TÉ RA CŨNG NHỮNG KÉP CŨ LÀ KÉP CŨ

Bữa trước bữa rày nghe tin tòa soạn Công luận bị đổ và nghe ông Diệp Văn Kỳ vào tổ chức lại tòa soạn mới, nhưng non một tháng rồi mà chẳng thấy có vẻ gì là vẻ mới.

Chẳng ức chi, có điều cũng nóng mà coi cho biết sự đời nó  ra sao.

Thiệt các ổng rặn như rặn đẻ, lâu lâu mới lòi ra một khúc cho người ta biết. Các ổng làm ra cái kiểu thầy kiện quá, lý sự trong một vụ kiện nào, không nói ráo hết một lần cho thân chủ nghe, bữa nay có đem tiền, nói cho một chút; bữa mai có đem tiền nữa, nói thêm cho một chút nữa.

Thì đâu tuần lễ trước, trong lúc nghe ông Diệp vào thế rồi mà chẳng thấy chỉnh đốn chi hết, lòi ra một cái cáo bạch nơi trương nhứt, rằng đầu tháng Mai trở đi Công luận mới sửa sang.

Nói vậy mà thôi chớ không tuyên bố chút chi nữa hết. Ở ngoài họ xấm xi xấm xải với nhau, muốn biết thử cái nội các Diệp Văn Kỳ có những ông tướng nào mà không thể nào biết được.

 Rê rẩm hoài cho đến bữa thứ năm 28 Avril đây mới thấy đăng tên cả một toà soạn mới. Cầm tờ Công luận số ra bữa đó, nhìn đi nhìn lại thử coi thì chẳng ai đâu lạ, té ra cũng những kép cũ là kép cũ.

Dưới ông Diệp Văn Kỳ, thấy có những ông Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Khắc Hiếu, Lê Cương Phụng, Ngô Tất Tố cùng vài ba anh em nữa cũng là có tên trong làng báo rồi; trừ ra có mình ông cử nhân khoa học gì đó là dân mới.

Có gì đâu? Đây ông Diệp Văn Kỳ ổng lại rinh hết già nửa cái tòa soạn Đông Pháp thời báo hồi mới đầu vào đây chớ gì? Ông Nguyễn Khắc Hiếu, ông Lê Cương Phụng, ông Ngô Tất Tố thì những tay làm tuồng cụp lạc của ông Kỳ hồi đó mà bây giờ ông lại kéo lên sân khấu nữa đây chớ gì?(*)

Đi coi hát hay là xem báo cũng vậy. Nhiều khi thấy mặt kép cũ thì khán giả không ưng, ngồi chưa nóng đít bỏ về, mà cũng có khi thấy kép cũ lại thích coi, muốn ngồi rốn lại.

Vậy cho biết bất luận kép cũ hay mới, hễ hát hay thì được. Đây rồi chắc độc giả cũng hoan nghinh tờ Công luận của ông Diệp Văn Kỳ chủ trương bởi vì hồi đó người ta đã hoan nghinh tờ Đông Pháp thời báo của ông rồi.

Kép cũ hay kép mới cũng không hại chi. Chỉ ngại có kép dở thì cũ chừng nào lại trống rạp chừng nấy.

Còn nói chi ông Nguyễn Văn Bá, ổng mới vừa ở Công luận bước cẳng ra đó. Bước ra, lau  mồ hôi cẳng chưa kịp ráo, thì ổng đã bước vô rồi. Như thế, chắc là độc giả của Công luận khỏi phải lên tiếng hoan nghinh mà ông đối với độc giả cũng khỏi có lời phi lộ nữa, bởi vì hai bên đều đã làm việc ấy vừa mới rồi đó, không cần làm lại lần nữa.

Trong làng báo mà ngoài làng báo cũng vậy. Thấy Công luận khai tên tòa soạn mới nầy ra, ai cũng có một cái cảm tưởng giống nhau. Là cái cảm tưởng về việc anh Nam Chúc bên Đ.N.N. công kích hồi trước. Có người chực coi thử phen nầy Nam Chúc có công kích nữa không.

Theo ý ngu của Thông Reo thì Nam Chúc chắc không công kích nữa mới phải. Còn chỗ nào nữa mà công kích?

Ở đời ta nên học cái tánh nhẫn nại. Hễ nhẫn nại được là làm việc được, mà làm việc gì cũng được; mặc kệ ai công kích cũng chẳng làm chi. Họ công kích mặc họ, mình làm mặc mình. Tôi nói vậy là tôi muốn học cái nhẫn nại của ông Nguyễn Văn Bá đó.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6718 (30. 4. 1932)


 

(*)Bài này nhắc đến những thay đổi trong tòa soạn Công luận báo, liên quan đến những người cũ từng làm việc ở tờ Đông Pháp thời báo (hồi 1927-28) và Thần chung (1929-30). Nguyên Công luận báo là tờ báo tiếng Việt của tờ báo chữ Pháp Opinion của Jules Haag. Sau khi tờ Thần chung bị cấm (tháng 3.1930), Nguyễn Văn Bá (chủ bút của Thần chung) sang làm chủ bút cho Công luận báo, rồi vì bị dư luận phê phán (do những bài viết tỏ ra đứng về phía lợi ích giới chủ Tây) lại từ chức. Sau khi Phú Đức từ chức chủ bút Công luận báo (giữa tháng 8.1931), Nguyễn Văn Bá lại vào làm chủ bút tờ này rồi lại thôi (tháng 1.1932), để Võ Khắc Thiệu thay thế (thời gian này Võ Khắc Thiệu, ký họ tên thật hoặc dưới bút danh Thằng Mình, thường xuyên đả kích Phan Khôi và tờ Trung lập). Sau đó, Diệp Văn Kỳ và Nguyễn Văn Bá cùng nhau mua lại chủ quyền Công luận báo; ngày 28.4.1932 đăng thông báo: từ 1.5.1932 sẽ chỉnh đốn lại tờ báo này với một bộ biên tập mới gồm: Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Văn Bá, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Tùng Lâm Lê Cương Phụng, Ngô Tất Tố, Hồ Hữu Tường (cử nhơn khoa học), Trần Đình Khiêm, Hoàng Tân Dân, Nguyễn Thương. Ngày 2.5.1932 tòa soạn mới này bắt đầu hoạt động (Xem: Diệp Văn Kỳ, Mấy lời trịnh trọng // Công luận, Sài Gòn, 2.5.1932).

 

 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân