TRẢ LỜI BÀI VẤN ĐỀ PHỤ NỮ GIẢI PHÓNG VỚI NHÂN SANH QUAN [*]

Kính ông Phan Khôi,

Mới rồi ông có viết hai bài trong Phụ nữ tân văn, số 158 và số 160, mà luận về "Vấn đề phụ nữ giải phóng với nhân sanh quan". Nơi bài thứ nhứt, khi gần nhập đề, ông có đem cái thuyết của tôi ở trong cuốn sách nhỏ Phê bình sách Vấn đề phụ nữ Việt Nam mà phát luận. Bởi không đồng ý với ông theo như cái luận điệu của ông đó, nên tôi mới viết bài trả lời nầy.

Bài của ông tuy có hai, nhưng bài sau chẳng qua do bài trước mà suy luận; cái tư tưởng gốc của ông là ở trọn bài trước. Bởi vậy tôi trả lời đây cũng chỉ nhắm vào bài trước mà thôi.

Trước mặt ông và trước mặt độc giả của Quý báo hết thảy, tôi xin thanh minh rằng bài nầy của tôi chỉ có tánh chất nghiên cứu chớ không có tánh chất tranh biện. Bởi vì nó là cùng một cái vấn đề, ông nghiên cứu cách khác, tôi nghiên cứu cách khác, thì đem mà giải hết ra, chớ đâu có tranh biện làm chi?

Đầu tiên, tôi xin nhận với ông rằng những danh từ: « thủ cựu», «cấp tiến» lần lần mất hết nghĩa, không có nghĩa chi hết.

Đối với các vấn đề xã hội quan hệ, như phụ nữ giải phóng, như lao động giải phóng, như bớt giờ làm, tăng tiền lương, nếu có người nghiên cứu cho xác thật, dựa vào luật tiến hóa của lịch sử và nền móng kinh tế, là những việc hiển nhiên không cãi chối được, rồi kết luận phải đổi chế độ gia đình cho phụ nữ, phải bớt giờ làm cho lao động, thì bọn hưởng quyền lợi thuở giờ với bọn trí thức tôi mọi nó, hô lên là cấp tấn, là cách mạng, đặng làm kinh hồn mất vía bọn trung nhơn và bọn lao động cùng phụ nữ chưa giác ngộ.

Cái thái độ khả ố ấy, cái bọn trí thức lường gạt ấy, cần phải vạch mặt chỉ tên cho quần chúng thấy rõ ràng. Nếu không thì trên con đường tiến hóa của nhơn loại, không thể bước tới một bước nào được hết. Luôn dịp đây, tôi xin nói thêm rằng: một cái ý kiến chi mà hữu ích cho nhơn loại bị áp bức, tức là lao động với phụ nữ, thì thế nào cũng chọi với bọn trí thức tôi mọi của mấy người đi áp bức kẻ khác. Cho nên tôi có thể nói quyết rằng: Ý kiến nào mà được bọn trí thức ấy biểu đồng tình, thì phải coi chừng cho lắm mới được. Ý kiến ấy có thể là hủ bại, là vô ích cho người khổ, là không hại cho bọn sâu mọt.

Tóm lại, muốn cho có một cái thái độ quả quyết đối với các vấn đề xã hội quan hệ như phụ nữ giải phóng, thì cần phải suy cho tận gốc, xét cho đến nguồn.

Gốc là đâu?

Theo ông, đành rằng tấn hóa của lịch sử và nền móng kinh tế là gốc, nhưng nhơn sanh quan lại là rộng hơn nữa, lại là gốc vững chắc hơn nữa.

Thưa ông, tôi xin lỗi, tôi không thể nhận ý kiến nầy được. Nếu là ý kiến vô căn cứ, thì cái nào gốc cái nào ngọn cũng không hại. Nhưng, đây có ăn thua với thật tế, với công tác hằng ngày, nên tôi không thể bỏ qua được.

Nhơn sanh quan đó là về chủ quan, đó là một bộ phận của thượng tằng kiến thiết; nói rõ hơn nữa, đó là ngọn, do nơi hạ tằng cơ sở tức là nền móng kinh tế và cuộc tấn hóa khách quan của lịch sử.

Cứ theo tấn hóa lịch sử loài người khi vượt khỏi thời kỳ dã man và bán khai, thì đến phong kiến, ban đầu là tiền phong kiến, sau là phong kiến quân quyền tập trung, kế qua thời kỳ tiền tư bổn, rồi tư bổn công nghệ, rồi tư bổn ngân hàng tập trung. Các giai đoạn nầy do nơi phương pháp sanh sản (mode de production) và phương pháp chi phối (mode de répartition) mà ra(*). Văn minh cũng do đó mà ra. Nhơn sanh quan cũng do đó mà ra.

Còn theo nền móng kinh tế thì ta có thể nói: tôn giáo, luật pháp, phong hóa, tục lệ lập ra lúc bán khai, lúc phong kiến hay là lúc tiền tư bổn không thể dung được trong lúc tư bổn tập trung hay là thời kỳ tiếp theo tư bổn tập trung.

Hiện nay nền móng kinh tế là tư bổn tập trung, thành thử: tuy cá nhân phải lo sanh hoạt lấy, phải độc lập kinh tế, nhưng phương pháp cá nhân (moyens individuels) không thể giải quyết vấn đề sanh hoạt được. Người đàn bà bị thất nghiệp không phải lỗi tại người đàn bà, mà tại chế độ, mà tại chánh trị. Nếu người đàn bà ấy không tham gia chánh trị, không thể giải quyết vấn đề sanh hoạt của họ được.

Thím hương Cần mỗi năm có hai trăm giạ lúa. Bình thường vậy là đủ ăn trọn năm. Lúa sụt giá, dầu, mỡ, vải, lại tăng lên. Giá lúa, giá hàng hóa đó là về chánh trị. Nếu thiếm[**] không tham gia chánh trị, đặng nhứt định[***] giá lúa hay là giá hàng nhập cảng thì dầu cho thiếm tính giỏi mấy đi nữa, dầu cho về khoa gia chánh, thiếm cao xa mấy đi nữa, thiếm cũng phải thiếu trước hụt sau.

Nãy giờ, tôi nói: Nền móng kinh tế và lịch sử tấn hóa là gốc; tôn giáo, luật pháp, phong hóa, tục lệ là ngọn. Nhơn sanh quan là ngọn.

Nhơn sanh quan là chi? Là gồm cả thái độ của mỗi người đối với phong trào hiện tại. Thái độ đối với chồng với con, với láng giềng, với xã hội, với các quan thượng thơ, với vua, với công việc làm "phước" làm "lành" của xã hội, với trời đất, mưa gió, nước non, vân vân.

Xã hội đổi, nền móng kinh tế đổi, thì nhơn sanh quan phải đổi. Những mối tỉ lệ của vạn vật đổi (rapports dé hommes entre eux, rapports entre les hommes et les choses, institutions politiques, économiques et sociales) thì nhơn sanh quan cũng phải đổi.

Thế thì nhơn sanh quan hẹp hơn nền móng kinh tế và tiến hóa lịch sử. Chính nhơn sanh quan do đó mà ra. Trong quyển Critique de la question féminine, trương 15, tôi có viết câu nầy: "Messieurs T. P. savent-ils qu'en cette période de transformations économiques, les conceptions de vie changent, le but que beaucoup se font de la vie n'est plus seulement de fonder un foyer, de s'enrichir et d'accumuler pour la vieillesse et la progéniture?" Xin dịch: "Ông Tỵ và ông Phúc có biết chăng, lúc kinh tế biến thiên nầy, nhơn sanh quan cũng đổi nữa. Mục đích ở đời của một phần người không phải là tạo một cái gia đình theo khuôn mẫu cũ, lo làm giàu, góp nhóp tiền bạc cho con cháu hay ngừa lúc già". Câu đó chỉ rằng nhơn sanh quan là ngọn mà kinh tế là gốc.

Ông có viết câu nầy: "Tôi đã nói nhơn sanh quan của người Pháp khác, của người Việt Nam khác. Suy ra thì biết rằng nhơn sanh quan của người phương Đông khác, của người phương Tây khác. Tức như về phụ nữ, cái nhơn sanh quan của người phương Tây ngày nay đã nhắc lên một bực cao rồi, không giống với phương Đông chúng ta, mà nhứt là người Việt Nam chúng ta. Hai ông Bùi và Trần cùng bà Phan Văn Gia đều lấy cái nhơn sanh quan cũ của phương Đông mà giải quyết vấn đề phụ nữ thì bảo sao chẳng ngần ngừ trong sự giải phóng được?"

 

Thái độ (thủ cựu hay là cấp tấn) của mỗi người đối với vấn đề phụ nữ, là một bộ phận của nhơn sanh quan. Ông biểu phải đổi nhơn sanh quan thì thái độ về vấn đề phụ nữ tức đổi. Nghĩ cho kỹ, thì ông biểu như vầy: "Anh đổi nhơn sanh quan anh đi, thì nhơn sanh quan anh đổi, thái độ anh về vấn đề phụ nữ cũng đổi". Chính về vấn đề phụ nữ ảnh muốn thủ cựu, làm sao ảnh đổi nhơn sanh quan được?

 

Nói vầy thì có lý: Điều kiện sanh hoạt (kinh tế) đổi, anh phải đổi nhơn sanh quan, trong ấy có thái độ về phụ nữ giải phóng.

Nhơn sanh quan do nền móng kinh tế và tiến hóa khách quan của lịch sử mà ra, thành hẹp hơn. Đã hẹp hơn, mà lại cheo leo hơn.

Nhơn sanh quan là một bộ phận của thượng tằng kiến thiết. Nhiều người muốn giữ cái thượng tằng kiến thiết cũ, đặng duy trì cho hạ tằng cơ sở cái gì mà lợi cho họ. Như ra thuyết "đàn bà lo việc nhà" đặng cho họ giữ chặt đàn bà dưới cái quyền gần hư sập của họ. Bởi thế muốn tấn hóa, muốn sửa đổi chế độ, muốn sửa đổi thượng tằng kiến thiết, thì phải so sánh cái thượng tằng kiến thiết cũ với cái hạ tằng cơ sở mới, là cái hiển nhiên, thì bọn nhồi sọ mới vô phương kế. Bằng ông đứng vào phương diện nhơn sanh quan, họ trả lời: "Nhơn sanh quan mỗi người một khác, anh khác, tôi khác, vậy không cãi làm chi, đường ai nấy đi".

Không, không. Nhơn sanh quan do tiến hóa khách quan lịch sử và nền móng kinh tế mà ra. Bây giờ là thời kỳ tư bổn tập trung, kinh tế quốc giới là do một số ít nhà kinh tế và chánh trị nhứt định. Như thế thì phần đông không được nhứt định, phải nghe theo. Lúa 0p60 một giạ. Vâng. Xe lửa lên giá 3 xu. Vâng. Hộp quẹt tiền xu một hộp. Vâng. Thế thì phần đông, là phần tiêu thụ, phải nhứt định, đàn ông, đàn bà phải tham gia chánh trị đặng nhứt định.[****] Phải đổi nhơn sanh quan, nhận rằng phạm vi hành động của đàn bà không phải ở bếp, mà ở cùng hết như các người tiêu thụ khác. Phải đổi. Kinh tế buộc phải đổi.

Nhận nhơn sanh quan là gốc, là xúi kẻ nghịch phụ nữ giải phóng (nghịch vì quyền lợi, vì ích kỷ), viện lẽ tại nhân sanh quan khác nên không thể theo được. Vậy thì nhân sanh quan nếu là gốc thì là một cái gốc cheo leo không thể bó buộc ai được hết.

Vì ông cho nhân sanh quan là gốc, thành thử ông cho lý tưởng là mẹ của thiệt sự(**). Trước khi lý tưởng là mẹ của thiệt sự, thì nó là con của thiệt sự. Lý tưởng nào mà không do thiệt sự nghĩa là tiến hóa khách quan lịch sử và nền móng kinh tế thì là ảo tưởng. Nếu ảo tưởng thì không thiệt hành được, không thể mẹ của thiệt sự được.

Phụ nữ giải phóng do tiến hóa khách quan của lịch sử và nền móng kinh tế nên nó là một cái lý tưởng hết sức vững vàng, và cái thiệt hành của lý tưởng phụ nữ giải phóng là một việc gần đây chớ không phải xa 50 năm như ông nói đâu. Ủa phải sao mới gọi là phụ nữ giải phóng? Nói cho rõ ra rồi mới nói được là việc ngày mai, hay là việc trong 50 năm, hay là việc trong ba trăm năm.

Hôm nay xin kiếu độc giả và kiếu ông. Xin nhờ ông cho độc giả hiểu rằng quyển sách Phê bình vấn đề phụ nữ (Critique de la question féminine) không phải là bàn về vấn đề phụ nữ. Ấy là dựa vào vấn đề phụ nữ mà hiến cho độc giả, một cách còn đơn sơ giản dị, một phương pháp để khảo cứu vấn đề phụ nữ, hay là các vấn đề xã hội khác. Thành thử sách không phải hiến cho phụ nữ, nhưng là cho các nhà nghiên cứu vấn đề phụ nữ mà thôi.

Xin thú thật với ông rằng vì cuộc sắp đặt giáo huấn ở đây làm cho tôi hôm nay viết quốc văn hết sức thô kịch. Trong đó có phần lỗi tôi, tôi tự nhận và hết sức sửa đổi. Nhưng kết quả là việc tương lai. Bây giờ xin độc giả và ông Phan châm chế.

NGUYỄN THỊ CHÍNH

 

LỜI BẠT: – Trước khi chưa tiếp được bài trả lời nầy thì tôi đã có thú nhận với một vị đồng sự trong toà soạn rằng tôi có sự lầm trong hai bài mới vừa viết, luận về phụ nữ giải phóng với nhân sanh quan đó, mà nhứt là bài đầu.

Chẳng những thấy sự lầm trong khi thú nhận đó, mà tôi đã thấy ngay từ khi bài đầu lên khuôn in, người ta đưa cho tôi sửa mà tôi coi đi coi lại.

Trong khi đó, tôi nhìn thấy nhng chữ "sự tấn hóa của lịch sử" và nhứt là tôi toan đem lịch sử ra làm chứng, thế thì tôi cũng đã tỉnh ngộ mà biết rằng cái nhân sanh quan thay đổi là do cái gốc ấy mà ra, sao lại còn cần phải lấy chính mình nhân sanh quan lập riêng ra một cái gốc khác làm chi?

Biết vậy rồi, nhưng vì giờ báo phát hành đã gấp quá, không thể sửa được và cũng không thể bỏ bài ấy mà không cho ra được, tôi bèn định cứ cho ra đi rồi sau sẽ viết bài khác mà cải chánh. Làm vậy, tôi tưởng cũng vô hại, là vì, trong đó tuy có lầm một chút, nhưng cái sự đổi nhân sanh quan thì là sự thiệt trên lịch sử và cũng là sự rất cần yếu cho những người nghiên cứu vấn đề phụ nữ – vấn đề khác cũng vậy nữa – trong x ta.

Nay có bài trả lời nầy, giải rõ ra nhân sanh quan không phải là gốc, chính là hiệp với cái ý của tôi sau khi tỉnh ngộ. Vây tôi để mấy lời nầy ở đây cám ơn tác giả và tôi không cần phải viết bài cải chánh nữa.

Tuy vậy, về hai bài của tôi, trong bài đầu, tôi tình nguyện thủ tiêu cái ý thêm nhân sanh quan vào hai cái kia làm thành một cái gốc thứ ba. Ngoài chỗ đó ra, và cả bài thứ hai nữa, luận về sự đổi nhân sanh quan đi để giải quyết vấn đề phụ nữ, thì tôi vẫn giữ, vì nó không lầm.

Sở dĩ có sự lầm nầy, là tại tư tưởng của tôi đương ở trong thời kỳ biến đổi mà chưa thành thục, ở bên nầy bước qua bên kia mà cái bước chưa được "ráo" – xin độc giả lượng thứ cho.

Vả lại, ở đây tôi chỉ nhận chỗ tôi lầm là vì đã đem nhân sanh quan lập thêm một cái gốc để nghiên cứu vấn đề phụ nữ. Hồi trước tôi lập thêm cái gốc ấy, bây giờ tôi biết là lầm thì phá bỏ đi đó thôi. Chớ còn về cái kiến giải trong bài trả lời nầy, nhường cho độc giả phán đoán, tôi không để vào đó một lời gì hết.

PHAN KHÔI

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 162 (4. 8. 1932)


 


[*]  Bài này đáng lẽ phải đưa vào phụ lục cuối sách, nhưng vì Phan Khôi có lời bạt ở ngay cuối bài nên tôi đưa vào đây như một ngoại lệ; tất nhiên đối với Sưu tập tác phẩm Phan Khôi thì bài của tác giả Nguyễn Thị Chính chỉ là phụ lục (LNA).

 

(*) Mode de production (trong bài dịch là "phương pháp sanh sản"): phương thức sản xuất; mode de répartition (trong bài dịch là "phương pháp chi phối"): phương thức phân phối, phương thức phân chia.

[**]  Thiếm (phương ngữ Nam Bộ): cũng như thím.

[***] Từ “nhứt định” ở chỗ này tương tự như các từ “quy định”, “quyết định” đang dùng ngày nay.

[****]  nhứt định dùng ở đây, nghĩa như "quyết định" dùng ngày nay.

(**) thiệt sự dùng ở đây, nghĩa như "sự thật" dùng hiện nay.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân