TRAI TRẺ GIẾT ÔNG GIÀ, NGƯỜI LỚN LẠI GIẾT CON NÍT

[............................](**)

Xưa kia đức Khổng Tử bảo rằng: "Lão giả an chi, thiếu giả hoài chi". Nghĩa hai câu ấy như vầy: "Kẻ già thì mình làm cho họ an ổn; kẻ trẻ thì mình làm cho chúng nó trìu mến".

Phải, làm vậy được, ai lại chẳng muốn? Kẻ già còn gì khoẻ cho bằng được ở an ổn? Kẻ trẻ, nếu có người cho chúng nó trìu mến được thì chúng nó sẽ coi như cha mẹ ruột vậy thê.

Song le, đức Khổng Tử ngài được tài nói vậy rồi ngài chết mất, bỏ cái đời nầy hơn hai ngàn năm lại đây, [......](***)

Riết việc lại chừng mấy bữa gần đây [....]  Ông già không yên phận ông già, mà con nít cũng không yên phận con nít.

Cụ Doumer gần 80 tuổi, già khú đế rồi, lẽ phải để cụ ngồi cái ghế tổng thống được năm nào hay năm nấy. Vậy mà có thằng cha thầy thuốc Nga nào đó nhè bắn cụ đi. Có phải là ác nghiệp không?

Thủ tướng Khuyển Dưỡng Nghị ở Nhựt Bổn mới hôm 15 tây đây đương ngồi nói chuyện với khách thì cũng bị một chàng thanh niên đồng bang bắn chết nữa. Thiệt chúng đã đang tay quá.

Hai tên hung thủ đây tuổi đều trên dưới ba mươi, mà đều giết hai ông già ngoài bảy mươi cả. Chẳng biết hai ông già ấy thù gì với chúng nó? Chúng nó giết hai ổng, thục nhược chúng về giết ông nội chúng còn hơn?

Tôi nói vậy là vì tôi tức cho cái đời sao người ta không biết thương ông già, sao không làm cho các ông được an ổn theo lời đức Khổng Tử?

(Kiểm duyệt bỏ)

Con trai của phi tướng Lin-be đó. Thằng nhỏ mới rời bụng mẹ có mười mấy tháng, tội tình gì mà lũ cướp bắt giết đi rồi còn đem thây vập bỏ không thèm liệm thèm chôn.

Vậy là cái gì? đố ai đoán ra được? Hay là họ hiểu lời thánh sai đi?

(Kiểm duyệt bỏ)

Nếu vậy thành ra cái đời nầy loạn bậy quả là tại bỏ chữ nho mà. Cắt nghĩa sách bất tử như thế thì nước gì mà chẳng sát nhơn?

Hèn chi có kẻ đề xướng học chữ nho cũng phải, đem kinh truyện ra mà dạy cũng phải. Thôi thì dạy hối cho mau đi!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6731 (19. 5. 1932)


 

(**) Phần đầu bài này báo gốc chấm lửng liền 4 dòng, tức là có một đoạn đã bị bỏ.

(***) chỗ này báo gốc chấm lửng liền 1 dòng.

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân