THÁI CỰC VÀ ĐỨC CHÚA TRỜI

Một cuộc phỏng vấn ông Phan Khôi

 

 

Hồi tôi còn ở Bắc đã nghe tiếng ông Phan Khôi. Tiếng ông gần đây từ Nam kỳ vang ra Bắc kỳ là do những bài ông viết trên báo Thần chung và báo Phụ nữ. Biện luận, cũng giống như chiến trận: có thế thủ, có thế công. Trong những bài nghị luận hoặc tranh biện của ông Phan Khôi, thấy có điều đặc sắc nầy là ông hoàn toàn giữ thế công. Cái đặc sắc đó bất luận phải hay quấy, chính là cái làm cho ông có tiếng. Riêng tôi chú ý về ông là vì vấn đề Tống Nho ông đã nói đến ở báo Thần chung và vì vấn đề luận lý học ông nói ở báo Phụ nữ. Ông có tuyên bố rằng ông đang sửa soạn làm bộ Luận lý học (logique).

Về vấn đề Tống Nho, có nhiều điều tôi thấy ông nói ngang, ai biểu thế nào mà khâm phục ông, chớ tôi thấy khác. Còn về vấn đề làm bộ (sách) luận lý học, chưa biết thực hành được thế nào, chớ mới nghe tuyên bố trơn, tôi đã biểu đồng tình và hâm mộ ông lắm. Bụng đã định bao giờ vô Nam thế nào cũng đến tiếp kiến ông để biết ông, biết học thuật và tư tưởng của ông một cách rõ ràng hơn. Tôi đã đến, đã thấy, đã biết Phan Khôi rồi.

*

Tôi xin để riêng ra các sự thù tiếp, ngôn ngữ, cử chỉ và cái thái độ của ông trong khi đàm luận, mà nói ngay cái học thuật và tư tưởng của ông đã phát biểu ra trong cuộc đàm thoại nầy.

TÔI. – Thưa ngài, tôi ở Bắc vô. Tôi có nghe riếng ngài ở trên báo, nay muốn đến thăm ngài, và nhân tiện để bàn hỏi ngài mấy điều về học thuật, tư tưởng Đông Tây…

PHAN KHÔI. – Ông là nhà cựu học hay tân học?

TÔI. – Tôi tân học cựu học đều ít oi. Thuở bé học Nho rồi vào học ở trường tôn giáo, đã học littérature (văn chương), rhétorique (tu từ) và philosophie (triết lý). Trong khoa triết học đó thì bắt đầu tôi học logique, rồi học ontologie… (Nói đến đây tôi quan sát diện mạo ông chẳng biết đối với tiếng ontologie (nguyên vật học)(*) ông nghĩ ngợi thế nào, chớ cái tiếng logique xem ra gợi được cái ý tưởng gì khiến ông vui cười một cách ngượng ngập). Còn chữ Tây tôi có học được một ít, và nhờ chữ tây mà xem kinh điển của Hán học. Vì tân cựu học tôi đều còn thiếu thốn, nên được gặp những nhà học giả như ngài, tôi muốn lấy lòng thành thật bàn hỏi để cho rộng kiến thức thêm ra.

PHAN KHÔI.– Cái đó thì hay lắm.

TÔI. – Tôi thấy ở trong kinh điển Nho nói về thái cực cũng có ý giống như tư tưởng Âu Tây. Bên Nho nói rằng có lý thái cực; thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng biến hóa vô cùng. Bên Tây nói rằng có đức Chúa Trời, đức Chúa Trời dựng nên trời đất muôn vật. Thế thì cái nguyên nhân thứ nhứt của vạn vật, theo nhà nho thì là Thái Cực, theo Tây thì là đức Chúa Trời. Đó là điều giống nhau.

PHAN tiên sinh chận ngang:

Đừng nói "giống nhau", chẳng có cái gì giống nhau, Tây là Tây, Đông là Đông, nói giống nhau là nói mồ hồ, lộn xộn, không xác đáng.

Tôi tiếp:

Tôi chưa nói hết. Mà nếu phải dậm nhằm cái tiểu điểm (point de détail) vô cuộc tranh biện, thì xin lỗi ngài, cũng có cái giống nhau chớ! Nếu không thì tiếng Tây nói semblable, ressemble, tiếng ta nói "giống nhau", "giống như": "con gái giống cha giàu ba họ", "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh"… là vô ý nghĩa hay sao?

Nhưng tôi không có ý hỏi ngài về điều đó. Tôi có ý hỏi điều nầy: Tôi có thấy ngài đã tỏ ra cái quan niệm của ngài về Thái Cực và về Chúa Trời ở trong báo Phụ nữ, có điều là tỏ chưa được rõ rệt lắm. Ngài có nói rằng "cái Thái Cực của Tống Nho bày đặt là một cái lý "thuần túy" (une raison toute pure) vô hình… đó là không phải. Thực ra thì đức Chúa Trời bên đạo Thiên Chúa không phải là một cái lý thuần túy, vô hình, ngài là một thần bản vị, vì đã có khi ngài hiện ra nói năng với người ta (ở trong Thánh Kinh). Như ý tôi thì về cái chỗ "có một cái gì làm nguyên nhân thứ nhứt của vạn vật" thì hai bên Đông Tây giống nhau, song khác nhau ở cái chỗ "bản hữu" và "bản thể" của cái nguyên nhân thứ nhứt là thế nào. Như ý ngài, cái quan niệm của ngài về cái "nguyên nhân thứ nhứt" (tức Thái Cực của Viễn Đông và đức Chúa Trời của Âu Tây) là làm sao? Ngài tin theo cái thuyết bên đạo Thiên Chúa chăng? Đó là điều tôi có ý muốn hỏi ngài.

PHAN KHÔI.– Tôi xin hỏi ông đã. Ông có phải là người theo đạo Thiên Chúa hay không?

TÔI. – Thưa ngài, cái đó ngoài đề mục, nhưng trong cuộc đàm thoại, tôi cũng chẳng ngại gì mà không nói thật thà để khỏi ngăn trở sự thân ái. Tôi vốn con nhà theo đạo Thiên Chúa.

PHAN KHÔI (Lại hỏi kỹ hơn nữa): – Ông về phái Catholique (Công giáo) hay phái Protestant (Tân giáo)?

TÔI.– Tôi nghĩ hai bên cũng giống nhau về chỗ cốt yếu. Tôi đã coi hết kinh Thánh hai bên cũng như  nhau, duy khác nhau về chỗ một bên thì nói theo kinh Thánh làm giường mối, một bên nói theo lời Giáo hoàng dạy làm cốt yếu. Sau nầy tôi lại có coi sách vở bên Nho, thấy có nhiều điều tư tưởng về Thái Cực, về võ trụ, có lý đáng phục lắm.

PHAN KHÔI. – Tôi chẳng tin theo đạo nào cả. Trước tôi có dịch Thánh kinh cho đạo Tin Lành thì tôi thuộc Kinh Thánh. Như ý tôi thì bên Tống Nho bày đặt cái lý thái cực không đủ bằng chứng nghe được. Bên đạo Thiên Chúa còn có điển tích lưu truyền rõ rệt hơn. Mà đạo Thiên Chúa, thì thà tin theo bên phái Tin Lành còn có lẽ phải hơn.

TÔI. – Tôi xin cứ nói vào vấn đề đang nói trước kia. Như ngài thì cái lý Thái Cực vô hình vô xứ vô thanh vô sắc đó, ngài cho là không đủ bằng chứng nghe được; thế thì ngài nhận đức Chúa Trời, thần bản vị là nguyên nhân thứ nhứt của vạn vật?

PHAN KHÔI –  Cũng không.

TÔI. –  Vậy thì cái gì là nguyên nhân thứ nhứt?

PHAN KHÔI –  Tôi cho rằng vạn vật bởi không mà có.

TÔI. –  Nếu thế thì trái nghịch với tư tưởng triết học của Âu Tây và cả của Đông Nho nữa. Âu Tây dạy rằng: bởi không thì không sinh ra được cái gì hết. Ex nihilo nihil (de rien, rien). Mà Đông Nho lại dạy: võ trụ là hữu, là tự hữu. Nếu đem cái thuyết võ trụ luân chuyển của nhà nho mà suy thì thấy như thế. Thiệu Khang Tiết gọi mỗi một vòng luân chuyển lớn của võ trụ là một thái tuế, mỗi thái tuế gồm 129.000 năm; mỗi thái tuế lại phân làm 12 hội là: tý, sửu, dần, mẹo, thìn, tị, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi. Đến hội hợi thì võ trụ trở về bực hỗn mang, lộn xộn và tối tăm hết cả. Cuối hội hợi sang hội tí thì sự sáng dần dần rõ ra mà mở trời, đến hội sửu những chất nặng ở trong võ trụ đọng lại mà thành đất, đến hội dần mới có người sinh ra… Cứ luân chuyển mãi như thế đến hội hợi lại sang hội tí, đời đời tiếp liên vô cùng. Như thế thì ta chết đi không phải là ra không, chỉ là thay hình; nguyên chất của xác ta vẫn còn. Như thế thì cái "có" là có mãi, không bao giờ ra "không", mà cái "không" là không mãi, không bao giờ sinh ra cái "có" được.

PHAN KHÔI –  Khổng Tử không nói gì đến những cái đó, chỉ dạy cách ăn ở ở đời. Trước khi có trời đất và sau khi trời đất qua đi, cái địa vị võ trụ lúc đó thế nào, Khổng Tử không nói. Gần đây có Trần Trọng Kim viết quyển Nho giáo, có nêu cái câu "Vô cực nhi Thái Cực". Câu đó là của ông Châu Liêm Khê(*), có phải của Khổng Tử đâu. Mà họ cắt nghĩa bậy bạ thế nào, chớ Liêm Khê trước theo tôn chỉ đạo Lão, cũng chủ trương hư vô. "Vô Cực nhi Thái Cực" là trước thì là hư vô mà rồi sau có Thái Cực, nghĩa là trước tiên chỉ có Hư Vô, Hư Vô sanh ra Thái Cực, Thái Cực là cái môi giới sanh ra võ trụ. Thế là bởi không mà sanh ra có.

TÔI. –  Tôi tưởng câu "Vô Cực nhi Thái Cực" mà Châu Liêm Khê đặt trên đầu sách Thái Cực đồ thuyết đó, ông Chây Hy cắt nghĩa đã rõ rệt và có lý lắm. Theo như ông Châu Hy thì câu "Vô cực nhi Thái Cực" không phải nghĩa là: ngoài Thái Cực ra có một vật vĩnh viễn đời đời gọi là Tuyệt Vô (Néant Absolu), mà chính là trong cái Vô (Non Être) đối đích (*) mà người ta xem trước đó, cái vô làm thành bầu Thái Hư (Grand Vide) đó, có lý ở trong. Lý là cái đệ nhứt nguyên lý tác thành cái bản chất của võ trụ, cái bản chất đó xưa còn rời rạc rải rác trong bầu Thái Hư mắt ta xem không thấy. Trong câu "Vô Cực nhi Thái Cực" đó, tiếng "nhi" chỉ là một tiếng nối chớ không chỉ bởi cái nầy mà ra cái kia. Tiếng "Vô Cực" không phải là substantif mà chính là adjectif (**) chỉ nghĩa cho tiếng "Thái Cực". Ông Châu Hy nói rằng: Cái Thái Cực mà ngày nay ta thấy ở trong cái khí chất tụ lại thành hình các vật, thì đã có một thời gian nó ẩn khuất ở trong cái khí chất chưa tụ, vô hình, không xem thấy được. Ông Châu Hy lại rằng: (trong vấn đề đó) theo ông Lão Tử: Hữu và Vô là hai cái phản nhau, nhưng theo ông Châu Liêm Khê thì khác. Ông Châu Liêm Khê nhận rằng: Vô nghĩa là cái phần khí chất thành nên bởi Lý, nhưng chưa tụ nên không thấy được. Hữu tức là cái phần khí chất đã tụ thành hình, ngũ quan ta cảm giác được. Cho nên chữ "nhi" đó là tiếng nối hai ý nghĩa xứng nhau, chớ không phải chỉ bởi cái nầy sanh ra cái kia.

PHAN KHÔI –  Cái đó phải xem trong Châu tử toàn thơ mới biết được. Bộ Châu tử toàn thơ đó, tôi chưa đọc.

TÔI. – Những điều đó chính là rút ra ở trong Châu tử toàn thơ đấy. Nguyên tôi đã có đọc kỹ bộ sách nói về ông Châu Hy, học thuyết của ông làm sao và ảnh hưởng của ông thế nào, trong đó có đủ ý.

PHAN KHÔI – Nói tóm lại, tôi cho là những cái đó vô khả luận. Trước khi có trời, đất, nhân vật, thì có gì, biết cũng vô ích, tội gì mà nhọc mình suy xét. Tôi chỉ biết có Phan Khôi đây, thế thôi, trước Phan Khôi và sau Phan Khôi đều vô khả luận.

TÔI. – Vậy thì ngài bảo chết rồi là ra hư không hết cả sao? Kết quả công việc thiện ác thế nào? Linh hồn thế nào?

PHAN KHÔI – Tôi không tin có linh hồn. Người ta chết thì xác ra đất, chết rồi thì thôi, chẳng thưởng phạt, chẳng báo ứng gì sốt. Những cái đó là những điều bày đặt ra để cầm giữ những hạng yếu ớt, mê tín.

TÔI. – Thiên hạ, Đông, Tây đều tin có linh hồn.

PHAN KHÔI –  Không phải hễ Tây tin thế nào, là mình cũng nên tin thế ấy.

TÔI. – Ngài bảo không có linh hồn, thế thì cái gì làm chủ cho mọi sự hành vi, ngôn ngữ, tư tưởng của ta?

P. K. –  Tôi nói là tự miệng lưỡi tôi, tôi làm là tự thân sức tôi.

TÔI. –  Phải, cái xe ô-tô đổ xăng vào, quay máy thì nó chạy, nhưng không ai cầm máy thì tự nó không biết đường đi, sẽ té nhào mà không tự chỗi dậy mà đi được nữa. Như tôi thì tôi nghĩ rằng có linh hồn, linh hồn đối với phần xác tức cũng như lý đối với khí. Hễ thân xác bắt đầu chịu tạo tác là tức thời có linh hồn. Linh hồn dựa theo thân xác mà phát triển cái năng lực. Theo như Tống Nho cũng thế: hễ khí tụ thì lý nhập, khí tán thì lý ly; mà "thiên hạ vị hữu vô khí chi lý, diệc vi hữu vô lý chi khí".

PHAN KHÔI –  Đừng nói khí làm gì, tôi chỉ nhận có cái không khí ta hút vô thở ra là khí thôi, còn cái khí gì khác bày đặt ra là không trúng nghĩa hết.

TÔI. – Vậy thì chữ khí chất, tinh khí, khí âm, khí dương, khí cụ, v.v… đều không đúng nghĩa cả sao?

PHAN KHÔI –  Chữ "khí cụ" khác, còn những chữ khí kia đều sai nghĩa hết cả.

TÔI. – Nếu ngài không tin có linh hồn, mà lý, khí ngài cũng cho là một điều bày đặt bậy bạ, ngài hoài nghi cả trước cả sau, ngài chỉ biết có hiện tại, thì tôi nói chuyện với ngài về đệ nhứt nguyên lý, về cứu cánh của sự vật làm sao được!

PHAN KHÔI – Tôi đã nói rồi, tóm lại tôi chỉ biết Phan Khôi hiện có đây, còn trước Phan Khôi thế nào, sau Phan Khôi làm sao, đều vô khả luận.

*

Sau câu chuyện triết học, chúng tôi có nói qua về đạo đức, về pháp luật…

Tôi không phê bình Phan Khôi tiên sinh làm gì. Xin để tùy lượng độc giả. Tôi chỉ biết rằng trước kia cái cảm tưởng viển vông của tôi đối với Phan Khôi có khác. Nay tôi vào hầu chuyện với ông rồi, sau khi biết những ý tưởng của ông và tâm thuật ông tỏ ra ở ngôn ngữ cử chỉ, tôi lui ra một cách kính cẩn tự  nhiên và có cái cảm tưởng khác trước.

NGUYỄN HIỀN

Trung lập, Sài Gòn, s. 6845

(Phụ trương văn chương số 74, thứ  bảy 1. 10. 1932)


 

(*)  ontologie: ngay nay thường được dịch là bản thể luận, bản thể học.

(*)  Chu Liêm Khê tức là Chu Đôn Di (1017-73) nhà tư tưởng Trung Quốc thời Bắc Tống.

(*) đối đích: tương đối.

(**) substantif: thể từ (danh từ phái sinh từ một danh từ hoặc tính từ khác); adjectif: tính từ.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân