TRÊN ĐỜI CHẲNG CÓ GÌ LÀ SỰ THIỆT

Thậy đấy, ở trên đời chẳng có gì là sự thiệt hết. Cho đến một nước mà có lịch sử, ấy là con cháu chép chuyện ông cha của mình, theo lẽ, muốn cho đúng sự thiệt mới phải, vậy mà người ta cũng không cần đúng, miễn nói thế nào lợi cho người ta trước con mắt mà thôi.

Tôi thấy người Nhựt Bổn mà tôi dửng dưng(*).

Nhựt Bổn chớ phải An Nam ta sao mà hay nhìn bướng nhìn càn, đụng ai nhìn nấy? Trong sử Tàu chẳng có chỗ nào nói cháu bốn đời của vua Thần Nông qua lập nghiệp bên phương Nam nầy hết, vậy mà sử An Nam cũng dám hô lên như vậy đặng có nhìn bà con với người Tàu! Nhựt Bổn họ làm khỉnh lắm, không có đâu như vậy.

Tàu có người nói nước Nhựt Bổn là do người Tàu lập ra; không lập ra đi nữa thì cũng nhờ có người Tàu qua đó, sanh sản càng ngày càng đông mới dựng nên nước Nhựt Bổn, và bởi vậy văn hóa Nhựt cũng theo một lối với văn hóa Trung Hoa. Họ lấy chứng cớ ở sự Từ Phước vâng mạng vua Thỉ Hoàng nhà Tần đi cầu tiên phía biển đông, có đem theo những tám trăm vừa đồng nam vừa đồng nữ, rồi bọn nầy không về, ở luôn nơi cù lao biển đông mà lập nên nước Nhựt Bổn sau nầy.

Người Nhựt Bổn chối phăng, không nhìn nhận cái sử tích (document historique) ấy. Họ nói nước của họ là nước "Thần", ban đầu chưa có trời đất thì các vì "Thần" ở xứ họ còn phải tạo lập trời đất đã rồi mới dựng nên ba hòn cù lao là nước Nhựt Bổn. Vậy thì nếu có Từ Phước ở Tàu sang đi nữa, cũng chỉ mới sau nầy, có dự gì vào công cuộc lập quốc của họ ư?

Thần của người Nhựt có tên, có thế thứ hẳn hòi; làm sao mà giống với cái kiểu thần bên Ai Cập và bên La Mã Hy Lạp quá! Một nam thần và một nữ thần đầu tiên của họ là ông Yaraky và bà Yanamy là hai vị đứng đầu dựng nên đất nước, rồi sau mới sanh ra nhiều vị thần khác và dần dần mới sanh ra nhân dân.

Đó, đại khái lịch sử Nhựt Bổn là như thế, cái nguồn dân tộc của họ, họ cho nó ở từ bổn quốc mà chảy ra, chớ không chịu cho ở từ ngoại quốc mà chảy vào.

Có người luận về việc ấy, nói rằng: "Nhựt Bổn họ khôn lắm, dầu cho họ là dòng giống của Tàu chăng nữa, họ cũng không nhìn làm chi; mình ngày nay nghiễm nhiên là một dân tộc thì phải kiếm cách mà độc lập, chớ tội chi lại nhìn nhận làm con cháu kẻ khác? Vả lại, đừng nhìn bà con chi hết thì đến lúc tức mình mà khỏ đầu khỏ óc nhau mới khỏi nhơn tay và cũng khỏi mang tiếng!"

Ừ, được việc thật. Tôi cũng cho người Nhựt chối cái sử tích về Từ Phước dựng cho dân tộc của mình độc lập như vậy là được việc. Nhưng mà đã chối sao lại chẳng chối cho luôn? Chỗ nầy phải làm cho người ta biết đến mà tức cười.

Chừng mười năm trở lại đây, nghĩa là từ lúc người Nhựt quyết định việc xâm lược Mãn Châu đã gắt lắm, trong nước họ rập nhau xướng lên một cái khẩu hiệu, hoặc làm sách, hoặc làm báo, hoặc diễn thuyết cũng đồng dùng một lời ấy với nhau, là lời: "Chúng tôi đã từ giải đất lớn mà đến đây; ngày nay lại trở về giải đất lớn" (ngã môn túng đại lục thượng lai, kim nhựt hoàn túng đại lục thượng khứ).

Cứ theo câu ấy thì ra họ nói ông cha họ là ở đất Tàu mà qua, nên bây giờ họ phải trở về đất Tàu!

Hay! Thế thì sao trước kia không nhận Từ Phước và tám trăm đồng nam đồng nữ là ông bà mình? Có gì đâu? Ông bà chẳng làm chi! Lịch sử chẳng làm chi! Mỏ than mỏ vàng cho nhiều là được!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6704 (14. 4. 1932)


 

(*) Tôi (LNA) có nhận xét; các từ "dửng dưng" hoặc "dửng dừng dưng" trong văn Phan Khôi thường có nghĩa "kinh ngạc", "bất ngờ" chứ không mang nghĩa là "thờ ơ, không quan tâm, không có xúc cảm gì" như người khác vẫn dùng.

 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân