THÔI ĐỪNG HỎI NỮA

Có nhiều câu hỏi mới nghe coi dịu nhiểu mà bắt xiểu(*) cả người ra. Cũng như cái câu của cô Bích Thủy đã hỏi ông Nguyễn Đức Nhuận hôm nọ: "Sao ông Nhuận chưa chịu là ăn cắp đi?" Thiệt khổ thì thôi! Cô nhè cái chỗ "vô khả nại hà" mà hỏi bức người ta, thì duy có nước chết chớ trả lời đâu đặng.

Nhưng đặt ra hễ vấn thì phải đáp. Ông Nhuận đã nói với cô rằng ông bán bông giấy lỗ mất 80 đồng. Cô kêu trời như bộng, cô giận dủi, tức tối nói sao ổng coi như chung quanh ổng chẳng có người. Thưa cô, phải vậy đâu! Sự thiệt là vì ổng thấy cơ mưu ổng bại lộ, thiên hạ ó vang dầy, ổng sợ quýnh cái đám người sa số hằng hà mà lặp cặp nói mê nói sảng:

– Thưa các bực thức giả, tôi xin thú thiệt với các ngài rằng bổn tánh tôi không chịu ở không, ở không buồn quá, nên tôi còn sống ngày nào là tôi xin phục dịch xã hội ngày nấy thôi.

Dạ, thưa cô, người ta đã tình nguyện trọn đời làm tôi xã hội cho đỡ buồn, mà cô còn chưa chịu nữa hay sao?

Cái con người có tánh hay xoay trở, rủi gặp hồi "kinh tế" nầy là khó chịu hơn ai hết thảy, vì ở không thì buồn mà đi buôn thì lỗ mới khổ chớ? Cô tin cái lỗ của ông ta chưa? Ừ, ổng thầu hội chợ, phải, lời rồi, cái đó còn ai chẳng biết. Song ổng bị thời hư quỷ lộng; mấy anh quân sư quạt mo mà trước kia mưu làm giàu cho ổng bởi cuốn tập "bài ca học bổng" chừ lại xúi giục ổng ra đánh trống lấp với công chúng cho được mới nghe. Đó hổm rày cô không thấy; nào là rao hàng bán phá giá, lo dẹp tiệm để ra báo hằng ngày, bán báo rẻ cách chiêu hàng, chuộc mấy tay viết báo "có lương tâm" cũng như thể mấy ông bầu mua con hát, v.v... Làm điên khùng như vậy, cô nghĩ coi thử, lỗ hay lời?

Lời lóm gì thứ của thiên đem trả địa.

Cô lại hỏi: sao... chưa chịu...? Chịu, lấy tiền đâu ổng trả? Có phải là cô hỏi chết người ta không!

Trong sấm truyền có kể tích Giu-đa vì tham có ba chục bạc mà bán thầy cho quân dữ. Khi lãnh bạc chắc anh ta cũng tính: thầy mình việc gì đều biết trước, vô cùng phép tắc, ai mà bắt đặng ư? Nào dè kỳ chịu nạn đến giờ chúa Giê-su để bắt. Kế quỷ rủi thời bị thất, việc chẳng đặng như lòng, anh ta mới chạy cong, đi kiếm người trả bạc. Trả chẳng đặng trở ra bát ngát, đứng dật dờ như thể đứa không hồn. Nữ tín đồ đâu kéo lại hỏi nôn: Anh Giu-đa! anh bán thầy nghe tiếng họ đồn, thầy đâu hử hỡi anh bạc ác!

Không hiểu cái câu hỏi thật thà của phô(*) người nữ ấy nó có cái mãnh lực gì, mà vừa nghe tới thì Giu-đa ta bỏ chạy vô đền thờ, vãi bạc xuống đất, rồi trở ra đi thắt cổ.

Thưa cô Bích Thủy, cô có nói: "Hễ chịu thiệt thì cô thứ tội". Cô đã có lòng nhơn như vậy, thôi đừng hỏi nữa nghe cô!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6753 (14. 6. 1932)


 

(*) chỗ này tác giả tạo sự hiệp vần trong thành ngữ 4 tiếng: "dịu nhiểu bắt xiểu"; dịu nhiểu (dạng chuẩn: dịu nhỉu): rất mềm mại trong cử động; bắt xiểu (dạng chuẩn: bắt xỉu): khiến cho lả đi, rũ xuống (Từ điển tiếng Việt, Đà Nẵng, 2006).

(*) phô: tiếng xưng hô nhiều người, ví dụ "phô ông": các ông; "phô ngươi": các ngươi; "phô đoàn ấy": các đoàn ấy (H.T. Paulus Của, sđd.)

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân