THANH NIÊN TA VỚI VĂN CHƯƠNG CỔ ĐIỂN PHÁP

Nhơn cuộc hát làm nghĩa ở rạp hát Tây

 

 

Xin thanh minh trước kẻo phần nhiều anh em thanh niên có tánh nóng nảy bảo chúng tôi rằng: "Ăn nói xô bồ xô bộn! Thanh niên cũng có kẻ vầy người khác chớ..." Hạng thanh niên mà chúng tôi muốn nói đây là hạng trẻ, cho mình có học thức chút đỉnh, học lực ít nào cũng đến cỡ tiểu học cao đẳng sắp lên. Tôi không dám nói thanh niên ở các đô thành khác như Hà Nội, Huế, Nam Vang, vì chúng tôi chưa có dịp quan sát kỹ càng; chớ đối với anh em ở Sài Gòn nầy chúng tôi đã để ý dò xét kỹ và lâu lắm.

Còn nhớ năm sáu năm về trước, hồi thành phố còn giàu có, dám xuất tiền mướn bạn của bầu Eyman, Claude Bourrin v.v., chúng tôi đã  có dịp đi coi hát tây ròng rã trong hai năm trời như vậy, lần nào bước chơn ra khỏi rạp chúng tôi cũng có cái ý tưởng nầy: "Thanh niên Sài Gòn không ưa văn chương cổ điển Pháp chút nào. Khó đem các tuồng của Corneille, Racine và Molière – chỉ kể ba nhà văn sĩ nầy mà thôi – mà trồng ở đây lắm, vì thanh niên dường như không chịu hiểu, hay là chưa muốn hiểu cái giá trị những vở tuồng mà họ cho là hồi "đời ông nhạc" kia.

Cái ý tưởng nầy nhơn cuộc xem diễn hai vở tuồng Le Médecin malgré luiLe Mariage forté hôm nay, lại càng làm cho chúng tôi ôm giữ nó vào lòng chặt chịa hơn nữa và vẫn cứ đinh ninh cho mình đánh giá không đến nỗi – xin độc giả cho chúng tôi tự phụ một chút sai chạy.

Thật quả có như thế, trong đêm thứ ba vừa rồi nếu ai cắc cớ lại nhà hát Tây mà đếm số bạn thanh niên thì sẽ thấy lối hai chục anh em là nhiều hết sức... Molière có phải là tác giả "đồ bỏ" chăng? Ông bầu Claude Bourrin và các bạn đồng chí của người có phải là "tay mơ" chăng? Không phải cả. Thế sao anh em thanh niên hình như lãnh đạm với tuồng của Molière kia? Hay là tại anh em không ưa văn chương cổ điển?

Vì kinh tế chăng? Thì "hàn lâm viện" (académie) đánh trái lăn (billard) vẫn đông người chơi như mọi lúc. Thì trên lầu hứng mát B.L.C. vẫn lắm người ngồi uống "công-sô-ma-xông" như thường.... Ấy là chưa nói đến quán nem Thủ Đức, suối nước Xuân Trường (làm quảng cáo không đa!) Vì gia đình bó buộc chăng? Đây là một câu hỏi không cần đáp. Vì sao nữa? – Kiếm thêm một vài cái nguyên nhân khác tưởng cũng chẳng trúng vào đâu.

Theo kiểu Archimède, chúng tôi xin nói rằng: "Chúng tôi kiếm được rồi...". Cái nguyên nhân quan hệ hơn hết là hai tuồng cổ điển ấy không mấy vui và không có chỗ thích cho phần đông thanh niên học thức của ta.

Cái vui của phần đông thanh niên ấy lúc xem hát tây là không phải ở nơi sự kiêm mở mang tri thức để nối cái đời học sanh của mình với đời người đầu xanh ra gánh vác việc nhà, việc xã hội. Cái vui ấy chỉ ham sao cho êm tai thích mắt là hơn. Mà muốn thỏa thích như vậy không gì sướng bằng xem những tuồng lả lơi như Phi Phi, như Trois jeunes filles nues, La femme nue, v.v. Âm nhạc đã "nhẹ nhàng" đào hát lại khéo để lõa thân, mình coi thật mọc ốc hòa mình(*), tưởng tượng chẳng khác nào Lưu Thần và Nguyễn Triệu đi lạc vào cửa động Thiên Thai!

Chúng tôi đố ai làm quảng cáo khôn khéo cách nào cho họ chịu ùn ùn rủ nhau đến xem hai tuồng hát văn chương cổ điển nầy được đông như đã đi xem các tuồng "ziếu ziếu" trên kia được(1). Chúng tôi vẫn biết văn chương cổ điển không phải ở trong năm ba tuồng của Molière, Racine, hay là Corneille, và muốn hiểu văn chương cổ điển chẳng phải cần đến rạp hát mới được, song chúng tôi nghĩ rằng trừ phi mình là bực thiên tài, có sẵn khiến hiểu tiếng ngoại quốc rất giỏi, thì những tay có học ít nhiều cần phải nhờ ánh sáng sân khấu để rọi lại những điều mình đã cảm xúc trong khi đọc sách.

Có so sánh như vậy mình mới biết mình hiểu lầm chỗ nào, chỗ nào mình phải dùng cái giọng đọc gọn gàng, đơn giản, hoặc trào phúng mỉa mai, v.v. Chúng tôi tưởng sự học như thế hẳn có ích bằng mười sự học một mình. Học để hiểu; mà đã tự phụ biết chữ Pháp, thế nào cũng phải hiểu lấy văn chương cổ điển trước nhứt, vì văn chương cổ điển là nền tảng của văn học Pháp.

Trong khi đọc sách, chúng tôi thường thấy anh em ưa tác phẩm của Alexandre Dumas-père, của Ponson du Terrail, văn phẩm ấy sao cho bằng văn chương của Pascal, Bossuet, Boileau, Molière, Racine, La Fontaine, v.v., đấy là một điều khuyết điểm lớn trong sự học vấn văn chương Pháp; vả không phải trong sự học vấn văn chương Pháp trơn mà thôi, lại còn sự học vấn riêng của mình để đào tạo lấy cho mình nữa. Ai từng nói chuyện văn chương với một số đông anh em thanh niên ở Sài Gòn ngày nay mới biết sự khuyết điểm trên kia vẫn hiển nhiên như thế. Chúng tôi tưởng rằng đã không học chữ Pháp thì thôi, đã không thích văn chương thì thôi, nhưng đã học đã thích, thời thiết tưởng thanh niên ta nên chú trọng về văn chương cổ điển, về thời đại cổ điển nhiều hơn mới phải, vì, theo lời của một nhà phê bình đã nói, thế kỷ văn học nghệ thuật toàn thạnh là ở về đời vua Louis XIV. "Văn nghệ đời ấy tỉ như cái cầu bắc ngang trên sông rộng nước chảy thông thoát từ từ, hai bên câu lơn cầu có mấy pho tượng tuyệt đẹp là tượng của Pascal, Bossuet, Molière, La Fontaine, Racine, Boileau… Dưới cầu ấy con sông chảy thông thoát từ từ là cái tinh thần của thế kỷ thứ mười sáu, sau nầy sẽ truyền cho thế kỷ thứ XVIII, và mỗi ngày nước ấy như một giàu thêm vì đã cuốn được những đất phù sa của các nơi kinh quá!"(*)

Chúng tôi xin mượn mấy lời trên đây của Sainte-Beuve để kết luận bài nầy. Chúng tôi ước ao sao cho chúng tôi hiểu lầm anh em, được như vậy thì may mắn cho sự học vấn của anh em thanh niên chúng ta lắm.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, s. 6890 (8. 12. 1932)

 

 


 

(*)  mọc ốc: nổi da gà (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.), mọc ốc hòa mình: toàn thân nổi da gà.

(1)  Xin độc giả cho phép chúng tôi dùng một tiếng lạ ít hay dùng. Tiếng nầy có nghĩa là: cảm động mà sanh ra tình dục. Tiếng mới đa! (nguyên chú)

(*) kinh quá: đã đi qua.

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân