THẦY GIÁO DẠY GIỎI

Tiếng đồn cả tỉnh rằng thầy Nhứt dạy giỏi. Học trò của thầy đem ra ba mươi đứa thi bằng cấp sơ học, đậu hết hai mươi lăm đứa.

Từ ngày thầy ra khỏi trường Nọt-manh(**) đến bây giờ, thầy chỉ biết trên thế giới nầy có hai cái tạp chí dành cho thầy đọc, là cái tạp chí của mong-xừ (***) Phạm Quỳnh và cái tạp chí của sở học chánh. Cái tạp chí của Phạm Quỳnh là để cho thầy, còn cái của sở học chánh là để cho học trò thầy.

Thầy lại gồm dạy luôn giờ mo-ranh.(****) Mo-ranh của đức Khổng Tử, thầy nằm lòng, thầy đọc chạy rót và cắt nghĩa cũng thông: "Quân sử thần tử..." thầy thông làm sao mà người ngồi nghe thầy tưởng mình còn ở vào đời Nghiêu Thuấn, chớ chẳng kỳ là ở vào đời ông Khổng ông Mạnh nữa. Thầy dạy mo-ranh không những ở trường học mà ở các đám giỗ nữa. Bà vợ của thầy bây giờ đây phục thầy lắm. Còn bà trước nghe nói đi theo ông bang biện nào đó. Con gái lớn của thầy cũng theo trai hơn một năm nay. Tam tùng tứ đức đổ tan.

Vì vậy mà hễ nghe anh nào ở Sài Gòn về bày nói chuyện "kinh tế khủng hoảng" hay là nghe tên lơ nào nói tới "kinh tế mà mầy" thì thầy giận. Giận vì "luân lý khủng hoảng" kia, "gia đình khủng hoảng" kia, "văn hóa khủng hoảng" kia, không lo, không lo "bảo tồn quốc túy", lại lo ăn lo mặc. Ăn rồi ỷa, mặc rồi rách. Chớ "Khổng Tử chi đạo" là của cả mấy ngàn năm. Nước Tàu mà sống được mạnh mẽ, đặng ngày nay vẻ vang sung sướng với Tưởng Giới Thạch dưới bóng cờ "thanh thiên bạch nhựt" cũng là nhờ "Khổng Tử chi đạo" chớ gì.

Các nhà tư tưởng của Á Đông thì thầy chỉ phục Khổng Tử. Còn các nhà tư tưởng của Âu châu thì thầy chỉ phục ông cố đạo nào mà đã nói: "Trời sanh An Nam đã cố ý sanh cây roi mây mọc cận bên". Thầy tin quả quyết rằng các cách của mình dùng mà dạy con nít từ xưa nhẫn nay, như khẻ tay, gọi đầu, quỳ xơ-mít, bắt đọc thuộc lòng như két mẹ, là cách hay hơn hết trong các phương pháp giáo huấn. Có ai thông thạo việc Âu châu nói về cách của các nhà giáo huấn bên Âu châu hiểu sự dạy dỗ con nít, thì thầy cười gằn trước mặt. Thầy nói, ngày nào Âu châu tìm ra một cái máy chẻ sọ con nít nhồi sách vào trong được, thì thầy mới phục Âu châu. Chớ ngày nay thầy lấy roi mây mà nhồi [......](*) vào óc của học trò thầy, lại nhồi đằng sau đít nhồi lên, thì có phải thầy giỏi hơn Âu châu không.

Mà thiệt, nếu ai lấy mấy câu hỏi trong tạp chí [...](*) hỏi các học trò của thầy, thì chúng nó đáp chạy bay, không sai một mảy. Nếu cái thời kỳ máy móc nầy sẽ hóa loài người ra một cái máy nhái cho lẹ y theo ý của người xử khiến nó, không cần phải nghĩ phải suy biết tốt đẹp, biết cảm giác gì hết, thì thầy giáo Nhứt đây chắc là người tiên hiền đi trước nhơn loại trên đường tấn hóa.

Cái tiếng đồn cả tỉnh rằng "thầy Nhứt dạy giỏi", sẽ thành ra tiếng đồn trong khắp cả hoàn cầu.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6815 (27. 8. 1932)


 

(**) Trường Nọt-manh: ý nói “école normal”(chữ Pháp): trường sư phạm.

(***) mông-xừ: ý nói "monsieur" (chữ Pháp): ngài.

(****) mo-ranh : ý nói “morale” (chữ Pháp): đạo đức.

(*) Các chỗ này ở bản gốc chấm lửng liền gần 1 dòng

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân