TRỜI GẦN TRỜI XA

Ở xứ ta có một câu ngạn tự ba rọi (có nôm có chữ) mà tôi cho là đúng lắm. Câu ấy như vầy: "Bá nhơn bá bụng". Ờ, bá nhơn bá bụng! Hèn chi trong có một việc đầu phiếu cử đại biểu đi Tây, mà người thì chịu hạn chế hẹp, người thì muốn hạn chế rộng; kẻ thời ưa nam phổ thông, kẻ lại thích phổ thông nam lẫn nữ (*). Bá bụng, bá bụng! Chưa gì mà đã thấy chìu ... tư.

Nhưng, có một chỗ mà họ rất đồng ý kiến, ít phân tâm hơn hết, là chỗ tin có Trời. Con người ai cũng tin ông Trời là có thiệt, cái đó đành rồi! Có điều kẻ nói Trời gần, người gọi Trời xa thôi!

Trời gần hay trời xa?

Hỏi anh nhà giàu tại sao ảnh được giàu, ảnh nói "nhờ Trời giúp vận". Hỏi anh văn sĩ tại sao ảnh được hay chữ, ảnh nói "nhờ Trời phú tánh thông minh". Hỏi anh võ tướng tại sao ảnh được võ nghệ cao cường, ảnh nói "nhờ Trời ban cho cái tài bạt tụy". Hỏi cô gái đẹp tại sao có được cái vẻ yêu kiều, cổ nói "nhờ Trời cho em sanh nhằm nhà phúc hậu". Hỏi hết thảy mấy người may phước ấy "Trời gần hay Trời xa" thì họ vẫn đồng thanh mà tán tụng: "Nếu Trời xa thì bọn chúng tôi đâu có được gội nhuần ơn sủng huệ".

Ít năm về sau gặp anh nhà giàu bị sạt nghiệp, anh văn sĩ bị cuồng tâm, anh võ tướng bị bại trận, cô gái đẹp bị nên mùa, hỏi lại thì họ nói: Trời hại họ. Hỏi tiếp nữa: "Các người bây giờ tin trời gần hay trời xa?" – "Trời xa kêu không thấu anh ơi!" – Họ trả lời như tuồng hận oán lắm.

Nghe nói hồi đời cổ sơ, ông A-dong và bà E-và là ngươn tổ loài người có gặp Trời hoài thì mình biết hồi đó Trời hay xuống thế gian nầy chớ phải. Về sau Trời thấy loài người ngày một ngỗ nghịch, một cừ khôi, nên ngài ở miết trên tít mù xanh, không thèm lân la với khách trần gian ô trược nữa. Tuy vậy, theo mỗi nhà dưới thế, ngài có đặt: ngoài trước, một vị Du thần, đằng sau, một vị Táo quân, để xem xét việc đời mà rập-bo cho ngài biết.

Không rõ chư vị linh thần ấy họ rập-bo làm sao mà hình như mấy lúc sau nầy ông Trời ổng tỏ ý muốn gần tụi trần gian hơn thí nữa. Vừa rồi ổng có ra lịnh cho chư vị linh thần bổn cảnh chẳng đặng ở đâu ở đó như trước nữa, mà phải...... trong đám........, dò xem cho thấu đáo dân tình.

(Kiểm duyệt bỏ)

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6779 (14 và 15. 7. 1932)


 

(*) Từ đầu năm 1932, các báo hàng ngày ở Sài Gòn đưa nhiều tin và dư luận xung quanh việc Hạ nghị viện Pháp khi ấy vừa mới bỏ phiếu thừa nhận quyền tuyển cử của giới nữ. Tiếp sau đó, dư luận tập trung vào việc bầu cử một đại biểu Đông Dương tham gia Hội đồng Thuộc địa của nghị viện chính quốc. Nửa cuối năm 1932 dư luận lại tập trung vào việc bầu Hội đồng quản hạt mới. Một số cuộc diễn thuyết về quyền bầu cử, thể thức tuyển cử, mở đầu là cuộc diễn thuyết ở Tân Định tối 15/6/1932. Những người như Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Văn Bá ban đầu tuyên truyền ủng hộ phổ thông đầu phiếu, sau lảng tránh. Nhóm trí thức cánh tả gồm Nguyễn Văn Tạo, Trần Văn Thạch từ Pháp về, Nguyễn An Ninh ở tù ra, tích cực tuyên truyền cho phổ thông đầu phiếu và tự nhận ra ứng cử như đại diện cho giới lao động; họ chỉ trích những người như ông Kỳ, ông Bá là "hạng trí thức tôi mọi của tư bản".

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân