TRỜI PHÁ LỆ

Những hiện tượng tự nhiên trong thế gian tuy không ai chủ trương nó mà ra nghị định hoặc chỉ dụ, bắt phải làm theo cho y "lép", nhưng lạ lắm mà khéo lắm, những hiện tượng ấy rất là tuần tự chỉnh tề không hề sai chạy: Mặt trời cứ sớm mai thì mọc, mặt trăng cứ đến rằm thì tròn, cứ hễ đến mùa nóng thì có dưa xanh vỏ đỏ lòng, đến mùa mưa thì có nấm mối mọc, năm nào như năm nấy, đời nào như đời nấy!

Ai làm những điều ấy? Ai chủ trương nó? Người ta nói ấy là tại Trời hay là Đức Chúa Trời. Trời đã bắt hết thảy những hiện tượng trong thế gian phải làm theo ý ngài sở định, như là lệ vậy.

Ấy vậy mà năm nay coi bộ Trời cũng phá lệ rồi. Cái nầy kỳ cục lắm mà! Hay là tại trên thế giới nầy, nước nào nước nấy [....](*) việc người đổi thay xạo xự lắm, cho nên việc Trời cũng biến cải chăng? Ổng cũng sợ cứ chiếu lệ cũ mà làm hoài thì rồi mang tiếng thủ cựu chăng?

Ở Sài Gòn từ năm ngoái trở về trước, hễ đến Tết thì nóng nực rồi, nóng nực đến nỗi ban ngày ngồi không yên, ban đêm nằm không ngủ. Mặt trời ngày nào ngày nấy đỏ hực như lò than. Vậy mà năm nay chính những ngày ấy lại lạnh nhức xương, lạnh đến một tuần lễ. Ổng làm vừa ý người ta lắm; có nhiều đàn ông mang đồ nỉ mới, đàn bà may áo nhung mới, nếu Tết mà như mọi năm, thì mặc làm sao được; năm nay ổng lạnh, ổng làm cho họ diện "hiệp thời" quá chừng.

Ấy là ông Trời cách mạng về khí hậu.

Đến việc nầy nữa, việc nầy nữa mới quái.

Cái bịnh nên đậu nên mùa hay là nên trái trời gì đó, từ người Tây bầy ra phép trồng trái đến nay, ai cũng ngỡ là trừ bịnh ấy đã tuyệt nọc rồi. Vậy mà năm nay, hiện chầu rày đây, giữa Sài Gòn nầy thiên hạ phát ra nên đậu trời không biết mấy. Đã có nhiều người vì bịnh ấy mà chết nữa.

Tuy vậy cái đó cũng chưa lạ mấy. Còn có cái lạ hơn nữa, cải cách hết cỡ, phá lệ cũ trơn.

Mọi lần, hễ ai nên mùa thì nên một lần mà thôi. Người nào đã rỗ mặt một lần rồi thì không khi nào mắc bịnh ấy lại nữa.

Thế mà hiện ở Sài Gòn đây cái lệ ấy bị xóa bỏ. Rỗ mặt rồi thây kệ, ta biểu chú nên mùa lần nữa thì chú phải nên mùa lần nữa; nghe văng vẳng như ông Trời ổng nói vậy. Thật ngang quá cha người ta! Ngang thấy trời còn.

Nếu tôi nghe không lầm thì chính ông Nguyễn Phan Long là người bị ông Trời làm ngang trước ai hết. Có phải ông Long đã nên mùa đâu hồi nhỏ, mặt ổng đã rỗ hoa mè rồi không? Vậy mà nghe chừng tuần lễ nay ổng cũng phải nên mùa lại, có điều nhẹ, mà cũng đã xuống rồi.(1)

Thông Reo thật hay nói sang đàng hết cớ. Đương nói chuyện Trời phá lệ bắt qua chuyện ông Long, bộ muốn nói vòng rây ra giống gì nữa đó?

Không có gì, chỉ vì ông Long là tay học rộng văn hay, mà lóng nầy ông lại nên mùa, thế thì mình nói đến chuyện ổng, mình cũng nên lấy tư cách nhà ăn học ra mà khảo cứu chút đỉnh lịch sử đậu trời chơi.(*)

An Nam ta không có sách nào nói tới nó rồi, mà sách Tàu, hơn hai ngàn năm trên cũng chẳng thấy sách nào có nói hơi hám đến chuyện con nít nên mùa hết. Có một cuốn sách chép rằng từ khi Mã Viện đi đánh Giao Chỉ, quân sĩ mang bịnh ấy từ bên Giao Chỉ về, kêu là "ghẻ giặc" (lỗ thương), chớ cũng không kêu là đậu nữa; nhưng từ đó về sau Trung Quốc mắc bịnh ấy càng ngày càng nhiều và kêu bằng "đậu hoa trời" (thiên hoa đậu).

Cứ theo sách ấy thì bịnh đậu là bịnh thổ sản của An Nam ta hay sao? Chỉ thấy anh Tàu nói vậy, chớ ta không có sách nào ghi chép việc ấy thì biết đàng đâu mà nghiệm thử thiệt hư.

Cho đến các truyện ký của Tàu, họ ưa tả hình thể trạng mạo người ta, song nói chi thì nói, chớ không thấy nói đến ai rỗ mặt. Cho đến đời nhà Đường, lần thứ nhứt sách mới nói đến sự rỗ mặt.

Sách Văn uyển anh hoa nói: Trần Ám, người Dĩnh Xuyên, 13 tuổi, đem những bài thi của mình trình cho ông huyện Thanh Nguyên xem. Khi ấy Ám nên đậu mới dậy, vảy rụng còn chưa liền dấu, quan huyện thấy mà nói dỡn rằng: "Trò tài hoa trổ đầy nơi mặt, sao không vịnh thử một bài?" Trần Ám liền đọc một bài thơ bốn câu vịnh sự rỗ mặt của mình. Bài thi không hay gì lắm, nên chẳng dịch làm chi.

Bịnh đậu trời có dính dấp với làng văn học nên kể từ đó là đầu. Cho đến ngày nay lại thấy nhà văn học Nguyễn Phan Long nên mùa hai lần, cũng là một câu "giai thoại" nên chép lấy vậy.

Trời phá lệ mà phá đến ông Nguyễn Phan Long thì cũng đã thấy khó ăn khó ở với ổng lắm rồi. Còn ông Phạm Quỳnh, cũng rỗ hoa mè như ông Long mà cũng viết Pháp văn giỏi như ông Long, cũng làm Hội đồng kinh tế như ông Long, thế thì ông cũng nên coi chừng, nên liệu lấy.

THÔNG REO

    Trung lập, Sài Gòn, s. 6696 (4. 4. 1932)


 

(*) Chỗ này báo gốc để chấm lửng liền gần 2 dòng.

(1) Chuyện nầy một người bạn tôi đã nghe ông H.T. nói trước mặt ông Đ.T.N.(*) (nguyên chú).

(*) H.T. có lẽ là Hồng Tiêu; Đ.T.N. là Đào Trinh Nhất.

(*) Bệnh đậu mùa (Latin: Variola; chữ Anh: Smallpox): căn bệnh lây truyền chỉ trong loài người; gây tử vong cho 30% - 35% người mắc; đã thanh toán trên toàn thế giới từ 1977.

 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân