TRẬN XUNG ĐỘT CỦA HAI ÔNG TẢN ĐÀ - CHƯƠNG DÂN

HAY LÀ VẤN ĐỀ BẢO KHỔNG VÀ BÀI KHỔNG

Hán học bị bỏ đã gần hai chục năm nay, tưởng rằng vấn đề bảo Khổng hay bài Khổng ở xã hội nầy, bây giờ không phải bàn nữa. Chẳng dè Hán học tuy bị bỏ mà vấn đề ấy vẫn chưa yên, trận xung đột ở giữa hai ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và Chương Dân Phan Khôi xảy ra trên báo chính là một dịp nhắc cho xã hội chưa thể quên được câu chuyện Khổng giáo.

Cái cớ làm cho ông Tản Đà xung đột với ông Chương Dân là bởi ông Chương đã viết ở Phụ nữ tân văn một bài Tiếng cười của con Rồng cháu Tiên và một bài khác phản đối cái "ngạ tử sự tiểu, thất tiết sự đại" của Trình Di. Những bài ấy, ông Tản Đà cho là đã làm tai hại cho xứ Nam Kỳ nên ổng kêu là "cái nạn Phan Khôi".

Bài Tiếng cười của con Rồng cháu Tiên tôi không được coi, không biết trong đó ông Chương Dân đã nói những gì; còn việc phản đối câu "ngạ tử sự tiểu, thiết tiết sự đại" thì tôi đã thấy ổng (ông Chương Dân) nhắc đến nhiều lần ở báo Phụ nữ trong những bài Chuyện bà cố tôi, Cái nết tánh và cái tiết trinh, Gia đình xứ ta đã thành vấn đề rồi, tuồng như ổng đều có dẫn câu đó vào mà bài bác thì phải.

Thế là đối với cái luân lý bắt buộc gái góa giữ tiết, ông Chương Dân thì công kích, mà ông Tản Đà thì tán thành. Vậy thì trận xung đột nầy có thể cho là một cơn xung đột của hai luồng tư tưởng.

Phải! Hai ông nầy tuy là cùng người trong phái Hán học, mà về tư tưởng thì mỗi người đi ra một ngả. Ông Chương Dân sau khi từ biệt cửa Khổng, chẳng những không giỏ được một giọt nước mắt, mà chính ổng còn khoe mình đã liệng trái phá vào đồn cụ Khổng nữa. Ông Tản Đà thì tuy thuở nay chưa có cái gì tỏ cho thiên hạ biết mình thâm thúy về Khổng học, nhưng vẫn tự coi là "An Nam Khổng Tử chi đồ", đã có lần ổng vì thấy nền luân lý Á Đông suy đổi mà muốn bươi đống sách nát đặng hỏi Khổng Mạnh có bùi ngùi cho nhơn gian hay không?

Như vậy, tôi muốn tạm bầu hai ông đó làm đại biểu cho hai phái, ông Chương Dân về phái bài Khổng.(*) Quả thiệt ở xã hội nầy vẫn có đủ hai phái đó, tôi không tiện nhắc tên nhiều người, cho nên tạm cử mỗi ông làm đại biểu cho mỗi phái đó thôi, ai không công nhận cũng được.

Hai phái nầy kể ra thì vẫn xung đột với nhau đã lâu, ngoài sự xung đột ngầm ngấm, các phái một vài khi đã có tranh biện trên báo, nhưng chỉ tranh biện qua loa rồi thôi; chơi nhau kịch liệt có chăng đến phiên hai ông nầy. Đối với sự xung đột riêng, tức là sự tranh luận về ý kiến trong bài đăng báo của hai ông nầy, thì ai đã có sức của nấy, tôi chẳng cần xen vào làm chi.

Nay tôi chỉ nhân trận xung đột của hai ông đó mà bàn qua vấn đề bảo Khổng và bài Khổng, vì như trên đã nói, trận xung đột này của hai ông đó chứng tỏ rằng vấn đề bảo Khổng và bài Khổng ở xã hội nầy vẫn chưa giải quyết.

Một điều nên nói là, nếu theo cách cực đoan thì hai việc đó ở xã hội nầy đều không có hết. Thật vậy, nếu bảo Khổng cho tới cùng thì phải có trường học nghiên cứu về Khổng học, phải có cơ quan riêng để cổ động và truyền bá Khổng giáo; mà bài Khổng cho tới cùng, thì phải như vua Minh Mạng cấm đạo Gia-tô ngày xưa, những công việc ấy ở xã hội nầy chắc không có nữa. Nay có bảo Khổng hay bài Khổng chỉ là nói theo một bực rất thấp, nghĩa là một đằng thì rán giữ Khổng giáo để làm khuôn mẫu cho nền đạo đức, một đằng thì bỏ hẳn Khổng giáo mà xây lại nền đạo đức mới.

Đó, vấn đề bảo Khổng, bài Khổng, sự thực chỉ có bấy nhiêu mà nếu không giải quyết cho xong thì nền đạo đức sẽ không thể thành lập, cuộc tiến hóa xã hội cũng vì thế mà chậm bước; nhiều khi còn vì thế mà xã hội sanh ra những ảnh hưởng xấu xa là khác.

Vậy nay hãy đặt một câu hỏi: Cứ tình thế của xã hội nầy từ nay mà đi thì bảo Khổng phải hay bài Khổng là phải?

Cho được trả lời câu hỏi ấy một cách kỹ càng, lẽ ra phải có nhiều bài nghiên cứu rất rõ về học thuyết của Khổng Tử, nhưng phạm vi một kỳ báo nầy không thể chứa hết. Vậy chỉ có thể nói sơ sơ về mấy điều thiết yếu trong Khổng giáo mà thôi.

Đứng về phương diện hành chánh mà nói, thì Khổng giáo rất lợi cho sự cai trị theo chế độ xã hội ngày nay. Bởi vì Khổng giáo tôn quân quyền, trọng giai cấp; tức như sách Xuân thu đề xướng chủ nghĩa tôn vương, sách Trung dung nói "yêu người thân có thứ tự, tôn người hiền có đẳng cấp, lẽ bởi đó mà ra"; lại trong Kinh Dịch nói "trên trời dưới chầm là tượng của vua với dân"; đó, đều là căn bổn của thuyết tôn quân quyền trọng giai cấp vậy. Nếu ở một nước riêng trời riêng đất, không cần cạnh tranh với ai ở ngoài, thì những thuyết ấy có thể giữ được trật tự yên ổn của xã hội. Nước Tàu từ đời Hán đến đầu đời Thanh, nước ta từ đời Trần đến đầu đời Nguyễn, nhân dân đều quen tánh phục tùng, trong nước hàng mấy trăm năm mới có một cuộc cách mạng, ấy là nhờ về ảnh hưởng của Khổng giáo.

Đứng về phương diện quần chúng mà nói, thì Khổng giáo chỉ lợi cho đạo đức của cá nhân, không lợi cho đạo đức của đoàn thể. Nay cứ đem hết thảy ngũ kinh tứ thư mà coi, ngoài sự dạy vua làm vua, dạy quan làm quan, thì đến sự dạy người "giữ mình, ít lỗi" là cùng, còn về nghĩa vụ của người dân đối với đoàn thể, tuyệt nhiên không nói đến câu nào. Cái khuyết điểm ấy có thể khiến cho kẻ làm bình dân ngoài cái bổn phận phục tòng vua quan, không biết xã hội nước nhà là chi nữa. Dân Tàu hơn trăm năm thần phục người Thanh, ấy cũng là bởi ảnh hưởng của Khổng giáo đó.

Lại xét về một phương viện(*) khác thì Khổng giáo rất không lợi cho sự tiến hóa, bởi có hai lẽ. Một là Khổng giáo trọng về bảo thủ. Cái học thuyết của Khổng Tử vốn là noi theo vua Nghiêu vua Thuấn, bắt chước vua Văn vua Vũ, chính ngài đã nói mình chỉ thuật lại mà không làm ra, tin mà ham chuộng đời xưa. Đó đều là ý nghĩa về sự bảo thủ. Một nữa là Khổng giáo trọng về nghĩa hoà bình, không ưa sự cạnh tranh. Trong Kinh Lễ ngài nói công dụng của lễ lấy sự hòa làm quý; trong Luận ngữ ngài nói quân tử không cần gì phải tranh. Đó là tư tưởng trọng hòa bình, tư tưởng ấy càng do thuyết trung dung mà ra. Đã quý bảo thủ lại chuộng hòa bình, hai điều đó rất ngăn trở cho sự tiến hóa.

Trở lên là mới nói về những điều khuyết điểm của Khổng giáo chánh tôn(*), ngoài ra những điều tai hại của Khổng giáo giả hiệu nữa.

Cái nạn Khổng giáo giả hiệu ngay khi sau đời Khổng Tử đã có rồi. Thiên Hiển học trong sách Hàn tử nói rằng: "Đạo Nho đến cùng tột là Khổng Khâu. Từ khi Khổng Tử chết đi thì có đạo Nho của Tử Trương, đạo Nho của Tử Tư, đạo Nho của họ Nhan, đạo Nho của họ Mạnh, đạo Nho của họ Tất Điêu, đạo Nho của họ Trọng Lương, đạo Nho của họ Tôn, đạo Nho của họ Nhạc Chánh. Vầy là sau đời Khổng Tử đạo Nho chia ra làm tám phái, trong tám phái đó, chỗ lấy chỗ bỏ khác nhau, mà phái nào cũng bảo thuyết của phái mình là thật đạo Nho; Khổng Tử đã không thể sống lại, lấy ai mà định rõ cái "thiệt" của đạo Nho.

Phê bình Khổng giáo giả hiệu, như mấy câu ấy thật đúng. Đời Hàn tử mới cách đời Khổng Tử chừng hai trăm năm mà Khổng giáo đã bị sai lạc như vậy, huống chi bây giờ cách Khổng Tử đã mấy nghìn năm...

Cái Khổng giáo lưu hành ở ta bây giờ, thuần là Khổng giáo của Tống Nho, chớ chân tướng của Khổng giáo có còn đâu nữa. Một bộ Lễ ký và một bộ Thượng thơ, hầu hết là lời bịa đặt của Hán Nho, còn đến lời chú thích ở ngũ kinh tứ thơ, đều là ý kiến của Tống Nho. Cái xuyên tạc của Hán Nho với cái câu nệ của Tống Nho hợp lại làm thành Khổng giáo ngày nay. Cho nên cái hay của Khổng giáo đã gần mất hết, mà cái câu nệ và cái xuyên tạc càng ngày càng lớn mãi ra.

Trong cuốn Phương Đình tùy bút lục nói rằng, hồi đầu Tự Đức, viên đốc học Sơn Tây là Nguyễn Tử Phần làm bộ truyện chú không theo nghĩa của Tống Nho, bộ Lễ(*) bác đi, cho là gây thói kiêu ngạo cho bọn hậu học. Trong cuốn Thoái thực ký, ông Trương Quốc Dụng công kích kịch liệt những người công kích truyện chú của Trình- Châu, lại thuật rằng hồi ấy có người thi hội viết câu "không cần xa tìm ở sách Lễ ký" mà quan trường đánh hỏng đó. Dư thấy người ta đã đem sự tín ngưỡng Khổng Tử mà tín ngưỡng Hán Nho và Tống Nho đó.

Bởi Hán Nho và Tống Nho đã làm sai lạc bổn tướng của Khổng giáo, cho nên Khổng giáo của Khổng Tử lưu tệ có ít, mà Khổng giáo của Hán Nho và Tống Nho lưu tệ càng nhiều, như thuyết tam cương và câu "ngạ tử sự tiểu, thất tiết sự đại" đó đều của Hán Nho và Tống Nho đặt ra, Khổng giáo đâu có quá đáng thế!

Bởi Khổng giáo − nói về Khổng giáo của Tống Nho và Hán Nho − có nhiều điều lưu tệ như vậy, cho nên nước Tàu từ khi giáo ấy thạnh hành, dân trí tăng tiến rất chậm, thế nước càng ngày càng yếu. Một nước lớn nhất thế giới mà bao lần bị ngoại tộc lấn cướp. Cái kết quả ấy tưởng cũng đã làm chứng cho chúng ta giải quyết vấn đề bảo Khổng và bài Khổng trong ngày nay.

Tóm lại, từ nầy mà đi, tình hình sinh hoạt, mỗi ngày mỗi khó, các nền đạo của xã hội − từ đạo đức của đoàn thể đến đạo đức của cá nhân − đều phải tựa vào tình hình sinh hoạt mà xây, dầu nó hợp với Khổng giáo hay trái với Khổng giáo, đều không cần hỏi. Ấy là ý kiến của tôi đối với vấn đề bảo Khổng. Còn về việc xung đột của hai ông Tản Đà - Chương Dân, thì tôi muốn phán đoán bằng một câu nầy: Cái xã hội lắm người thất tiết, đành rằng không phải tốt, nhưng cái xã hội nhiều kẻ chết đói cũng chẳng đẹp gì. Phải vậy chăng, thưa các bạn đọc?

BẮC HÀ

Công luận, Sài Gòn, s. 2348 (29. 4. 1932)

 


 

(*) theo mạch văn thì đoán được rằng câu này thiếu một vế nữa: “ông Tản Đà về phái bảo Khổng”, có lẽ báo cũ sắp chữ bị sót. (NST)

(*) phương viện: có lẽ phương diện, có lỗi in.

(*) chánh tôn: cũng là chính tông  正 宗 (chính đọc thành chánh, do phương ngữ Nam kỳ; tông đọc thành tôn, do lệ kiêng húy).

(*) Lưu ý trong câu này: "bộ truyện" ý nói bộ sách chú giải kinh truyện Nho giáo; "bộ Lễ" là bộ Lễ trong triều Nguyễn (NST).

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân