VÀNG THIỆT KHÔNG SỢ LỬA

Cái thiệt bao giờ cũng nên trọng, mà cái giả bao giờ cũng nên khinh. Chẳng những nên khinh vậy thôi, mà lại mỗi một người, nếu biết cái địa vị của mình là một phần tử ở trong xã hội, thì bổn phận mình nó bắt buộc phải làm cho lòi cái giả ra, để cho cái giả ấy chẳng còn đem mà xài với ai được nữa.

Đời nay là đời khó kiếm ăn, thêm vì cái nạn kinh tế nhũng nhẵng như vầy, thì những nghề "ba trợn" như thầy bói rong, thầy thuốc hội, thầy thầu hai mặt, chủ nhà máy ba ngoe, v.v. hạng người như thế đã là có hại cho bà con rồi. Còn nói chi mấy mẹ chẳng phải nghề mà lên mặt nhà nghề kia mới khổ.

Đây tôi xin thuật lại một chuyện xưa cho bà con nghe: Vua Tuyên Vương nước Tề thích nghe thổi ống sáo và lúc nào muốn nghe thì dạy cả ba trăm người cùng thổi một lượt cho ngài nghe. Trong bọn ba trăm người ấy, có Đông Quách tiên sanh không biết thổi ống sáo, nhưng cũng lạm dự vào đám để kiếm ăn. Đến khi vua Tuyên Vương mất, vua Mẫn Vương lên nối ngôi, cũng thích nghe thổi ống sáo. Nhưng chỉ muốn nghe riêng từng người một mà thôi. Đông Quách tiên sanh thấy  thế, lo tìm đường trốn trước.

Đời ấy là đời quân chủ, người người đều chú trọng ở nơi vua, cho nên đến người thổi ống sáo cho vua nghe họ cũng là chú trọng. Đời nầy tuy ở xứ ta chưa nói được là dân chủ (le peuple-roi)(*) như bên Pháp, chớ cũng dựa theo thầy Mạnh mà gọi "dân vi quý" đặng mà!

Biết lấy dân làm trọng rồi, thì bọn người thổi ống sáo cho dân nghe, – tôi muốn nói bọn chủ báo và viết báo, – phải cho có thiệt tài, đừng ba trợn; vì ba trợn thời sớm muộn gì cũng phải lòi chành(**).

Tôi có nghe mấy cô nữ đồng bào nghèo, họ miễn cưỡng sắm đồ xuy(*) mà đeo; đến chừng xuy tróc thau bày họ nói lái một cách rất buồn cười rằng: "Nó lì xoi!"

Ờ, cuộc đời xô đẩy đụng chạm hoài, nếu không phải là vàng thiệt, thì dầu cho muốn làm lì đi nữa là nó cũng lì xoi.

Như có một ông chủ báo kia, rất rành nghề buôn, song gặp hồi buôn bán chẳng ra gì, ổng mới xoay qua nghề "thầu buôn báo". Ổng viết báo không được, cứ thuê người viết sẵn đề tên ổng. Ai khổng tưởng ổng rành nghề, nên đám tiệc đám tùng nào, họ cũng mời cho được ổng mà hậu đãi theo trang đồng nghiệp.

Một hôm nọ, trong bữa tiệc đãi hai bạn đồng nghiệp rất có tiếng ở Bắc vô, một ông khách đứng dậy trả lời về sự anh em tiếc cho cái cách ổng trù sửa quốc ngữ mà chưa được thông dụng, ổng nói rằng: Ở đời vô luận thuyết gì miễn ổng tin là hữu ích, thì ổng cứ việc bày ngay. Nếu nó quả là thích dụng cho đời thời sớm muộn gì cũng sẽ có người đem ra mà công dụng.

Ông chủ báo "Đông Quách" kia lành chớ vùng vọt miệng thổi: "Biết vậy mà phải làm quảng cáo mới được chớ!" Lì xoi!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6756 (17. 6. 1932)


 

(*) Cách ghi nghĩa tương đương Việt - Pháp (dân chủ =  le peuple-roi) thích hợp với ngữ cảnh của văn hài đàm, nhưng cũng cho thấy ý muốn nhấn mạnh của tác giả (dân chủ = dân là vua).

(**) lòi chành: đổ vỡ, lộ bí mật (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.).

(*) đồ xuy: đồ tráng nước vàng nước bạc, đồ giả (H.T. Paulus Của, sđd.)

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân