TÙ TRỜI

Trong một ngàn người, chín trăm chín mươi chín người nghe đến hai tiếng "ở tù" thì sợ. Nghe đến bốn tiếng "chung thân khổ sai" thì họ lạnh xương sống. Mà đối với cái đời của một anh bị tòa đại hình kêu án "khổ sai chung thân", xét cho kỹ lại, cái đời người của mình đây thật không thấy có chi là hơn.

Như hiện nay đối với anh em thất nghiệp, thì người ở tù khỏi lo về cơm áo thuốc men, có phải là người ở tù lại có phần hơn không? Nếu nói đến những sự nhục nhã hằng ngày, thì thân phận những người làm tôi tớ cho người ta cũng không hơn thân phận anh tù. Ở tù lâu ngày, tù với "thầy chú" quen nhau, lâu năm rồi cũng hết gắt gao như khi đầu, có khi lại cũng thương nhau. Chớ ở trong thời kỳ kinh tế khó khăn nầy, chủ nhân đối với lao động càng ngày lại càng thêm thắt buộc. Anh tù, dầu cực khổ bao nhiêu, cũng còn nhớ vì mình có tội mà không than phiền. Chớ như Thông Reo đây chung thân lao khổ mà không biết là vì tội chi.

Cái đời của Thông Reo, mệt không được một phút hả hơi, vô hi vọng đối với tương lai. Mà vợ của Thông Reo không biết nó có hy vọng vào đâu mà năm nào nó cũng đẻ. Anh tù khổ sai kia khỏi sanh con, cái viên đạn sắt to cột vào chơn của anh ta, nó đeo theo anh ta giỏi lắm thì tới cuối đời của anh ta là cùng.

Có kẻ nói ở tù không được thong thả đi chơi chỗ nầy chỗ kia. Xét lại, thì trong đám người sống trên trái đất nầy, không mấy ai được ngao du trong một khoảnh đất rộng hơn hòn Côn Lôn.

Sự sống của bọn nghèo không hơn gì sự sống của một người tù khổ sai chung thân. Mà như Yvar Kreuger kia, một ngàn triệu bạc quẳng ra như như chơi, rồi cuối cùng chết vì viên đạn súng lục, chắc anh ta cũng không sướng gì.

Xưa kia có một nhà triết học kêu con người là tù của Trời, không phải là sai.

Dân Huê Kỳ có tài lập ra cái gì cũng "đúng". Những khám bên Huê Kỳ, chánh phủ chế ra cái kiểu "ngôi sao" cốt cho tù không vượt ngục được, mà rồi cũng có tù thoát nổi. Chớ như cái khám của Trời đấy, tròn vo, không có ngõ đi ra đâu hết, đố ai thoát khỏi Thông Reo mới phục tài.

Trong năm khủng hoảng rồi đây, bên Âu châu lắm gia đình lao động mượn súng lục mà thoát khỏi vòng khổ nhọc. Bên ta, không cần phải nói đến Nghệ Tịnh, chỉ ở tại Sài Gòn đây mà mấy ngày trước có anh thợ thuyền thất nghiệp nhảy xuống sông tự tử, rồi kế thầy thông ở sở máy bay mượn giây làm cầu đưa hồn thầy qua cõi khác, họa may có tìm được sở làm ở âm phủ chăng.

Anh em thất nghiệp ơi! đã là tù của Trời, dễ gì mà thoát khỏi trái đất nầy. Thôi thì cùng Trung lập hiệp lực, mua một chút gì để giúp nhau cho dễ thở trong vòng lao khổ ngày nay, có lẽ còn hay hơn cái phương túng cùng kia.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6838 (23. 9. 1932)

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân