THIÊN LƯƠNG

Thiên lương là bẩm tánh tự nhiên của tạo vật ban phú cho loài người để phân biện việc nên hư, phải quấy. Nhờ cái tánh thiên lương ấy mà loài người mới biết vật hiền vật ích mà tìm tòi để nuôi mình, vật độc vật hại mà lánh xa cho khỏi chết.

Loài cầm thú cũng được hóa công ban cho cái tánh ấy, song bởi ta thấy chúng ngu muội chẳng hay canh cải, hoặc ta cho chúng thấp hèn chìu lụy dưới tay ta, mà ta gọi cái tánh ấy là bổn năng?

Bổn năng hay thiên lương, theo Thông Reo, thì cũng đồng một gốc cả. Song gần bén xa dời (tánh tương cận, tập tương viễn) là lẽ cả, con người mà tập dữ tánh thành rồi, thì bổn thiện bổn lương gì cũng trụy lạc tiêu ma hết ráo.

Trong số trước báo Trung lập có thuật chuyện một người đàn bà độc ác dám hành hạ tàn sát một đứa con gái của chị ta nuôi mới lên 5. Duyên cớ như vầy: Lúc chồng chị ta đi vắng, có khách tới hỏi thăm. Chị ta trả lời rằng: "Ở nhà tôi đi khỏi mấy bữa rày chưa về". Con nhỏ đứng gần nghe má nó đáp vậy, bèn vọt miệng nói một câu vỏn vẹn: "Má à, hồi hôm tôi nghe ai nói chuyện với má ở trong mùng, tôi tưởng ba tôi về chớ". Dóng như ai không nóng tánh, thì chỉ có la át nó: "Ê, đừng có nói xàm, bộ mầy nhớ ba mầy rồi mầy mớ". Cái nầy không, chị ta giận điên tiết lên, mà không giận làm sao: giận để tỏ lỗi mình, giận để chứng lời con nhỏ nói không ngoa kia chớ, – chị ta thộp con nhỏ đánh cho một cấp, rồi lột trần truồng bắt ra đứng dầm mưa.

Tội nghiệp cho con bé mới lên năm mà sức vóc được là bao! Nó dầm mưa lâu quá bị lạnh xám cả mình, bèn chạy núp dưới mái hiên nhà, ngồi xó ró mà miệng run cằm cặp! Con ác phụ kia vừa chợt thấy, liền áp lại xách hai dò con nhỏ, đem dộng đầu vào lu nước cho dãy dụa một hồi, rồi còn nướng kìm sắt kẹp bắp vế non, lấy đinh đóng trong lòng bàn tay con nhỏ nữa. Chịu đau không nổi, con nhỏ tắt hơi rồi.

Ôi! Văn minh! Văn minh! Có phải mầy là văn minh mà ông Gandhi (bên Ấn Độ) đã gọi mầy là văn minh giết người chăng?

Đồng thời với con mẹ giết con một cách rất tàn nhẫn nầy, lại có một chàng nông phu ở miệt Củ Chi có nuôi một con chó cái, tên Luốt, khôn lắm. Hễ chủ nó đi đâu thì con chó Luốt nó chạy theo bén gót.

Bữa sớm mơi nọ nhà nông ta thắng đôi bò vào xe chở cày đi cày ruộng, cách nhà chừng 6 cây số. Con chó Luốt nó có chửa bụng chành bành mà cũng chạy lại mơn trớn với chủ đòi theo. Chủ nó đem nó đi một xe. Ra tới ruộng, chủ nó tháo bò ra cày, thì con Luốt cũng chạy xẩn quẩn xanh quanh mà chơi giỡn. Chiều lại chủ nó gác xe sửa soạn trở về nhà, kêu con Luốt thì nghe nó lên tiếng sủa ở trong bụi. Chủ nó kiểm xem, té ra nó mới đẻ được bốn con chó con. Chủ nó không muốn chở chó con về nhà, mới bắt con Luốt bỏ lên xe mà chạy thẳng.

Về tới nhà con chó Luốt liền chạy băng đường cũ mà trở lại tìm con. Nó mới đẻ yếu dường nào, mà mỗi lần đi tha được một con về là phải chạy 12 cây số. Chạy đi chạy lại như thế cho đến tha được con chót hết về nhà, thì Luốt ta chỉ có rên một tiếng, rồi ngã duội xuống đất chết tươi. Con thú đáng thương thay! Còn con người sao ác bấy!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6864 (4. 11. 1932)

 

© Copyright Lại Nguyên Ân