VĂN SĨ VỚI CON BUÔN

Văn sĩ là văn sĩ mà con buôn là con buôn, việc gì Thông Reo tôi bữa nay lại ghép họ đi đôi như có cặp? Không, không phải tôi muốn nói: văn sĩ bao giờ cũng đánh đôi với con buôn, hay hoặc con buôn lúc nào cũng cặp nãi với văn sĩ đâu. Muốn cho cô bác anh chị khỏi hiểu lầm chỗ đó, tôi xin đơn cử một gương sáng để làm ví dụ.

Văn sĩ như ông Còm-mi Nguyễn Ngọc Ẩn, hiện đương tùng sự tại Soái phủ Nam kỳ kia: trong chức vụ của ông, ông vẫn giữ tròn ba đức: thanh, thận, cần, đã từng được quan trên tín nhiệm; còn ngoài cái phận sự ấy, ông đành gác bỏ hết mọi sự chơi bời, lo giành giụm chút thì giờ nhàn rỗi mà nghiên tinh đàm tứ, cặm cụi tìm tòi dám cả chục năm trời, mới làm ra được một bộ sách (2 quyển) rất có giá trị nhan là "L' Emploi des modes et des temps des verbes en français" (Phép dùng "cách" và "thì" của các động từ chữ Pháp).

Viết xong bộ sách, ông muốn đem mà cống hiến cho đời; song tiếc thay! ông cũng như phần nhiều nhà văn sĩ khác, đã giàu chữ lại không giàu tiền bạc. Ông phải kiệm cần góp nhóp được một số vốn nhỏ, bỏ ra mua giấy mướn in lần một quyển nhứt, rồi ngồi đợi cho quyển nầy bán chạy, sẽ té tiền mà xuất bản quyển nhì.

Có ông văn sĩ khác lại chẳng chịu tính thiệt thà như ông Nguyễn vậy. Họ thầm nghĩ: "Mình là nhà hay lý thuyết chớ về phương thực tế mình đâu có bằng ai. Muốn cho chữ ta bán chạy trong cái buổi của tiền eo hẹp nầy, âu là phải dựa vào kẻ cho sành nghề quảng cáo. Mà kẻ sành nghề quảng cáo biết thăm hơi dọ ý bạn hàng, thì có ai mà ăn đứt nậu con buôn đặng". Bởi nghĩ thế nên mới có nhà văn sĩ ưa đánh đôi đánh đọ với con buôn. Rồi cũng thòi một bộ sách giáo khoa, mà con buôn nọ khéo sử bày các bào chuốt điêu ngoa được có làm quảng cáo.

Như bộ sách Hán văn độc tu của tác giả Phan Khôi soạn mà Phụ nữ tân văn tuần báo mới đăng trong tập 161 ngày 28 Juillet vừa rồi đó. Trong bài rao hàng nhan là So sánh văn Pháp với văn Tàu tác giả có câu: "Sự so sánh nầy, chẳng biết trước chúng tôi đã có ai làm hay chưa?" Thông Reo tôi xin thày lay mách miệng giùm: "Có! có ông A. Chéon, người Pháp, đã xuất bản tại Hà Nội một quyển sách tương tợ như bộ sách của Phan Khôi, nhan là Eléments de Grammaire de Langue Chinoise Ecrits (Yếu lãnh mẹo của Tàu). Sách so sánh dẫn giải đúng theo mực mẹo chữ Pháp, song tôi xem rất là khó học cho kẻ mới bước đầu.

Phan tiên sanh không biết có cái sáng kiến gì hay hơn A. Chéon kia chăng? Thì bà con ai ham học chữ Hán cứ mua ít tập Phụ nữ tân văn mà chiêm nghiệm thử. Như hay thì ta sẽ gắng công chờ đợi cho họ nhỉ từ giọt mà góp gom cái cách mới của người mình. Nhưng tôi xin nhắc sảo(*) để bà con nhớ: P.N.T.V. mấy lúc sau nầy sao nó đảo xang lộn xộn quá! Nói báo P.N.T.V. hằng ngày trễ lắm là vài tháng để trở nên đúng đắn, rồi thình lình lại dẹp ngang đi. Lúc P.N.T.V. ra hằng ngày, có một mục khôi hài như mục nầy, mà từ cái tên "Chuyện ngày nay", "Xã hội tọa đàm", "Trước ngọn đèn xanh" cho đến "Tùng đào", "Cô Tư đất Hộ", "Thông cách", "Đông châu" gì cũng xà bừa ráo. À, chớ còn bà con có đọc được Dịch văn Tư Mã Thiên họ đã rao hồi đầu tháng trước đó trong P.N.T.V. tuần báo số nào chưa? Thiệt họ khéo tráo chác trở xoay như chong chóng!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6792 (30. 7. 1932)


 

(*) nhắc sảo: nhắc sơ qua.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân