THỜI DỮ BẤT THỜI

Ai khổng biết người ở đời "khác nhau chăng vì một chữ thời". Mà "chữ thời là chữ làm sao"? "Chữ thời là cái chi chi" hử? Ôi thôi, đừng có hỏi! Xưa nay những tao nhơn mặc khác bàn luận biết bao rồi, mà có ai tỏ cho mình nghe chữ thời là cái chi chi đâu.

Thông Reo tọc mạch muốn biết, nên nghĩ vẩn nghĩ vơ hoài. Ở đời có giống gì mà tuần tự hơn thời tiết của trời sanh. Có người ví thời tiết ấy như cái máy đồng hồ: xuân, hạ, thu, đông vần xây liên tiếp. Thế mà có năm vầy, năm khác, năm lạ, năm thường. Bị vậy mà cây cối là một loài sanh vật rất đơn sơ, cũng phải tùy thời tiết được đơm bông trổ trái.

Ừ, thì biết cây nào sanh trái nấy, nhưng... những sớm cùng muộn, như đốc với lai, ai mới hiểu làm sao? Phương chi con người là một bộ máy sanh hoạt rất tế vi huyền diệu, thì cái thời kỳ nên, hư, chìm, nổi của nó mới khó hiểu là dường nào!

Song nhờ cái tánh linh nhơn ư vạn vật tối linh – muốn biết thời vận của người nào, duy có coi màng màng thì biết.

Bạn đồng nghiệp rất có giá trị của Thông Reo là ông Nguyễn Phan Long sao dạo nầy coi màng màng ông suy quá. Thì trong báo Đuốc nhà Nam ra ngày 6-7 Novembre vừa qua, ông có viết một bài nhắn "cặp bài xạo" nào ở bên Công luận mà binh vực cho cái màu trinh bạch của danh giá nhà ông.

Ác nghiệp thì thôi! vì không thạo tiếng Ăng Nam cho nên ông chưa có hiểu: những tiếng mà người mình hay nói gặn (appuyé), nói nhồi (renforcé) hoặc nói lố (evagéré) là không phải chỉ nói cho mạnh nghĩa đâu.

Ví dụ như ông gặp một người bạn cố giao, ông mừng hỏi: "Cha chả! hèn lâu không gặp, độ nầy anh mần ăn khá há?" Như người ấy trả lời: khá, thì thiệt khá. Trái lại nếu ảnh đáp: khá khá, thì chắc là bồ hố(*) rồi.

Hai chữ trinh bạch ở trên kia cũng thế: nói cho lố đặng mỉa chơi mà. Thì đây ông Nguyễn Du ổng đã chơi: "Thân lươn bao quản lấm đầu, chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa". Cô bác anh chị vẫn biết: lúc cô Kiều đoan thệ với mụ Tú Bà đây, thì dũ tóc cổ đã thấy có hai bợm Mã Giám Sanh với Sở Khanh nằm ở trỏng. Trinh bạch dữ!

Ông Nguyễn Phan Long tôi cũng vậy. Thuở thạnh thời, chưa "kinh tế", ông đã từng tế tác kinh dinh. Ổng nói ổng không hề có "nhơn công tựu tư" – thừa khi làm việc công mà làm được việc riêng, – ấy là ổng nói. Chớ ai khổng biết ổng trinh bạch mới cổ phần thương khẩu, tư thục Phan Long, biệt thự ở Xóm Gà, Rô-mê-ô tinh số chín (9999).

Ai khổng biết ổng, nghe nói Xóm Gà rồi lầm tưởng dân xóm ấy là gà phèn hết thảy. Ổng dụ người lấy đất, ổng gạt chúng mượn tiền, chúng chứng đòi lại trở mặt đánh người ta, ở như vậy mới là trinh bạch chớ.

Ý hạ! (ý hạ chớ không phải ý ẹ). Ý hạ! Thông Reo tôi dám sợ cho tấm lòng trinh bạch của nhà chánh trị Nguyễn Phan Long! Song lúc nọ ổng có thời, làm giống gì không được.

Lạ thiệt! Ông Long bao giờ cũng là ổng, mà có thời thì bạch diện thơ sanh, mắt phụng mũi rồng, nhơn nhơn chí sĩ... Chừng hết thời rồi "thằng con nít" nó cũng kêu Long rỗ, mắt phụng thành mắt một (nhứt voi một ngà...) mũi két choán mũi rồng. Đã vậy mà còn bị những tên riêng là tên riêng: nào ống nhổ, bình vôi, hết ăn- ca-tơ thời điềm chỉ. Thiệt là:

Bụi lờn mặt rỗ da dày đục,

Gió táp mày rô mũi cụp queo!

Nói tới gió bụi, mình nhớ hiệu Phong TRẦN! Sui!!! Đâu cho tới cái hiệu để mà tập viết quốc văn (báo Impartial có nói ông bỏ tiếng mẹ đẻ mà chuyên về văn Pháp) cũng là khiến lựa nhằm cái hiệu gì mà xui xẻo! Phong Trần, phong trần!

Ngỡ mình trong giá trắng ngần,

Nào hay mình cũng phong trần như ai!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6868 (10. 11. 1932)


 

(*) bồ hố (biến âm từ tiếng Triều Châu): bất hảo, không tốt (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.)

 

© Copyright Lại Nguyên Ân