TỘI NGHIỆP ÔNG KHỔNG

Ông Khổng đây là ông Khổng Tử chớ không phải là ông Khổng Minh.

Cái vai tuồng của ông Khổng Minh trong lịch sử, đem ra hát bội được; mà hễ nhơn loại còn thì cái nghề hát còn, cho nên cái tên Khổng Minh trong tuồng Tam quốc thế nào ở Cực Đông nầy cũng còn ở trong đầu óc thiên hạ được lâu.

Còn cái vai tuồng của Khổng Tử trong lịch sử, đem ra mà hát bội thì chắc là các người đi coi họ ngáp mà bỏ rạp ra về hết. Từ thuở Thông Reo còn bé đến giờ, không hề được thấy cái tên của Khổng Tử trên chương trình của gánh hát nào hết. Mà lạ cũng không nghe ông già bà cả nào nói chuyện hát bội hát sự tích của đức Khổng Tử.

Nước Tàu tôn trọng đức Khổng Tử mấy ngàn năm, lập đền thờ ngài, quý con cháu ngài, cho đến xuất tiền công nho ra cúng lễ ngài và nuôi con cháu ngài nữa.

Nay thanh niên Tàu đánh đổ lý thuyết của ngài và tư tưởng của ngài không hạp với sự sống của một dân tộc độc lập trong thời nầy. Thành ra cách chẳng mấy năm mà mình thấy rõ rệt dân Tàu xưa kia quý thờ Khổng Tử bao nhiêu nay lạt lẽo với Khổng Tử bấy nhiêu.

Những bịnh bên Tàu thường hay tràn lan nước Việt, Thông Reo lo xa, sợ cho cái tên của Khổng Tử ở Việt Nam rồi cũng đến phải trụy lạc, cho nên muốn đem ông ta lên sân khấu cải lương, mà duy trì lại chút nào hay chút nấy. Song đã ở vào buổi kinh tế khủng hoảng mà người đi xem hát, như người mua hàng, lại kén lừa keo kiệt quá, làm cho mình những bần dùng(*) lưỡng lự mãi. Mà nhát phải, vì mỗi khi Thông Reo bàn với kép hát, hỏi họ có ai lãnh đóng vai tuồng Khổng Tử thì họ bựt cười. Chớ phải chi nói tới vai tuồng công tử thì họ đều giành mà lãnh.

Tội nghiệp cho ông Khổng! Từ hồi nào tới bây giờ ông vẫn bị người ta muốn phá đạo ổng hoài!

Thông Reo chỉ nhớ có một bực danh nhơn thuật chuyện nầy để phá: "Ở nước Chu có một người ngay thẳng kia, thấy cha mình ăn trộm dê, mới đi thưa quan. Quan tuy nhìn nhận anh ta là trung thành với phép nước, nhưng xử trảm anh ta vì tội biết hiếu. Ở nước Lỗ có một người kia theo vua đi chinh phạt. Ba lần xáp trận, anh ta ba lần chạy trốn. Khổng Tử hỏi vì sao, anh ta trả lời: Tôi có một cha già, nếu vì vua mà chết thì không ai nuôi dưỡng cha tôi. Khổng Tử phải cho anh ta là con có hiếu".

Thông Reo một hôm nọ hỏi một anh nhà quê đặng cho biết Khổng giáo còn sâu trong óc bình dân thế nào: Như anh đi chung một thuyền với vua, với cha, với vợ của anh, anh biết tội, rủi chìm thuyền, anh cứu ai trước hết?

– Lo mà lội một mình vô bờ biết xong chưa.

– Ậy, tỷ như anh đủ sức cứu luôn một người mà chỉ một người thôi, thì anh cứu ai trước hết?

– Sợ nói thiệt, rồi ông chủ bút cười chớ.

– Không đâu!

– Ông không nghe họ thường nói: "Nóc nhà xa hơn chợ,..." là thế sự chi thường tình mà!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6834 (18 và 19. 9. 1932)


 

(*) bần dùng: chần chừ, do dự

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân