THÔI XIN ĐỂ VẬY CHỚ ĐỪNG CẮT NGHĨA

Những thứ ta dùng, cho đến những sự lý trong thiên hạ, điều nào khó hiểu, thật nên cần có cắt nghĩa, nhờ cắt nghĩa mới hiểu được. Song nếu sau khi cắt nghĩa rồi mà vẫn cũng không hiểu, hoặc thêm rối loạn mà không hiểu được hơn hồi chưa cắt nghĩa, như vậy tưởng không nên cắt nghĩa làm chi. Gặp khi ấy, chúng tôi xin chắp tay thưa với ai đó rằng: Thôi xin để vậy chớ đừng  cắt nghĩa.

Một tờ báo quốc ngữ ở Sài Gòn mới ra, hình như làm cơ quan của tôn giáo nào đó thì phải, cho nên đầy tờ báo những bài nói về đạo lý. Phàm muốn làm thông ngôn cho đạo lý thì trước hết phải cho người ta hiểu cái gốc của đạo lý là gì. Thế thường hay nhìn nhận võ trụ là gốc của đạo lý. Bởi vậy, bạn đồng nghiệp mới của chúng tôi bắt đầu làm thông ngôn hai chữ "võ trụ" trước.

Số thứ nhứt, tờ báo ấy cắt nghĩa về võ trụ. Võ trụ là gì? Bạn đồng nghiệp chúng tôi không ngần ngừ gì hết, nói ngay rằng:

"Võ trụ tức gọi bầu trời. Võ trụ là bờ cõi. Võ ấy cõi. Trụ ấy bờ".

Nội chừng nấy đã thấy lộn mồng lộn lách, làm cho chúng tôi không biết đường nào hiểu được. Mà ai lại hiểu được?

Người ta kêu "bầu trời" là chỉ cái khoảng không, gồm có cả trời đất, mặt trời, mặt trăng, và hết thảy các vì tinh tú, tức tiếng Pháp kêu là "univers", chớ sao lại nói "Võ trụ là bầu trời" được?

Đã là "bầu trời" tất võ trụ không phải là "bờ cõi". Bởi vì bờ cõi chỉ dùng mà chỉ một quãng đất nào đó mà thôi, sao lại dùng mà chỉ được cả bầu trời? Cõi là một cõi đất, như người ta thường nói cõi Đông Pháp, cõi Mãn Châu, cõi Mông Cổ, v.v., sao lại nói "võ là cõi" được? Bờ là giới hạn, là ranh, theo tiếng Pháp là limite, là frontière, sao lại nói "trụ là bờ"?

Cắt nghĩa cho đến bốn câu mà không có câu nào trúng hết, thật là kỳ quái cho cái cắt nghĩa!

Xuống dưới, bạn đồng nghiệp mới nói thêm "cõi" là cõi vô cùng minh mông, tức là không gian; còn "bờ" là có nơi, có chừng, có xác thể, rồi tổng kết rằng: "Trụ có hình thể; võ có thần cảm linh".

Chẳng biết do theo sách nào mà cắt nghĩa kỳ quái như vậy! Theo chúng tôi, cắt nghĩa như vậy là xáo bậy cả sách vở xưa nay, làm cho người ta rối trí như tơ. Vả chăng, "võ trụ" chẳng là chữ Nho, thế thì nghĩa nó thế nào, ta phải theo sự giải thích trong chữ Nho xưa nay mới đúng.

Trong sách Nho, giải rằng: "Thượng hạ tứ phương viết võ, vãng cổ lai kim viết trụ". Nghĩa là "Võ là trên dưới và bốn phương; trụ là xưa qua nay lại".

Cứ theo đó thì võ tức là không gian (l'espace), trụ tức là thời gian (le temps), chớ chẳng có gì lạ hết.

Như vậy võ trụ đã không phải bầu trời, mà cũng không phải bờ cõi; đến như sự chia ra "võ ấy cõi, trụ ấy bờ" thì lại là sự xưa nay chưa hề thấy!

Lại đến như nói trụ có hình thể thì, mới càng vô nghĩa cho. Vả cái thời gian, cái temps, cái vãng cổ lai kim, là cái do người ta đặt tên ra, thì sao lại bảo nó có hình thể được?

Võ là không gian, là espace, là thượng hạ tứ phương, chẳng có thần cảm linh gì hết, song theo ý bạn đồng nghiệp, muốn cho là có thần cảm linh thì cũng có thần cảm linh đi. Nhưng dầu thế nào nữa, cái nghĩa như vậy, xin đừng cắt nghĩa là hơn, bởi vì càng làm cho người nghe không hiểu chi hết.

THÔNG REO

    Trung lập, Sài Gòn, s. 6655 (13. 2. 1932)

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân