THẦY KIỆN THÍ HÚ CÔ HỒN

Mấy ổng giận tôi, tôi chịu, chớ cái nghề thầy kiện là để cho mấy người già hàm lẻo mép, môi miếng, miệng mồm.

Thông Reo, tuy không có học tây học u, thấy cuốn luật nhỏ  bằng cái gối đã phát rét run en, chớ cũng là lão khẩu (già mồm mép) chút chút; vậy thì dẫu có đứng ra mà biện bác một đôi phút đồng hồ tưởng cũng không đến nỗi bất tài chi lắm đó.

Thông Reo tôi muốn làm thầy kiện thí cho một anh đốc-tơ lậu ở Nhiêu Do (New York). Bị cáo thì nằm khám Nữu Ước, còn trạng sư lại ở đất Y Nam(*), tờ Trung lập thì không được hân hạnh sang đến xứ của ông Washington, thời những lời biện hộ hôm nay, không khỏi có kẻ cho là vô ích. Vô ích thì vô ích, song mình ngứa miệng, cứ việc nói cho hả hơi. Ở đời còn thiếu chi người biết lời nói của mình là láp dáp, không ăn chịu, mà vẫn còn rán gân cổ ó ré thay! Anh đốc-tơ lậu mà Reo tôi muốn cãi giúp đây, bị cáo về tội buôn con nít. Nói tiếng "buôn con nít" thì cũng oan cho ảnh, vì anh ta chỉ kiếm con nít nhà nghèo đem cho nhà giàu nào muốn có em bé để bế bồng, đặng lãnh chút đỉnh tiền công thôi. Tiền kiếm được đó, ảnh đâu có được lấy trọn, lần nào ảnh cũng phải chia cho người mẹ đứa nhỏ một hai chục phần trăm. Mà phải làm mối không hay sao, mỗi lần đưa cậu bé cho nhà giàu thì ảnh phải lo khai sanh chứng chỉ tờ giấy đàng hoàng, rồi mới được lãnh 80 hay 90% đặng đền bồi cái công khó nhọc của ảnh, thì có gì đâu mà cho ảnh là một thằng bán đứng buôn ngồi sắp trẻ em vô phước. Ta chỉ nên gọi ảnh là một chàng mãi biện (commissionnaire) cũng như mấy chú mãi biện hàng hóa (commissionnaires en marchandises) khác thôi. Mấy chú mãi biện khác đã không có tội, thì có lý nào chú mãi biện hài nhi (commissionnaire en bébés)(*) nầy lại bị cáo? Phương chi cái nghề của anh đốc-tơ lậu của tôi đây là một cái nghề cao thượng và có nhơn lắm.

Có nhơn về chỗ nào? Anh đốc-tơ tôi kiếm những đứa con nít nhà nghèo, cha mẹ không muốn nuôi, hay là nuôi không nổi, ở nhà cha mẹ ngày nào thì bị hân hủi ngày nấy, – ảnh kiếm cái thứ con nít khốn cùng ấy, đem cho các bà các cô giàu sang, giàu sang cho đến đỗi dư tiền, kiếm người dưng mà nuôi nấng. Thằng nhỏ, đương lúc ở trong hang cùng ngõ hẻm, ở dưới bùn lầy mà được vào cửa quý nhà sang, thì có khác nào là chuột sa hũ gạo? Anh đốc-tơ của tôi, ảnh thấy con chuột đói, lại đem bỏ nó vào hũ gạo đặng cho nó được no, vậy ta thử hỏi: tội hay là công?  Công! Anh bị cáo nầy có công lớn với xã hội lắm! Nếu tôi là đức Giám quốc nước Mỹ, thì tôi sẽ troàn dựng hình đồng cho anh ta liền.

Cái người như vậy mà bị cáo bị giam? Còn cái thứ mặt người lòng thú, thấy con nít nhà nghèo đói cơm khát sữa, mà còn dám thò tay mặt đặt tay trái vào ăn cắp ngữ tiền của bà con cô bác bố thí cho chúng nó, thì lại được chở che, đản hộ!(**)

Ai cũng nói cô hồn khám lớn là linh. Vậy chớ chư vị ở đâu? Hay là ăn của nậu(***) ăn cắp cúng hôm rằm tháng bảy vừa rồi, mà kèn cựa chưa chịu mở cửa nhà số 69 đường Lăn-de cho chúng nó vô chơi cho có bạn hử!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6828 (11 và 12. 9. 1932)


 

(*) "Y Nam" nói ở đây chính là Việt Nam, An Nam.

(*) Theo thuật ngữ ngày nay, commissionnaire được dịch là "người môi giới"; commissionnaire en marchandises = môi giới hàng hóa; commissionnaire en bébés = môi giới con nuôi.

(**) đản bộ: che cái xấu (Trần Văn Kiệm: Giúp đọc Nôm và Hán Việt, sđd.)

(***) nậu: bọn, tụi, phe, nhóm (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.)

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân