghèo, đến ở nơi đất khách, làm nghề bảy đáp, hôm sớm có thể kiếm được vật ngọt bùi mà nuôi mẹ, nên chẳng dám nhận của Trọng Tử cho đâu.

Trọng Tử khoát bảo người nhà đi nơi khác, rồi nói riêng cùng Nhiếp Chánh rằng:

– Tôi có kẻ cừu thù, đi dạo khắp chư hầu đã nhiều rồi, song đến nước Tề đây mới nghe túc hạ có nghĩa rất cao, cho nên dâng trăm nén vàng hầu để cung cái phí tấm mẳn cho bà cụ, được giao hoan với túc hạ là quý, chớ tôi nào dám mong xin điều gì.

Nhiếp Chánh nói:

Tôi sở dĩ chịu khuất chí nhuốc mình, ở nơi chợ búa, làm bảy đáp, là mong cho may mà được nuôi chút mẹ già; mẹ già đương còn thì cái thân của Chánh nầy chưa dám đem mà trao cho người khác.

Nghiêm Trọng Tử vẫn nài nỉ mãi, Nhiếp Chánh cũng cứ không nhận thì không. Tuy vậy Nghiêm Trọng Tử sau rồi cũng làm đủ lễ khách chủ mà mới đi nơi khác.

Sau đó, mẹ Nhiếp Chánh chết, chôn cất xong rồi, mãn tang, Nhiếp Chánh nói (một mình) rằng: "Than ôi, Chánh nầy là người ở nơi chợ búa, múa con dao làm anh bán thịt, còn Nghiêm Trọng Tử là bậc khanh tướng của chư hầu, chẳng nệ xa ngàn dặm, hạ mình đến làm bạn cùng ta, ta đãi va thật quá tệ; chưa có công lớn gì cho xứng đáng, vậy mà Nghiêm Trọng Tử đã dâng trăm nén vàng làm lễ thọ cho mẹ ta, tuy ta không nhận, chớ con người ấy là biết Chánh nầy sâu lắm đó! Vả người hiền vì cái ý thù giận mà thân tín đến kẻ khốn nạn quê mùa, vậy thì Chánh nầy có lẽ nào làm thinh mà thôi đi được? Huống chi ngày trước người ta cầu Chánh, Chánh (từ đi là) vì còn có mẹ già, nay mẹ già đã hưởng hết tuổi trời, thì Chánh nầy nên nấy thân(*) cho người tri kỷ ấy mới phải". Nói vậy rồi đi qua phương tây đến đất Bộc Dương, ra mắt Nghiêm Trọng Tử.

Nhiếp Chánh nói với Nghiêm Trọng Tử rằng:

– Ngày trước tôi sở dĩ chưa chịu nhận lời Trọng Tử là chỉ vì mẹ tôi hỡi còn; nay chẳng may mẹ tôi hưởng trọn tuổi trời, vậy thì cái người mà Trọng Tử muốn báo thù là ai, xin nói đi hầu cho tôi làm việc với.

Nghiêm Trọng Tử nói với một cách kỹ lưỡng rằng:

– Kẻ cừu của tôi chính là Hiệp Lụy, quan tướng nước Hàn. Hiệp Lụy lại là chú của vua nước Hàn nữa. Người ấy họ hàng bà con đông lắm, chỗ ở lại đặt nhiều binh lính canh phòng. Tôi đã cho nhiều người đi hành thích, rốt lại chẳng có ai được việc. Bây giờ may mà túc hạ chẳng bỏ tôi, thì xin cho thêm xe ngựa lính tráng, những kẻ có thể vừa giúp cho túc hạ, đi theo mới được.

Nhiếp Chánh nói:

– Nước Hàn cùng nước Vệ cách nhau chẳng bao xa, nay muốn giết quan tướng của người ta, quan tướng ấy lại là bà con thân của vua nữa, như vậy, cái thế không nên đi nhiều người; nhiều người thì không thể không sanh sự đặng mất; sanh sự đặng mất thì lời nói lậu ra; lời nói lậu ra, tất nhiên nước Hàn đem cả nước mà làm thù với Trọng Tử, há chẳng là nguy lắm?

Đó rồi Nhiếp Chánh từ tạ hết thảy xe ngựa lính tráng, một mình mang gươm đi đến nước Hàn. Hiệp Lụy, quan tướng nước Hàn đương ngồi giữa phủ, những lính hầu cầm gươm giáo rất đông; Nhiếp Chánh đi thẳng vào, bước lên thềm, đâm Hiệp Lụy chết rồi tả hữu loạn bậy. Khi ấy Nhiếp Chánh kêu lớn lên, đánh giết hết vài chục người nữa, rồi quào mặt mình ra, móc lấy con mắt, và đâm bụng đổ ruột ra mà chết.

Người nước Hàn lấy thây Nhiếp Chánh đem phơi ngoài chợ, rao hễ ai nhìn thì có thưởng, nhưng không ai nhìn hết, chẳng biết là con nhà ai. Chửng họ bèn rao nữa, hễ ai nói được tên người giết quan tướng Hiệp Lụy thì cho một ngàn vàng, song đã lâu mà cũng không ai biết hết.

Chị của Chánh, tên là Vinh, nghe rằng có người giết quan tướng nước Hàn, mà hung thủ không bắt được, cả nước không biết tên họ, phơi thây mà treo thưởng ngàn vàng, bèn thở ra mà rằng: Ấy có lẽ là em ta dư! Than ôi! Nghiêm Trọng Tử biết em   ta lắm!

Rồi liền đứng dậy đi qua chợ nước Hàn, té ra người chết đó quả là Nhiếp Chánh!

Người chị ngồi xuống ôm cái thây khóc rất thảm thiết mà rằng: "Đây là người mà người ta kêu bằng Nhiếp Chánh, ở xóm Thâm Tỉnh đất Chỉ đây!"

Hết thảy những người đi chợ đều nói: "Người nầy bạo ngược quá, giết quan tướng nước ta, vua ra thưởng ngàn vàng cho được biết tên họ nó, bà chẳng nghe hay sao dám đến mà nhìn?" Bà Vinh đáp rằng: "Tôi có nghe rồi! Song le, xưa Chánh sở dĩ chịu nhơ nhuốc, bỏ mình ở nơi chợ búa, là vì mẹ già hỡi còn, lại tôi đây chưa gả. Nay mẹ tôi đã trọn tuổi trời qua đời đoạn, tôi cũng có chồng rồi. Nghiêm Trọng Tử bèn cất em tôi lên khỏi chốn bùn dơ mà chịu giao du với nó, vậy là có ơn nhiều lắm, biết làm sao được giờ? Kẻ sĩ vì tri kỷ mà chết, vẫn đã đành; rồi nay nó lại còn vì cớ tôi đương sống đây nên hành thân hoại thể ra như vậy để cho chẳng ai nhìn được; vậy tôi có lẽ nào sợ bị tử hình mà đành để khuất lấp tên tuổi một đứa em hiền như vậy ư?"

Cả chợ nghe đều thất sắc. Người đàn bà kêu trời ba tiếng rồi thở ra thảm thiết mà chết một bên Nhiếp Chánh. – Sau đó hai mươi năm mà nước Tần có việc Kinh Kha.

*

Kinh Kha người nước Vệ. Tiên nhân va là người nước Tề. Đến va mới dời qua ở nước Vệ, người Vệ kêu là "Khánh Khanh". Rồi lại sang ở nước Yên, người Yên kêu là "Kinh Khanh".

Kinh Khanh ưa đọc sách, đánh gươm, từng đem cái thuật của mình thuyết cùng chúa Nguyên Quân nước Vệ; Nguyên Quân nước Vệ không dùng. Sau đó, nước Tần đánh nước Ngụy, đặt Đông quận, dời bà con nhánh nhóc của Vệ Nguyên Quân sang đất Dã Vương.

Kinh Kha từng đi chơi, qua đất Du Thứ, bàn sự đánh gươm với Cáp Nhiếp. Cáp Nhiếp giận mà lấy mắt trừng Kinh Kha. Kinh Kha đi ra. Có người bảo mời Kinh Kha trở lại. Cáp Nhiếp nói rằng: "Hồi nãy ta cùng nó bàn sự đánh gươm, nó nói có điều không vừa ý ta, ta trừng nó; vậy bây giờ đi qua coi thử, chắc nó đã dông rồi, không dám ở lại đâu". Họ bèn bảo người tới nhà Kinh Kha trọ thì quả va đi khỏi Du Thứ rồi! Người được sai đi trở lại báo tin; Cáp Nhiếp nói rằng: "Nó đi là phải, hồi nãy con mắt ta đã hớp hồn nó!"

Kinh Kha đi chơi đất Hàn Đan, Lỗ Câu Tiễn đánh cờ với Kinh Kha, nhơn giành nước trước nước sau, Lỗ Câu Tiễn giận mà nộ nạt đó. Kinh Kha làm thinh trốn đi đâu mất, không trở lại nữa.

Kinh Kha, khi đến nước Yên rồi, yêu một người nước ấy, tên Cao Tiệm Ly là tay bán thịt chó, và lại khéo đánh cái trúc. Kinh Kha ưa uống rượu, hằng ngày cùng bọn bán thịt chó và Cao Tiệm Ly uống nơi chợ Yên. Sau khi rượu vào đã xình xoàng rồi, Cao Tiệm Ly đánh trúc, Kinh Kha hoạ lại mà hát ở giữa chợ, cùng vui với nhau. Rồi đó lại ngó nhau mà khóc coi như không có người nào ở bên cạnh mình hết.

Kinh Kha dầu chơi với đám bợm rượu, song le va làm người đằm thắm ưa đọc sách. Hễ đến chơi nước chư hầu nào thì ắt là kết giao với hết thảy những bậc hiền hào kẻ lớn trong nước ấy. Khi va qua nước Yên, nước Yên có người xử sĩ là Điền Quang tiên sanh cũng hậu đãi Kinh Kha lắm vì biết va chẳng phải người thường.

Ở Yên một lúc, vừa gặp thái tử Đan của nước Yên làm con tin bên nước Tần, trốn về nước Yên. Thái tử Đan nước Yên, là người trước kia từng làm con tin bên nước Triệu, mà bấy giờ Tần vương Chánh sang ở nước Triệu, cho nên hồi nhỏ có chơi thân với Đan. Đến chừng Chánh lập lên làm Tần vương, thì Đan lại qua làm con tin ở nước Tần. Tần vương đãi thái tử Đan nước Yên lại không được tử tế, nên Đan giận mà trốn về đó. Về để có kiếm người qua báo thù Tần vương, nhưng vì nước mình nhỏ không đủ sức làm nổi.

Sau đó nước Tần hằng ngày xuất binh phía Sơn Đông để đánh Tề, Sở và Tam Tấn, dần dần như tằm ăn ra các nước chư hầu, và sắp sửa đến nước Yên rồi. Bấy giờ vua tôi nước Yên đều sợ họa đến mình.

Thái tử Đan lo lắm, bèn hỏi thầy dạy của mình là Cúc Võ. Võ thưa rằng:

"Đất của nước Tần khắp trong thiên hạ, lấy oai hiếp nước Hàn, nước Ngụy, nước Triệu; phía bắc thì có Cam Tuyền cốc khẩu là nơi hiểm cố, phía Nam thì có sông Kinh, sông Vị nhuần thấm, lại đất Ba Hán giàu có cũng lọt vào tay; bên hữu thì núi Lũng Thục, bên tả thì cửa ải Hào Hàm; dân đông mà sĩ mạnh, binh cách có thừa; khi cái ý họ muốn đi ra, thì phía bắc Trường Thành hay là phía nam Dịch Thủy, chưa biết phía nào là nhứt định. Vậy thì sao lại nhơn cái oán ở đất Kiến Lăng mà muốn rờ đến cái vảy ngược của họ ư?"

Đan hỏi: "Vậy thì làm thế nào bây giờ?"

Thưa rằng: "Xin đi vào sẽ tính".

(còn nữa)(*)  –

P. K. dịch

Trung lập, Sài Gòn, s. 6723 (Phụ trương văn chương số 53, thứ bảy 7.5.1932); s. 6728 (Phụ trương văn chương số 54, thứ bảy 14.5.1932);s. 6733 (Phụ trương văn chương số 55, thứ bảy 21.5.1932); s. 6739 (Phụ trương văn chương số 56, thứ bảy 28.5.1932); Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 138 (6.5.1932); s. 144 (16.6.1932);


 

(1) Bảy đáp là nghề làm thịt và bán. (nguyên chú).

(*)  nấy: phú cho, giao cho; ví dụ: nấy việc (phú việc cho ai…), nấy chức (cho lĩnh chức gì), nấy khiến (khiến dạy), nấy lại (giao lại) (H.T. Paulus Của, sđd.) như vậy nấy thân tức là trao (giao) thân (cho ai đó), phục vụ phục tòng ai đó.

(*)  Bài dịch này chưa đăng hết.

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân