VIẾT QUỐC NGỮ MÀ KHÔNG ĐÁNH DẤU LÀ HẠI LẮM

Có một ông kỹ sư An Nam mới đậu ở bên Tây về, về một cái, là ông làm việc cho nhà máy kia ở Sài Gòn, mỗi tháng ăn những bốn trăm đồng bạc lương chớ không ít; mà coi bộ chủ Tây khen và trọng ông lắm, cứ khoe với người ta rằng người kỹ sư của mình siêng năng cần mẫn không ai bằng.

Vậy mà bữa kia ông kỹ sư nọ đi làm việc về thấy cái quảng cáo báo sách họ dán dọc đường, làm cho ông ấy tức cành hông.

Ông vừa đi vừa chưởi lằm bằm: "Thằng nào lại dám làm sách mà chưởi tụi kỹ sư kìa? Kỹ sư mà sao chúng nó lại kêu bằng "lũ trùng"? Kỹ sư có ăn báo ăn hại ai như con trùng mà chúng nó dám kêu người ta như vậy?"

Đi ít bước nữa, ông tức quá, ông ta ùng oằng một mình như vậy nữa. "À, có một hạng người ăn bám sổ dự toán, người ta kêu bằng "budjétivore" (*) thì có, chớ kỹ sư có hề phá hại ai đâu mà chúng nó lại kêu "Lũ trùng kỹ sư"? Ừ, mấy thằng cha viết sách nó muốn chết dịch chết toi với tao rồi đây, tao phải làm cho chúng nó biết tay một chuyến!"

Ông nói vậy rồi ông trở lộn lại ghé vào hàng bán sách có dán quảng cáo đó mà mua một cuốn "Lũ trùng kỹ sư" theo như ý ông tưởng từ nãy đến giờ.

Lũ trùng kỹ sư, bán cho mua một cuốn đây.

Ông hỏi vậy chớ trong bụng ông hằm hằm, tính phen nầy về coi cho biết cái tên "ô-tưa" của nó, rồi một thì kiện cho nó đáo án chơi; hai nữa không kiện thì cho thằng cha Bảy Dộc ít ngao tài biểu nó đánh cho mà què cẳng. – Bảy Dộc ở Sài Gòn là tay lườm lắm, muốn đánh ai thì đánh, ai lại chẳng biết.

Cô chi nho nhỏ đứng bán sách đó bèn hỏi lại ông kỹ sư, vì cô nghe chưa hiểu:

– Ông muốn mua sách chi?

– Thì sách có dán quảng cáo đó. Lũ trùng kỹ sư chớ gì? – Hồi đó ông giận lung, dằn cái nóng xuống không nổi, ông vọt miệng chưởi luôn rằng: "Mẹ cha đứa nào làm cuốn sách nầy!"

Cô nhỏ nghe mà nín cười không được. Song cô cũng cứ việc lấy sách bán cho ông mà nhận 0p50 nơi tay ông. Ông kỹ sư bèn đi.

Đến đây, ông kỹ sư mới biết dè dặt hơn hồi nãy. Ông thọc cuốn sách vô túi quần, trong bụng nói: để về nhà bình tĩnh sẽ coi, chớ coi ở đây rồi nổi nóng lên chưởi bậy dọc đường, người ta cười cho mà chết.

Về nhà rồi, thay đồ, rửa mặt rửa chưn tử tế, lên nằm trên ghế xít-đu, khi ấy ông kỹ sư mới mở sách ra coi. Coi tới ở trong thì té ra là sách Lữ trung ký s, của tác giả Nguyễn Tường, nói chuyện du lịch bên Tàu bên Xiêm,(*) chớ không phải là sách nói xấu kỹ sư.

Ông ta khi ấy mới chưng hửng. Nhưng tội không ở ông ta mà ở cái quảng cáo viết không đánh dấu, làm cho ông ta hiểu lầm. Mà thứ quốc ngữ không đánh dấu thì còn ai không hiểu lầm chớ?

Ông kỹ sư đọc hết cuốn sách, chửng mới vui vẻ người ra, chẳng những ông không giận như khi nãy, mà ông còn lấy làm khoái vì đọc cuốn sách đó, biết thêm được nhiều việc mới bên Tàu.

Không biết cái người làm quảng cáo cho hàng sách đó ăn  bao nhiêu tiền, chớ Thông Reo làm đây chẳng được đồng nào hết. Cơ khổ!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6675 (8. 3. 1932)


 

(*)budjétivore (chữ Pháp) dùng trong sắc thái đùa cợt, trỏ kẻ ăn hại ngân sách.

(*) Nguyễn Tường, còn ký các bút danh Xích Việt, Nam Yến, có thời gian viết cho Trung lập, sau chuyển sang viết cho Công luận; sau thời gian này, cuốn Lữ trung ký sự bị cấm, Nguyễn Tường bị bắt vì can dự vụ Nam Cường thư xã (theo Thực nghiệp dân báo, Hà Nội, 16.4.1932).

 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân