TÍNH SAO CŨNG ĐƯỢC

Dân Nam kỳ ta, 4-5 năm về trước, nhờ nghề nông phát đạt, lúa cao gạo kém mà ai nấy rộng tiền xài. Xài phí quen rồi sanh ra tánh lỡ chời hời hợt. (*)

Bị vậy mà lũ con buôn đủ sắc theo lợi dụng dân Nam Mít đủ vành. Thôi, khoan nói chuyện Tây, Chà,(*) vì hai hạng ấy họ chơi với bực thượng lưu là số ít; để mình nói chuyện Việt Nam ta với Khách trú thử xem sao.

Bọn Khách trú ở đây họ có mấy câu khẩu hiệu thiệt là thần, thần cho đến đỗi lặp đi lặp lại mãi không nhàm mà xài xạc lung vẫn còn linh mới lạ: "Hà! mộc chúc mộc lỉnh hài gì. Xính xài lấy li mà, ba diêu ba diêu lá!" (*) Ấy, cái gì cũng xi xô xi xoa mà Chệt ta giàu lầm ầm có ai hay.

Còn Việt Nam ta? Việt Nam ta chuốt ngót lại càng hay: "Thôi mà anh hai, anh với tôi xa lạ gì hòng thách thức, anh liệu trả bao nhiêu thì trả mà"; hay là: "Coi kìa chị hai, chị hổng nhìn em là em chị nữa hê sao? Chị ưng bụng lấy về xài, tính bao nhiêu cũng được". Tính bao nhiêu cũng được, thiệt nó ngọt như đường! Mới nghe dường mật rót vào tai, không hiểu thế làm sao cái câu "Quen mặt đắt hàng" lại thành ra tục ngữ?

Báo Phụ nữ tân văn ra số 82 năm kia kỳ xưa (18 Décembre 1930)(**) có lời thanh minh thiết yếu với bạn hàng của mình rằng: "Đến như những số tiền gửi mua báo mà nay còn dư lại thì để sau hạn ba tháng, cho chúng tôi định trí khuây lòng đôi chút rồi sẽ tính toán phân minh, vị nào còn dư lại bao nhiêu, chúng tôi xin gởi trả đủ chừng nấy, không thiếu một xu. Trong số tiền dư lại đó, nếu như có vị độc giả nào suy nghĩ đến việc học bổng, (còn phải cấp dưỡng hai người thanh niên (còn người em vợ họ Cao?) học sanh ở bên Pháp kia, mà sẵn lòng không đòi lại... thì chúng tôi cũng cảm ơn".

Nhờ giới giới(***) có hai chú học sanh (hai chớ không phải ba đa!) mà những số tiền dư kia đâu có trả.

Kịp đến hồi P.N.T.V. sống lại, P.N.T.V. bị cấm lưu hành ngoài Bắc, P.N.T.V. đâu đó thấy sụt dài, ông Nguyễn Đức Nhuận phải bớt 50% lương của bác Phan Khôi, ông Nguyễn Đức Nhuận phải vẫy vùng bằng những cách: đấu xảo nữ công ở "hội chợ Nghệ Tịnh", ở "hội chợ Phụ nữ", ra P.N.T.V. hàng ngày, nhạc trỗi phèng la, rao dẹp tiệm để kinh dinh nghề báo.

P.N.T.V. ra ngày 3 Juin 1932 đã tuyên bố: "Bản báo đã có dự định rồi. Sau vài ba tuần lễ nữa, quá lắm là một vài tháng nữa, tờ P.N.T.V. hằng ngày sẽ thành hình là một tờ báo đúng đắn còn hơn ngày nay thập bội. Lúc bấy giờ cái tập 32 trương ra ngày thứ năm, sẽ đổi lại theo thể thức mới, đã hay lại đẹp hơn ngày nay".

Đó, trên chỗ mực đen giấy trắng mà họ còn dám phản ngôn bội ước với anh em chị em thay! Họ chắc ăn sấp chúng ta cũng như họ ăn lũ con nít kia mà. Đòi! Anh em chị em, tiền của mình mình đòi, không đòi chúng cười mình dại.

Gặp buổi thời cơ khuẩn bách, tình thế nguy nan nầy mà chơi cái môn "Thế nào cũng được" ấy thiệt là bợm bãi hết chỗ nói!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6774 (8. 7. 1932)


 

(*) lỡ chời: có lẽ như "chời lỡ" (= nông nổi) (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.); Nam Mít: ý nói Annamite; Tây: người Âu Tây; Chà: người Mã Lai, Ấn Độ; Khách trú (cũng gọi Chiệc hoặc Chệt): Hoa kiều.

(*) Câu này nhại giọng nói tiếng Việt không rõ của Hoa kiều: Hà, một chút một đỉnh hại gì. Thích xài lấy đi mà, bao nhiêu bao nhiêu đó.

(**) Lưu ý: theo nghị định ngày 6.12.1930 của Phủ Toàn quyền Đông Dương thì tuần báo P.N.T.V. bị đóng cửa vĩnh viễn, vì vậy số 82 (ra ngày 18.12.1930) là số cuối cùng, ở đó chủ báo phải có lời với những người mua báo đã đóng tiền trước. Về sau, Phủ Toàn quyền sửa nghị định nói trên, theo đó P.N.T.V. bị đóng cửa 5 tháng, tức là đến 6.5.1931 thì hết hạn chịu phạt. Tuần báo này ra tiếp số 83 vào ngày 21.5.1931.

(***) hai từ "giới" liền nhau ở đây không thật rõ nghĩa.

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân