THƠ TRẢ LỜI CHO NHIỆM AN

Tư Mã Thiên, kẻ chạy như trâu ngựa của Thái Sử công(1) hai lạy, nói cùng Thiếu Khanh(2) Túc hạ.

Trước đây, nhuốc(3) ban lời thơ, dạy tôi phải cẩn thận mà ứng tiếp sự vật, chuyên việc dẫn đưa người hiền và đem tới kẻ sĩ, ý khí khẳng khẳng đáu đáu, lại như là có ý phiền tôi sao chẳng bắt chước nhau mà đi dùng lời nói của người lưu tục.

Tôi chẳng phải dám làm như vậy đâu. Tôi tuy là ươn hèn, chớ cũng từng nghiêng tai nghe cái gió sót của các bậc trưởng giả rồi. Có điều tôi nghĩ mình: tấm thân sứt mẻ, ở nơi ô uế, động ra đâu cũng thấy lỗi, muốn được ích trở bị thiệt hại, bởi vậy nên tức tối buồn bực mà biết nói cùng ai! Lời ngạn có nói: "Ai làm cho mình làm? Ai khiến cho mình nghe?" Tượng (4) Chung Tử Kỳ chết rồi, thì Bá Nha trọn đời chẳng còn khảy đờn cầm nữa. Ấy bởi kẻ sĩ vì kẻ biết mình mà dùng cũng như con gái vì kẻ ưa mình mà làm dáng. Chớ như tôi thì cái chất lớn đã kém thiếu rồi, tuy ôm của báu như hột châu của Tuỳ hầu, ngọc bích của Biện Hòa, có nết cao khiết như Hứa Do và Bá Di, là rốt cuộc cũng chẳng lấy gì làm vinh được, mà chỉ vừa đủ cho người ta chê cười và tự bôi lọ lấy mình mà thôi vậy!

Lời thơ đáng lẽ đã đáp rồi, rủi vừa ưa theo chúa thượng từ phương Đông đến, lại bận về việc vặt nữa... Thấy nhau chẳng có mấy ngày, gấp rút không hở ra giây phút để được bày tỏ cho hết cái chí ý... Nay Thiếu Khanh mang lấy cái tội bất trắc, trải qua hằng tháng, tiết quý đông đã đến nơi rồi(5); kế đây tôi lại phải theo chúa thượng sang đất Ưng, e thình lình có điều chi, ấy là cả đời tôi chẳng được trải lòng buồn bực tức tối để nói cho Túc hạ rõ, như thế rồi cho đến chết, cả hồn lẫn xác, cứ cưu lấy cái hờn riêng hoài hoài. Vì nghĩ vậy, xin phơi bày chỗ gàn dở quê vụng của tôi; về sự lâu mà không trả lời, cũng bỏ qua cho mà đừng trách thì may lắm!

Tôi nghe: sửa mình là ấn tín của trí, ưa bố thí là mối của nhân, sự lấy hay cho là nền của nghĩa, sự biết xấu hổ là quyết của dõng, lập danh dự là tột bậc của nết làm; kẻ sĩ phải có năm điều ấy thì mới có thể gá mình ở đời và sắp hàng nơi rừng quân tử. Cho nên cái hoạ chẳng có gì thảm hơn sự tham lợi, cái buồn chẳng có gì đau hơn sự thương tâm, việc làm chẳng có gì xấu hơn nhục đến ông cha, nhơ nhuốc chẳng có gì lớn hơn cung hình(6); con người đã bị hình rồi, không còn đếm xỉa vào đâu nữa; sự ấy chẳng phải một đời đâu, xưa nay đã lâu rồi. Thuở xưa Vệ Linh Công đi xe chung với Ung Cừ, Khổng Tử bỏ mà qua nước Trần; Thương Ưởng nhờ Cảnh Giám ra mắt vua, Triệu Lương thấy mà lòng lạnh, Triệu Đàm(7) làm chức tham thặng cho vua, Viên Ty sững sờ; từ xưa đều đã lấy làm xấu hổ!

Vả chăng, hạng người tầm thường kia, mà việc gì có dính với hoạn quan nội giám, ai nấy họ còn không chịu thay, huống chi là những người hăng hái! Bằng nay triều đình thiếu người thì mặc, chớ sao lại bảo cái kẻ mới vừa chịu dao cưa rồi đó đương ra mà dẫn đưa người hiền hào trong thiên hạ dư?

Tôi nhờ cái nghiệp tiên nhân để lại, được chờ tội dưới nơi liễn cốc(8) hơn hai mươi năm nay rồi. Nghĩ tại mình tôi: cao thì không làm được những sự nạp lòng trung, nấy đức tin, có tiếng khen như những kẻ vạch chước hay, khoe tài lạ; thứ xuống cũng không làm được những sự lượm sót, bổ thiếu, vời kẻ hiền, dâng kẻ tài, làm vẻ vang cho những người ở nơi rừng rú; ngoài thì không làm được một tên lính, phá thành đánh đồng nội, có công chém tướng cướp cờ; mạt nữa cũng không làm được như người ta chứa ngày dồn công, lấy quan tôn bổng hậu để se sua với họ hàng bạn hữu; bốn điều đó không được một, tôi bèn lây lất qua đời, mong cho vào đâu lọt đó thì thôi, có chỗ hay dở rành rành như vậy đó, ai mà chẳng thấy?

Lúc trước tôi cũng từng lạm dự vào hàng hạ đại phu, được xen lo vào sự bàn luận ở sân ngoài, lúc đó mà tôi còn không toan hết lòng dạ, chăm lo việc đắc thất chốn triều đình thay, huống chi nay hình thể đã sứt mẻ ra rồi, làm thân tên lính quét dọn, ở trong đám hèn hạ, mà lại dám ngước đầu, xừng mày, luận bày điều phải điều quấy, như thế chẳng cũng là khinh triều đình mà làm nhục hết thảy sĩ phu đời nay lắm dư? Hỡi ôi! như tôi, còn nói gì nữa! còn nói gì nữa!

Vả việc nầy đầu đuôi chưa dễ rõ đâu. Tôi hồi nhỏ mang lấy cái tài lung lăng, lớn lên không có tiếng khen nơi làng xóm. May chúa thượng vì cớ tiên nhân tôi, cho tôi được tâu chút nghề mọn, ra vào nơi cấm vệ. Khi bấy giờ tôi nghĩ rằng con người ta mà đội cái chậu trên đầu hoài thì làm sao thấy được trời. Tôi bèn dứt cả sự quen biết cùng tân khách, quên cả sự lập nghiệp cho thất gia, ngày đêm lo đem hết cái tài lực hèn mọn, chuyên lòng lo chức vụ, để cầu cho chúa thượng thân yêu. Thế mà việc đời có sự trái ý không ngờ được!

Vả chăng tôi cùng Lý Lăng tuy cùng làm quan một cửa, chớ vốn không hạp nhau. Va đi một đường, tôi đi một nẻo, chưa hề ngậm chén rượu ép, tiếp cái vui thừa trong khi khắng khít. Nhưng tôi thấy va là con người kỳ sĩ mà hay tự thủ, hiếu với cha mẹ, tin với bạn bè, đối với tiền tài thì liêm, lấy cái hay cho điều phải nghĩa, biết phân biệt và khiêm nhượng, cung kiệm, hay ở dưới người, lại thường lo nong nả không kể chi mình, để mà bươn theo sự cần kíp của nhà nước; đại để va dồn chứa trong mình là như vậy, tôi cho là có cái vẻ quốc sĩ mà!

Ôi! kẻ nhân thần toan làm ra cái kế muôn phần chết không kể một phần sống dấn thân vào nạn nước, như vậy đã lạ lắm rồi! Nay va làm việc không xong một cái, là những kẻ bầy tôi chỉ biết giữ mình cho trọn và giữ vợ con, lại theo mà mũi nhọt chỗ dở của va, thật tôi riêng lòng lấy làm đau xót lắm!

Vả Lý Lăng kéo theo lính bộ không đầy năm ngàn, sấn và nơi nhung mã, chưn đạp sân vua (vua Hung Nô), thả mồi miệng cọp, liều chọc Mọi mạnh, ngước ngó quân gia hàng ức vạn, đánh luôn với Thiền Vu (chúa Hung Nô) hơn mười ngày, giết gần già nửa, làm cho giặc vừa cứu kẻ chết vừa dìu kẻ bị thương không kịp; bấy giờ các kẻ bề trên của Mọi đều run sợ bèn đòi cả thảy tả hữu Hiền Vương, kéo cả dân cầm cung ra, một nước hè nhau đánh va mà vây lại; va còn đánh xây quanh ngàn dặm, tới chừng tên hết, đường cùng, viện binh không đến, quân lính kẻ chết người bị thương thiếu điều chất đống; vậy mà Lăng kêu lên một tiếng, vỗ về lính tráng, ai nấy đều đứng dậy, sa nước mắt lộn với máu mà khóc tức khóc tối cũng còn giương cái ná không, xông vào mũi nhọn trắng, tràn qua phía bắc mà giành nhau chết với giặc kia!

Hồi quân Lăng chưa bị úp, có kẻ sứ về báo tin bên nhà Hán, bấy giờ công khanh vương hầu thảy đều bưng chén rượu chúc thọ cho vua! Sau vài ngày, tin Lăng bị thua về đến, chúa thượng vì đó ăn không biết ngon, ra ngồi chốn trào buồn dượi, các ông đại thần lo sợ, luýnh quýnh chẳng biết phương nào! Bấy giờ tôi chẳng kể phận mình hèn thấp, thấy chúa thượng lo buồn bứt rứt, thật tôi cũng muốn bày tỏ chút lòng trung thành dại dột của mình, ước có được chi nên nấy!

Tôi nghĩ rằng Lý Lăng vẫn cùng sĩ đại phu chia bùi sẻ ngọt, người ta ai cũng vui lòng vì va mà chết, dẫu danh tướng đời xưa cũng chẳng hơn đâu. Nay thân va tuy bị thua mà đầu, chớ xem ý va, đây rồi cũng mong kiếm dịp gì để báo ơn nhà Hán. Việc đã đến thế, không làm thể nào được rồi; song coi cái điều va đánh phá thì công cũng đủ tỏ bày ra giữa thiên hạ.

Điều đó, tôi ôm ấp trong lòng, muốn bày ra không có đường. Vừa gặp đòi hỏi, tôi liền lấy điều ấy chỉ ra và suy nói đến công của Lăng, muốn cho rộng ý chúa thượng ra và bịt những lời thù vặt. Tôi chưa nói sáng hết được, minh chúa chẳng rõ, cho tôi là cản trở quan Nhị sư (9) và đi nói giùm cho Lý Lăng, bèn ghép tôi vào pháp luật. Chút lòng trung thành đau đáu, trọn không thể bày tỏ ra được, thôi cũng nhận tội liều đi, rốt bèn y án. Tôi nhà nghèo, của cải chẳng đủ mà chuộc mình; bạn bè chẳng ai ngó ngàng tới; kẻ tả hữu thân cận với vua, chẳng vì tôi nói một lời.

Thân tôi chẳng phải gỗ đá, một mình làm bạn với kẻ pháp lại; giam cầm thăm thẳm trong nơi linh ngữ, ai là người có thể kêu ca cùng? Sự đó thật chính mình Thiếu Khanh xem thấy, việc tôi đã làm há chẳng phải vậy đó chi? Lý Lăng đã sống mà đầu mọi, làm sa sút tiếng nhà; còn tôi lại mắc vào ngục tốt, làm trò cười cho thiên hạ, thật đáng buồn thay! Thật đáng buồn thay! Mà thôi, việc chưa dễ đem mà nói một vài với người thế tục được!

Tiên nhân tôi chẳng phải có công trạng lớn mà được phong vương phong hầu như người ta, thứ đồ coi việc văn sử và tính lịch thì cũng gần như chức bốc chúc, vẫn là kẻ mà chúa thượng bình thường hay dỡn hớt, nuôi như nuôi kép hát, và cũng bị thế tục coi chẳng ra chi nữa. Ví khiến tôi mang án chịu giết, thì cũng như chín con trâu mất một cái lông, có khác gì con trùn con kiến, mà thế tục lại cũng chẳng sắp hàng tôi với người hay tử tiết nữa, chẳng qua họ nói tôi trí đã cùng, tội đã tột, không chạy thoát được thì phải chết đó thôi! Tại sao vậy? Là tại sự thọ lập hồi bình nhựt của tôi khiến cho phải vậy.

Người ta vẫn có một cái chết; chết, có cái nặng hơn núi Thái, hoặc có cái nhẹ hơn lông hồng; tại cái chỗ dùng xui ra khác nhau. Bậc cao hơn hết là chẳng nhục tổ tiên; thứ đến chẳng nhục mình; thứ đến chẳng nhục lý sắc(?); thứ đến chẳng nhục từ lịnh; thứ đến khuất thể mà chịu nhục; thứ đến đổi đồ mặc chịu nhục; thứ đến bị gông cùm roi vọt chịu nhục; thứ đến cạo đầu mang xiềng sắt chịu nhục; thứ đến hủy da thịt, chặt chưn tay chịu nhục, bậc chót đến hủ hình là mạt lắm! Sách xưa nói rằng: "Hình chẳng lên quan đại phu". Ấy là nói cái tiết kẻ sĩ chẳng khá chẳng khuyên gắng vậy. Con hùm mạnh ở nơi núi sâu thì trăm loài thú đều kinh khiếp, đến chừng nó ở trong hầm bẫy rồi thì ngoắc đuôi mà xin ăn; ấy là nhờ dồn chứa cái oai mà bó buộc nó dần dần vậy.

Cho nên vạch đất làm cái khám, kẻ sĩ có người giữ mánh lới mà không dám vào, trổ gỗ làm kẻ lại, ngần ngại mà không dám thưa. Huống chi hay chắp tay chưn, chịu săng đỏi, phơi da thịt, chịu roi vọt, bị u tù ở trong bốn phía vách tường, đương lúc bấy giờ, thấy viên ngục lại thì đầu sát đất, xem chú lính thì lòng hồi hộp : Bởi sao? Bởi dồn chứa cái oai và bó buộc đó bằng cái thế vậy. Khi đã đến vậy rồi mà còn nói không nhục, chẳng qua dày mặt đó thôi, chớ có quý gì đâu?

Vả Tây Bá là tước bá, bị cầm nơi Dũ Lý; Lý Tư là thừa thướng, trải đủ năm hình; Hoài Âm là vương, chịu cùm ở đất Trần; Bành Việt, Trương Ngao, từng xây mặt hướng nam xưng vua, cùng bị giam vào ngục và mắc tội; Giang Hầu giết các họ L, quyền nghiêng ngù ba, cũng bị tù nơi sảnh thất; Nguỵ Kỳ là đại tướng cũng mặc áo cỏ, xỏ ba cây; Quý Bo làm nô của Châu Gia; Quán Phu chịu nhục nơi nhà ở; những người ấy, cái thân của họ đều đến vương hầu tướng tướng, tiếng đồn ra nước láng giềng, đến khi tội chẳng chỗ dung, cũng còn không hay liều mình một chết, té ra ở trong chốn bụi bặm này, xưa nay vẫn thế, ai dám bảo mình là chẳng nhục đâu? Bởi đó mà nói thì dũng hay khiếp là ở thế, cường hay nhược là ở binh, rõ lắm rồi có gì đâu mà lạ?

Ôi! Người ta không hay sửa mình(10) ở ngoài luật phép cho sớm đi, dần dà một chút thêm một chút cho đến bị đánh bị khảo, lại còn muốn nói chuyện khí tiết thì chẳng cũng đã xa lắm dư? Người đời xưa sở dĩ lấy sự gia hình cho bậc đại phu làm ái ngại, có lẽ là vì cớ ấy. Vả nhân tình ai lại chẳng ưa sống mà ghét chết, ai lại chẳng nhớ cha mẹ, nghĩ đến vợ con; nhưng đến lúc khích vì  nghĩa lý thì giống gì cũng không kể, ấy là vì có chỗ cực chẳng đã lắm đó. Nay tôi chẳng may, sớm mất cha mẹ, không có anh em gần, chỉ có một mình trơ trọi! Còn vợ con: Thiếu Khanh xem tôi đối với vợ con thế nào! Vả kẻ dõng không cần tử tiết; còn đứa khiếp mà mến nghĩa thì cái gì nó lại không rán sức? Tôi dầu khiếp nóa muốn sống để trơi đời, chớ cũng có biết sự nên chăng chút đỉnh chớ, đâu đến nỗi đành mình chết đuối trong cái nhục luy tiết nầy? Vả chăng thằng chăn trâu, con đầy tớ, nó còn hay liều mình được, huống chi tôi lại là cực chẳng đã nữa. Nhưng mà sở dĩ tôi nhịn nhục cho được sống, bị cầm trong chốn vách đất mà chẳng từ thế nầy là vì giận lòng riêng có chỗ chẳng hết, quê vụng lụn đời mà văn chương chẳng tỏ đến đời sau đó thôi.

Đời xưa thiếu chi kẻ giàu sang mà chết rồi thì danh cũng tiêu diệt; duy có người nào thích thảng phi thường thì còn để tiếng khen: Tượng mảng Văn Vương bị cầm tù mà diễn sách Châu dịch; Trọng Ni mang ách mà làm sách Xuân thu; Khuất Nguyên bị đày đuổi mới có phú Ly tao; Tả Khâu đui mù bèn có sách Quốc ngữ; Tôn Tử bị chặt chưn, dọn nên Binh pháp; Lữ Bất Vi dời qua đất Thục, mới sách Lữ Lãm truyền đời; Hàn Phi bị cầm tù ở Tần, bèn có những bài Thuyết nan, Cô phẫn; cho đến ba trăm thiên trong Kinh thi thảy đều bởi thánh hiền đời xưa tức giận mà làm ra: Những người ấy đều là có chỗ uất kiết trong lòng, cái đạo của mình không thông được, cho nên mới thuật việc đời xưa, nhớ người đời sau như vậy.

Giống với Tả Khâu Minh mờ mắt, Tôn Tử què chưn, trọn đời không dùng làm gì được, mới lui về mà luận bàn sách vở để hả sự tức giận của mình, toan để văn suông lại, tỏ mình cho thiên hạ biết, tôi cũng chẳng khiêm nhượng nữa, chẳng thối thác rằng mình bất tài nữa, mà góp nhặt bao nhiêu việc cũ trong thiên hạ đã đứt sót, rồi xét lại việc làm của họ, tóm cả đầu đuôi, soát qua những sự nên hư dấy bỏ, chép từ đời Hoàng Đế cho tới bây giờ, làm mười cái Biểu, mười hai Bổn kỷ, tám Thơ, ba mươi Thế gia, bảy mươi Liệt truyện: hết thảy là một trăm ba chục thiên. Làm vậy là cũng muốn để mà tột xét đến chỗ giao tế của trời và người, thông suốt đến chỗ biến thiên của xưa và nay, thành ra lời nói riêng một nhà vậy.

Không ngờ mới làm cái nảo(*) ra, chưa thành sách, thì vừa gặp cái họa nầy; vì tôi tiếc cho nó sẽ không thành sách, nên mới chịu cực hình mà không hề làm mặt giận. Thật tôi nghĩ rằng làm pho sách nầy ra, rồi giấu nó nơi núi có tiếng, truyền nó cho người của mình, khắp nơi thành to đô lớn, thế là tôi đã đền cái nợ mang nhục trước kia rồi, tuy bị giết một muôn lần cũng chẳng ăn năn nữa. Song le, đó là điều đem mà nói với kẻ trí thì được, chớ khó đem mà bảo cho người tầm thường.

Vả, cái vai dưới là chưa dễ ở, hễ ở dòng dưới thì sự chê bai  tấp về. Tôi vì lỗ miệng mang lấy họa nầy, bị làng xóm chê cười xỉ vả dữ lắm, đến nỗi hổ nhuốc tới tiên nhân, thì tôi còn mặt mũi nào dám bước lên trên nền mả cha mẹ! Dẫu trải qua đến trăm đời, cái dơ bẩn cũng chẳng sạch được mà lại càng thêm lắm đó thôi. Bởi vậy trong một ngày mà tôi ruột quặn chín chìu, ở thì băn khoăn như có mất vật gì, đi ra thì chẳng biết đi đâu, mỗi khi nhớ đến sự sỉ nhục ấy, chưa hề chẳng toát mồ hôi ra đầy lưng, ướt đầm cả áo! Gẫm thân đã làm ra kẻ tôi tớ nơi khuê các, thì còn cách nào đem mình giấu khuất trong hang núi được ư? Vậy nên cũng nổi chìm với tục, cúi ngửa theo thời, mong cho sự điên rồ lầm lỗi của mình được trót lọt mà qua khỏi. Ấy vậy mà Thiếu Khanh lại lấy điều dẫn kẻ hiền, đưa tới kẻ sĩ mà dạy tôi, há chẳng phải là trái với lòng riêng của tôi lắm?

Ngày nay tôi dẫu muốn trau dồi lời lẽ để bàu chuốt lấy mình, là đối với thế tục cũng chẳng được ích chi; người ta chẳng tin thì mình lại càng thêm mang nhuốc. Tóm lại, đến ngày chết rồi phải quấy mới nhứt định được. Thơ nầy viết không được hết ý, phới bày chút lòng cố lậu thế thôi, hai lạy kính dâng.

PHAN KHÔI dịch

Trung lập, Sài Gòn, s.6685 (Phụ trương văn chương số 46, thứ bảy 19. 3. 1932); s. 6690 (PTVC số 47, thứ bảy 26. 3. 1932); s. 6695 (PTVC số 48, thứ bảy 2. 4. 1932); s. 6700 (PTVC số 49, thứ bảy 9. 4. 1932); s. 6706 (PTVC số 50, thứ bảy16.4.1932); s. 6712 (PTVC số 51, thứ bảy 23. 4. 1932)

 


 

(1) Thái Sử công là Tư Mã Đàm, cha Tư Mã Thiên, Thiên nối cha làm Thái sử lịnh, chức nầy như là thuộc viên của Thái Sử công, cho nên nói như vậy. (nguyên chú)

(2) Thiếu Khanh, tên tự của Nhiệm An. Túc hạ là đại danh từ dùng mà xưng người, cũng giống như điện hạ, các hạ. (nguyên chú)

(3) Đây là dịch chữ "nhục". Nhục có ý tỏ sự khiêm tốn, không dám đương chịu điều gì. Đây nói An gởi thơ cho mình, mình không đáng nhận lãnh thơ ấy, vậy thì sự gởi của An như là nhục vậy. Chữ nầy khó dịch quá, dịch tạm như thế, nhờ giải mới hiểu được.(nguyên chú)

(4) Tượng hay là dáng, dịch chữ "cái". Chữ "cái" có ý hồ nghi, cũng như nói hình như mà nhẹ hơn, tiếng ta nói tượng hoặc dáng. (nguyên chú)

(5) Quý đông là tháng chạp, đời xưa thường xử tù trọng tội trong tháng ấy.(nguyên chú)

(6) Cung hình là hình bị cắt dái. (nguyên chú)

(7) Chữ Triệu Đàm nầy nguyên văn là Đồng tử. Vì Đàm trùng tên với cha Tư Mã Thiên nên sửa lại mà xưng như vậy. Ung Cừ, Cảnh Giám, Triệu Đàm đều là người bị cung hình rồi vào cung vua làm chức hoạn quan. (nguyên chú)

(8) Liễn cốc là cái xe và cái trục xe. Nói liễn cốc là chỉ về chỗ kinh đô vua. (nguyên chú)

(9) Vệ Thanh, làm đại tướng đồng đi đánh Hung Nô với Lý Lăng. (nguyên chú)

(10) Sửa mình đây là nói tự tử. Tiếng "sửa" nầy trong tiếng Nam ta cũng có dùng để chỉ nghĩa "giết". (nguyên chú).

(*) nảo: bản nháp, bản thảo. Các từ điển của H. T. Paulus Của, Từ điển phương ngữ Nam Bộ... đều không có từ này. Tôi (LNA) chỉ tìm thấy một ví dụ duy nhất: Bùi Thế Mỹ: Làm văn có nảo không // Trung lập 3.10.1931, trong đó ông nói nghĩa "bổn nháp, bổn thảo" với từ tiếng Pháp tương đương là brouillon, "theo tiếng Sài Gòn, tôi để nảo".

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân