TRỞ ĐỜI

Cách mấy năm về trước, gặp phải hồi dân khương quốc thới, nhà đủ người no, thời những câu chữ mép của mấy ông đồ ta nó hay ho dữ lắm.

Sách có chữ: "Phú dữ quới thị nhơn chi sở dục, bần dữ tiện thị nhơn chi sở ố...." nghĩa là: Giàu với sang là điều người ta muốn, nghèo với hèn là điều người ta ghét. Đó là dịch theo mặt chữ. Còn theo ý Thông Reo thì, ở đây, chữ ố nên dịch là kị, chữ dục nên dịch là ưa; vì ưa có nghĩa là muốn mà vui, kị có nghĩa là ghét mà sợ.

Thì ở đời, nghèo với hèn ai mà không kị, còn giàu cùng sang ai lại chẳng ưa! Thế mà từ mấy năm bái xái trở lại đây, Thông Reo thấy cái ưa của người ta sao nó trẹo cẳng ngỗng chướng dị kỳ. Thiên hạ sống một thời với mình họ cho là trở đời, ở trở đời nên đổi ráo.

Ở bên Ấn Độ vì tôn giáo mà phân chia giai cấp. Dân một nước, một nòi một tiếng, thậm chí tới một đạo, mà chỉ vì khác cách c kiêng tu luyện, mà hóa ra khinh rẻ lẫn nhau. Hiện nay tại Ấn, có bốn triệu dân tiện tộc (dòng hèn) mà họ gọi là "hạng người không dám rớ" (les intouchables): muốn dịch theo ta cho dễ hiểu, thì gọi là "hạng người ô uế" thôi.

Từ ngày bên Ấn nổi phong trào cách mạng, thì ông Gandhi và đồ đảng của ổng lo giải phóng cho hạng dân bị bạc đãi nầy lung lắm.

Vừa rồi vì nài quyết cho hạng dân nầy được thuận đãi như các hạng dân khác trong trường chánh trị, mà ông Gandhi đã tuyệt thực hết bảy ngày. Sợ ông chết, các phái khác phải ép lòng mở rộng cửa chùa cho "bọn dân ô uế" kia vô. Họ vô để làm gì? Thì lạy phật, niệm kinh, ra tắm hồ nước phép cũng như các đạo hữu quý phái khác.

Ông Gandhi bãi tuyệt thực (nghĩa là ăn trở lại) chẳng bao lâu, thì bọn dân quý phái ta lật đật lo tẩy uế chùa mình và kiện với Ăng Lê xin cấm biệt chẳng cho "dân ô uế" vô trỏng nữa.

Thấy ruột rà trở mặt cho thiên hạ ra tay, công nhịn đói trước phủi rồi, nên ông cáo với nhân loại nhịn đói nữa cho chết đâu chết rảnh.

Vừa mắng tin(*) ông nhịn đói, một tốp đồ đảng của ông nóng ruột, bèn lật đật đi họp "dân ô uế" lại mà dẫn chúng lên chùa. Tới cửa chùa bị lính cấm chẳng cho vô, họ liền nằm lại đó mà nhịn đói rất đông để biểu tình bất phục. Bọn quý phái phản đối, thấy tụi kia liều mạng thì nổi đóa: "Chúng có gan nhịn đói, mình sợ đói sao cà?" Họ trực chỉ ngay cửa khám nhốt Gandhi, rồi nằm ì đó mà nhịn đói để cự cho chúng biết.

Cái phong trào thi nhịn đói nầy đã làm cho thiên hạ thất kinh mà gọi nó là cái "dịch tự sát" (épidémie de suicide).

Khổ quá! dịch lệ là bởi tại ôn hoàng,(*) còn người mà cả lòng tự sát lấy mình thì cái gì mà dịch lệ? Thông Reo nghe không đặng, nên tự cho là:  hồi trở đời, người ưa ngược đấy thôi.

Ở ta đây, thuở thái bình mấy ông đại biểu của dân thấy bọn ăn mày, ngày thì dang nắng dầm mưa, tối lại màn trời chiếu đất, mà phúc động lòng thương, liền lật đật yêu cầu xin thành phố phải cất một chỗ trú ban đêm (asile de nuit) để cho họ có nơi an giấc. Nhưng đó mới là một điều nguyện ước, chớ chưa thấy hiệu quả gì.

Độ nầy không hiểu dân An Nam ở đâu, mà hễ tối lại thì thấy họ chiếu đất màn trời ngủ chơi đông lắm. Thông Reo tôi nghĩ: không lẽ họ không nhà cửa, ra ngủ dật ngủ dờ? Mèn ơi! Tháng này trời còn mưa, ít bữa đây thổi bấc, mà ngủ ngoài trời như vậy nhuốm bịnh chết còn gì.

Không, không lẽ như vậy đâu. Dân là vốn của nhà nước, mà ai đời đâu có vốn bỏ rơi, ta? Có lẽ đám dân ngủ ngoài trời nầy họ tập giữ đạo tự nhiên (naturisme), nên mới ngủ kiểu ấy cho dày sương dạn gió chớ.

Thật vậy! Đời đương trở rồi có nhiều cái trẹo. Nếu nhịn đói mà còn ưa rủ nhịn, thì ngủ ngoài trời sao lại chẳng ưa, ta?

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6871 (16. 11. 1932)


 

(*) mắng tin: nghe tin, nghe nói, nghe tiếng (H.T. Paulus Của, sđd.) ; lưu ý : trong sách này, có chỗ đã sửa là "mảng tin". (NST)

(*) dịch lệ: "khí độc dữ thay làm cho người ta chết"; ôn hoàng dịch lệ: "quỷ làm ôn dịch" (H.T.Paulus Của, sđd.)

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân