TẤN TUỒNG ĐỜI

Chẳng biết cha nào cắc cớ đặt cho cái cảnh đời nầy là "trò múa rối", thiệt là hay! Trong một lúc mà diễn không biết mấy vạn thứ tuồng, bởi vô số những cô đào cùng cậu kép, thì rõ ràng là múa rối chớ gì!

Tuồng đời tuy là trộn trạo diễn liên miên, song đã có lúc khai mào, thì phải có khi hạ lớp.

Trọn bảy tám năm nay, trên sân khấu nước nhà có khai diễn một tấn tuồng mà khán giả họ kêu chán vang trời, nhưng chửa vãn. Tấn tuồng ấy là tấn tuồng "Lập Hiến". – Lập hiến lập hót gì mà hát nhây quá!

Khoan nóng đã mấy bà con ơi! Thông Reo tôi tính cho họ hát hết thứ nầy thì hạ lớp. Nhưng trước khi hạ, để Thông Reo thuật sơ một chuyện đã xảy ra trong buồng hát của họ cho khán giả nghe chơi.

Hồi màn trước, cụ Bùi, là kép nhứt tấn tuồng nầy, còn lẫm liệt oai phuông trong bọn lắm. Một bữa nọ cô đào Long với anh kép Bền ngồi giặm mặt. Ai cũng biết lúc giặm mặt thì hai tay tuy mắc, mà cái miệng họ ở không, họ mới châu mỏ lại mà khai tệ(*) cụ Bùi thôi chẳng còn một chỗ.

Lúc đó có một anh chạy hiệu tên là Thân nghe lóng rõ bèn đem mà học lại với cụ Bùi, để lập công chơi.

Rạng ngày sau cụ Bùi vào buồng hát kêu kép Bền và đào Long mà gạn hỏi việc hai người đã bỏ vạ cụ hôm qua. Cô đào Long làm bộ giận hét rân lên: "Ai học lại với cụ, chỉ ra coi". Cụ Bùi không nỡ chỉ tên Thân bèn nín lặng.

Từ ngày ấy, cụ Bùi biết cái thời mình hơi đã tái(**), nên giao buồng hát lại cho đào Long coi sóc, rồi tách mình ra làm việc với một hãng buôn kia.

Anh Thân thì quyền bính về đào Long, anh liền bị đuổi. Chồng một nơi, vợ một ngả, Thân lang thang thất nghiệp, đành mò qua hãng buôn nọ mà xin chỗ với cụ Bùi. Cụ Bùi trả lời rằng: "Tao đem lỡ người ta vô làm rồi, sao mầy không nói trước".

Tội nghiệp cho Thân! Tđây Thân biết thân chưa?

Qua tới hiệp cụ Bùi,

(Kiểm duyệt bỏ)

[.....] thì ai mà dám tưởng là vì sao của cụ đương hồi chói lọi mà bỗng lại lu lờ?

Ngày 14 Octobre 1932, giữa Hội đồng quản hạt lúc hai ông De Lachevrotière và Labaste [……]

(Bị kiểm duyệt bỏ)

Nào dè đâu lúc bỏ thăm cái đề nghị của cụ thì tất cả người trong đảng đều công nhiên phản đối cụ. Lúc ra về cụ Bùi nhắc việc ấy mà khóc với một người bạn thân của cụ. Thế là cụ biết thân rồi!

– À! Còn anh nói anh thấy chỗ nào mà dám tính cho tấn tuồng "Lập hiến" kia gần hạ lớp?

– Ối, chuyện trước mắt thì ai mà không thấy. Vậy chớ anh thường coi hát hạ chỗ nào anh nói thử nghe coi.

– Thì đến thứ "hòa hiệp" là hạ chớ.

– Ở đây cũng vậy. Đảng "Lập hiến", ủa quên, tuồng "Lập hiến" mà gầy nên hát được là chỉ vì nhờ cái "cú" của họ La đá đít cụ Bùi kia. Trọn cho mấy thứ họ gây vói nhau hèn hỏi gì. Anh hổng nhớ hồi có cuộc biểu tình, họ La dám viết báo mà kêu gào chánh phủ phải hạ ngục Chiêu, Long cho kỳ được...

Gây nông nỗi mà tới đây "hòa hiệp" thì thứ nầy là thứ chót chớ gì!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6855 (22. 10. 1932)

 


 

(*) khai tệ: "khai về sự hư tệ mà xin cho khỏi chịu thuế (ghe thuyền)" (H.T.Paulus Của, sđd.)

(**) "cái thời mình hơi đã tái": (không thật rõ nghĩa, phải chăng có chữ nào bị in sai?)

 

© Copyright Lại Nguyên Ân