TÔI THẤT VỌNG VỀ ÔNG NGUYỄN TIẾN LÃNG

 

I. Ôi! Cũng vẫn còn là cái học vào lỗ tai ra lỗ miệng

Trong nước này, ai là người quân tử, mỗi khi nghe trong đám thanh niên có vị nào lỗi lạc xuất sắc, danh nổi như phao vì tài học, thì cũng phải có lòng mừng: mừng cho trong nước có người. Tôi dầu có thế nào chăng nữa, cũng quyết không tự nhận là tiểu nhân, có ai xô đẩy tôi là tôi cũng chen tới cho được mà theo sau hàng quân tử, bởi vậy nên tôi cũng có lòng mừng như các ông ấy, tôi đã mừng về ông Nguyễn Tiến Lãng.

Hiện nay trong làng học chữ Pháp, trừ các ông Nguyễn Phan Long, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố... ra, người ta muốn co tay kể ông Nguyễn Tiến Lãng lần thứ nhất. Nguyễn Tiến Lãng là người mới vừa giật giải nhất trong cuộc thi đoản thiên tiểu thuyết của tạp chí Indochine ở Sài Gòn đây mà!... Cuộc thi ấy phần nhiều người Tây dự, vậy mà Lãng ta bươn lên đứng được nhất, đủ biết văn tài của va cừ lắm rồi, cứ một việc ấy cũng đủ cho tôi mừng; tôi mừng là phải, cũng như người khác mừng là phải.

Trái đất xoay mình đâu chừng mươi lăm vòng, nghĩa là kể từ nghe cái tin Tiến Lãng đậu đầu đến nay chừng nửa tháng, thì bỗng đã làm cho tôi thất vọng! Tôi hay vậy, dạo trước đừng nghe là hơn, mà cũng đừng mừng chi hết là hơn!

Xin độc giả chịu khó giở tờ Đông tây số 143, ra ngày 27 Janvier 1932 vừa rồi, mà đọc lại cái bài của tôi nói về sự học nơi hai cột 6-7 ở trang nhất, thì liền thấy sự thất vọng của tôi là có căn cứ, khỏi cho tôi nói nhiều ở đây làm nhàm tai độc giả.

Đoạn gần chót bài ấy, tôi có nói rằng: "Đại phàm cái học phong đồi tệ mà có trải qua một lần cải cách cho thật hùng vĩ thì nó mới chịu chữa đổi. Từ lâu nay, ta chưa hề có sự cải cách ấy, cho nên cái thói cũ nó cũng vẫn còn hoài trong óc ta. Mặc dầu hun đúc bằng cái chế độ giáo dục mới, tập rèn bằng kiểu sư phạm tối tân là tôi thấy cái học cũng vẫn còn là cái học vào lỗ tai, ra lỗ miệng, cái tri thức cũng vẫn còn là cái tri thức mập mờ mà thôi vậy”.

Trong chữ Hán có một cái thành ngữ người ta hay dùng lắm, là "bất hạnh nhi ngôn trúng". Nói trúng mà cho là sự chẳng may, thì trong lời nói ấy, độc giả hẳn thấy có chỗ thương tâm đến     bậc nào!

Mấy câu tôi nói đó, hôm nay có ông Nguyễn Tiến Lãng để làm chứng cho nó, thế là tôi nói trúng. Ngặt vì sự tôi nói trúng đó lại là sự chẳng may, tôi còn dạ nào mà nói khoe sự tiên tri tiên kiến của mình?

Thật, bà con chớ thấy Nguyễn Tiến Lãng viết Pháp văn hay, chận đầu các văn sĩ cả cõi Đông Pháp trong cuộc thi đoản thiên tiểu thuyết mà mừng vội. Tôi nói thật, từ nay mà đi, nếu Lãng không tỉnh ngộ ra mà quay đầu về con đường thực học, thì ba chữ "Nguyễn Tiến Lãng" trong làng văn học nước Nam kể cũng như cái thai non bị sảo, chớ chẳng có gì mà mừng!

Tôi đọc bài Một cái ý kiến về cái nạn Phan Khôi đăng ở Trung Bắc ngày 20 Mars, và bài Autour d’une polémiquel'Annam Nouveau đồng ngày ấy của va mà tôi thất vọng. Sau khi đọc hai bài ấy rồi, tôi vừa gấp tờ báo lại mà vừa than rằng: Ôi! cũng vẫn còn là cái học vào lỗ tai, ra lỗ miệng đây, có gì mà mừng!

Như tôi đã nói nhiều lần, cái học của ta ngày xưa có giỏi có hay cho mấy là cũng chỉ giỏi và hay về văn tự, ch kẻ học không chịu đem những điều nói trên văn tự mà ráp vào cái hiện tượng chung quanh mình. Cái học ấy gọi là học hư văn. Bởi đó mà thành ra sự tri thức không được thiết thực, không được tới nơi tới chốn. Ngày nay ta muốn cái học của ta cho có thực dụng thì ta phải làm trái cách cũ đó mới được.

Vậy mà tôi đọc văn ông Nguyễn Tiến Lãng thì thấy ra như ông chỉ biết chữ Pháp mà thôi, người Pháp nói gì thì ông nói theo nấy, chớ ông chẳng hề đem mà ráp vào với cái hiện tượng chung quanh mình coi thử có đúng hay không đúng.

Trong bài quốc ngữ ở Trung Bắc, mở đầu ông nói rằng: "Tôi xin mượn tờ Trung Bắc để bàn với xã hội đôi lời về cuộc bút chiến của ông Tản Đà cùng ông Phan Khôi".

Quái! Từ hồi nước ta có báo đến giờ chưa hề có cuộc bút chiến nào giữa Tản Đà với Phan Khôi hết, sao ông Lãng nói như vậy? Quái!

Thôi, tôi cho ông Lãng kém chữ nho đi, ông chẳng hiểu cái gì là cái "bút chiến", nên ông nói bướng cho đành, thì còn chữ Pháp, ông giỏi lắm, ông nói đúng mới phải. Vậy mà ở l'Annam Nouveau, cũng nói đồng một việc ấy, ông lập đầu đề là Autour d'une polémique, lại trong bài có dùng đến chữ "Fameuse polémique" nữa kia!

Tôi thấy vậy, tôi phải đoán quyết rằng thật tình ông Lãng chẳng biết "polémique" là cái gì, ông chỉ nghe Tây nói như vậy thì ông nói theo đó thôi, chứ đem mà ghép với cái hiện tượng trên đời, hỏi thế nào là "Polémique", tôi đố ông Nguyễn Tiến Lãng có biết! Phải ông biết thì ông đã không còn nói như vậy!

"Polémique" là "Dispute de plume". Đã nói "dispute" nghĩa là "Débat contradictoire",[*] thì phải là có hai người trở lên cãi cọ nhau, người này nói thế này, người kia nói thế kia, để tranh về phần mình một cái lẽ phải, và khi cãi cọ nhau đó, nói thế này thế kia đó, không dùng miệng mà dùng bút: Bởi vậy, "polémique", trong tiếng ta mới kêu bằng "bút chiến".

Lại phải hiểu đến chỗ này nữa: hai người hay nhiều người tranh biện cùng nhau về một vấn đề gì kia thì mới gọi được là "polémique" hay "bút chiến". Bởi vậy trong tự vị, khi giải chữ "polémique" liền theo chữ "Dispute de plume", người ta để hai chấm (:) rồi tiếp lấy những chữ: "Polémique littéraire, religieuse". Nói vậy để tỏ ra rằng nếu tranh biện mà không về một vấn đề gì thì không gọi là polémique được.

Chiếu chi hai cái thuộc tính của sự "polémique" mà tôi đã lấy từ trong tự vị Lang Sa ra để trước mắt mọi người đó thì quả nhiên ông Lãng đã dùng chữ ấy vào trong bài của ông, thật là dùng bậy!

Sự này rành rành trước mắt độc giả: Từ hồi ông Nguyễn Khắc Hiếu công kích tôi cho đến đòi chém tôi tới giờ,[*] tôi có hề viết một lời nào tranh biện với ông đâu (cái cớ tại sao, có ngày tôi sẽ nói ra) mà Lãng ta lại cho là "bút chiến" và "polémique" được?  Chỉ có một mình ông Nguyễn Khắc Hiếu nói trời nói đất gì đó mặc ông, chứ Phan Khôi này có hề hở môi ra đâu mà Lãng ta lại nói được rằng "Cuộc bút chiến của ông Tản Đà cùng ông Phan Khôi"?

Vả lại, trong những bài ông Hiếu viết công kích tôi đó, chẳng thấy nêu ra một cái vấn đề nào để làm cái đối tượng (objet) mà luận biện hết, thì lấy gì mà kêu được là “polémique"? Mà cái việc nó đã không xứng đáng kêu là "polémique" thì sao lại dám vượt lên một bậc nữa mà kêu là "Fameuse polémique"?

Một chút đó đủ thấy cái học của Nguyễn Tiến Lãng thật chẳng có tâm đắc gì hết. Va viết văn tây có tài thật, song chỉ có tài trên văn tự đó thôi. Cái chữ "polémique" vào trong lỗ tai va từ hồi va còn ở nhà trường, rồi nó chọn cái lúc ra được thì nó ra từ lỗ miệng va là lúc bây giờ, là lúc va viết báo, chứ chẳng có cái gì giỏi hết!

Tôi rõ thất vọng ! Mà còn thất vọng nữa, xin đọc bài sau.

PHAN KHÔI

Đông tây, Hà Nội, s. 160 (6. 4. 1932)

 

II. Ngay thật đâu không thấy, thấy những gian vu

Từ ngày có cuộc bút chiến về sách Nho giáo – cái này mới thật là bút chiến – giữa ông Trần Trọng Kim và tôi, lại cuộc bút chiến về quốc học – cái này cũng thật là bút chiến nữa – giữa ông Lê Dư và tôi, đâu đã ba năm nay, tôi từng có dịp viết lên trên báo hoài mà mong mỏi có một điều, là sự ngay thật của học giả.

Làm văn mà cứ hay nhắc đi nhắc lại những bài cũ của mình, thật là một thói đáng ghét, là một điều cấm kỵ cho người viết văn. Tôi biết vậy, mà trong bài này cũng như bài trước, dẫn những lời cũ của tôi, ấy là một sự cực chẳng đã lắm: nếu không dẫn thì không tỏ được cái lòng tôi từ lâu chỉ chăm chút có một chút đó, chỉ ao ước cho anh em bạn học chúng ta có một chút đó.

Đông tây số 117, ra ngày 24 Octobre năm ngoái, tôi có bài Sự ngay thật của học giả trong khi luận biện, nếu còn ở đâu đó, thì độc giả tưởng cũng nên đem ra mà đối chiến với cái việc mà tôi sắp nói về ông Nguyễn Tiến Lãng dưới này.

Trong bài đó của tôi, có mấy câu này là trọng yếu hơn: Phàm luận biện, theo phép, khi nhắc lại những lời của người mà mình luận biện với, thì phải nhắc cho thật đúng, đừng làm sai lạc cái nguyên ý của họ đi. Ấy là sự ngay thật mà người luận biện buộc mình phải giữ. Người luận biện nếu là đám học giả với nhau thì lại càng nên giữ riết hơn nữa. Bởi vì, sự biện luận giữa bọn chánh khách hoặc ký giả nhà báo có nhiều khi vị lợi mà vất sự ngay thật đi; đến như bọn học giả, chỉ vì lẽ thật mà luận biện, nếu không giữ cho ngay thật thì ra như tuồng mình vị lợi..." ,“Ai không ngay thật trong khi biện luận, dẫn lời bên đối phương mà làm sai ý đi, là chỉ để cho mình có chỗ chận được mà nói cho thắng...”

Sự ngay thật của tôi nói đó, tuy chỉ hiện ra trong khi biện luận, chứ kỳ thực nó là một cái đức tốt, quan hệ với cái đời mình, mình nên nắm giữ. Vì trong việc luận biện mà không ngay thật thì trong việc khác cũng có thể không ngay thật, rồi cái đời thành ra xỏ lá, ba que, hay là đến gian tà, làm việc đại ác được cũng nên.

Một đời tôi, như độc giả biết, không khi nào lên mặt đạo đức hết. Cho nên khi tôi nói đây là chỉ phô bày sự thực tiễn của mình, cũng mong cho anh em bạn học thực tiễn lấy một cái đức tốt với nhau vậy thôi. Thật, không phải nói khoe, tôi đã đắc lực ở chỗ đó lắm, tôi dám nói như thày Tăng Tử ngày xưa, "một ngày ba lần soát lại mình tôi", nếu tôi có nói hay làm một điều gì mà không ngay thật.

Bởi vậy khi ai có điều không ngay thật bày ra trước mặt tôi, là tôi thấy liền, tôi chú ý liền. Mà gần đây, ông Nguyễn Tiến Lãng là một.

Như trong bài trước, cũng dưới cái đề này, đã nói, ông Nguyễn Tiến Lãng hiện nay là bậc thanh niên, có hy vọng cho nhiều người; tôi cũng có hy vọng về ông như vậy nữa. Nhưng khi tôi thấy chỗ không ngay thật của ông, luôn với chỗ học không vụ thực của ông, mà tôi thất vọng thêm.

Tôi dám nói ông Lãng đã chẳng ngay thật thì chớ, mà lại là con người gian vu. Nếu ông không từ đây hối cải đi, thì mai sau ông sẽ thành ra một người ác, có hại cho xã hội, ông sẽ thành ra thứ người mà người ta thường gọi rằng có tài mà không có hạnh như những kẻ ở ngay trước mặt ông vậy. Tôi nói vậy, xin độc giả chớ cho là quá đáng, song phải hiểu rằng từ cái chỗ không ngay thật, gian vu mà đến cái chỗ cùng hung, cực ác chẳng bao xa!...

Trong bài ông Lãng ở Trung Bắc số 4496, có một đoạn nói về tôi mà ông nói như vầy:

"… Huống chi mới đây chẳng đã xảy ngay ở Hà Nội ra một việc khiến cho những người nào đã đọc qua những bài của ông Phan Khôi công kích chữ trinh, chữ tiết, thân oan cho Võ hậu, cổ động sự nam nữ bình quyền, mà bình quyền đến cả "chồng đánh bạc, vợ đánh bài, chồng hai ba vợ, vợ hai ba chồng v.v…" nếu nghĩ lại có thể nào không lo vì những tư tưởng quá mới đó của ông Phan Khôi đem gieo vào làng khuê tú?"

Một đoạn đó, nếu không phải thợ in làm sai sót thì văn quốc ngữ ông Lãng còn chưa xuôi, duy cũng không đến nỗi làm cho kẻ đọc không hiểu. Ai đọc qua đoạn đó cũng phải hiểu Lãng có ý muốn nói rằng tại Phan Khôi có những bài văn kia ra gieo độc vào làng khuê tú, nên mới có cái việc (bậy bạ) xảy ra như việc ở Hà Nội mới rồi.

Trước hết tôi muốn hỏi ông Lãng thử có đọc qua những bài ấy của tôi không, mà ông nói như vậy? Trong l'Annam Nouveau cũng đồng ngày với tờ Trung Bắc đó, ông Lãng nói rằng "Je n'ai malheureusement pas sous les yeux ce numéro du Phụ nữ Tân văn et cite de mémoire...", thế đủ biết rằng trong khi viết hai bài ấy, ông Lãng không có dưới mắt ông, tập báo kia có bài của tôi nhưng trước kia thì ông có đọc cả, nên bây giờ mới nhớ mà nhắc lại chớ.

Ừ, ông có đọc và nhớ thì sao ông nói tôi công kích chữ trinh? Tôi chưa hề công kích chữ trinh bao giờ hết. Tôi chỉ có chia chữ trinh ra, một thuộc về cái nết, một thuộc về cái tiết, rồi tôi bảo đàn bà phải biết tự trọng, giữ chữ trinh về đằng nết, chứ không nên giữ chữ trinh về đằng tiết, vì nếu giữ về đằng tiết thì chỉ là vì đàn ông mà giữ, như vậy là làm tôi mọi đàn ông, trái với nhân đạo. (Về bài binh Võ hậu, có dịp tôi sẽ nói).

Đến như sự cổ động nam nữ bình quyền thì tôi không hề cổ động bao giờ. Ở trong nước ta mà cổ động nam nữ bình quyền, thì cũng như cổ động phản đối người Pháp, tôi làm việc gì đều do lý trí, theo phương pháp, tôi chẳng hề cổ động tầm bậy như vậy. Thế thì ông Lãng bắt được ở đâu mà nói, có phải là ông nói gian mà vu cho tôi không?

Nói tôi cổ động nam nữ bình quyền đã là nói bậy rồi, vậy mà còn kèm thêm vào những chữ "bình quyền đến cả chồng đánh bạc, vợ đánh bài, chồng hai ba vợ, vợ hai ba chồng" thì lại còn bậy hơn nữa! Tôi hỏi cái ông Nguyễn Tiến Lãng, tôi cổ động những lời ấy ở trong báo nào, bao giờ, thì chỉ ra đi cho tôi!

Trái lại với ngay thật là gian vu. Nguyễn Tiến Lãng không nói ngay thật, bịa đặt điều xấu ra mà nói cho tôi, tức là gian       vu đó.

Ai không biết đến đầu đến đuôi đâu hết, thấy bài Nguyễn Tiến Lãng nói như vậy rồi tin đi, ắt phải cho Phan Khôi là người bậy bạ. Hoặc giả Nguyễn Tiến Lãng dụng tâm như thế chăng?

Ông Nguyễn Tiến Lãng nên hối ngộ liền. Đừng còn nhỏ tuổi mà lập tâm bất chánh như vậy, về sau sẽ hỏng!

PHAN KHÔI

Đông tây, Hà Nội, s. 161 (9. 4. 1932)


 


[*]Dispute de plume (chữ Pháp): tranh cãi bằng bút. Débat contradictoire (chữ Pháp): sự thảo luận mang tính đối nghịch.

[*] Chỗ này muốn nói tới loạt bài của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu trên An Nam tạp chí về điều mà ông gọi là “Cái tai nạn Phan Khôi lưu hành ở Nam Kỳ” (xem ở phụ lục sách này)

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân