VONG ƠN

Ở xứ nầy ai mà mang phải một tiếng mắng "đồ vong ơn bạc ngãi", thì thôi, nó nặng làm sao! Song xét cho kỹ lại thì tiếng "ơn", nhiều người hiểu nó một cách hẹp hòi quá. Thành ra nghe nhiều người kể ơn nói xấu cho kẻ mắc ơn họ, nhưng khi mình tra hạch rõ ràng lại thì cái ơn kể ra đó thật không có gì đáng gọi là "ơn" được.

Nhiều ông đến mượn mình giúp giùm việc nọ việc kia, họ cứ nhắc: "Chú hồi trước quen với ông thân của cháu nhiều lắm. Chú biết ông nội của cháu nữa". Như mình, vì mắc việc hay là vì không thích giúp những việc bất công, mà xin mấy ông đi cậy người khác, thì mấy ông giận coi mình như là đứa vong ơn. Quen với cha mình, biết mặt ông nội mình, bao nhiêu đó đủ kêu là ơn; cũng lạ cho!

Bây giờ Thông Reo tôi muốn nói đến cái nghĩa cao cao của chữ "ơn".

Con người đã cần hội hiệp thành xã hội đặng nhờ nhau mà sống cho dễ dàng hơn và làm nhiều việc to tát hữu ích chung mà sức cá nhơn không làm nổi, thì, sống trong xã hội, con người phải tương trợ nhau là lẽ tất nhiên. Mình thiếu sức, người ta giúp mình, đến chừng người ta thiếu sức, mình không giúp lại người ta, người ta kêu mình là đứa vong ơn, mình cũng phải nhìn nhận rằng mình mắc hai tiếng ấy không phải là oan.

Tương trợ là hay. Mà lắm khi mình không giúp người cũng không được. Vì cái cách của con người sống chung với nhau làm cho sự sống của người nầy có quan hệ với sự sống của người kia. Tỷ như nếu trong xã hội mà không ai lo cho mấy người có bịnh cùi hay là bịnh ho lao thì có hại cho cả xã hội. Cho nên nếu mình giúp cho các sở trị bịnh chung của xã hội thì cũng có thể nói rằng mình làm ích cho mình được. Mình cứu giúp đám thất nghiệp thì mình tr bớt cái nạn bần cùng đói rách. Cái nghĩa của chữ "ơn", ở đây đà có hơi rắc rối một chút.

Tỷ như ông già của mình đi xứ xa rủi chết ngoài đường. Làng sở tại lén tối kéo qua bỏ bên làng bên kia, làng bên kia tối lén kéo trở lại làng bên nầy. Họ bỏ qua bỏ lại, không ai chịu chôn. Thét lâu ngày thúi quá, kẻ qua người lại đồn rùm lên, họ phải chôn. Đến chừng mình hay tin tức, tìm đến nơi  hỏi thăm làng, làng kể ơn, biểu mình phải lạy cả ban hội tề và lãnh giữ đình một năm đặng trả ơn. Cái ơn của làng đó, như mình không trả, có phải mình là vong ơn không?

Thông Reo có một người bạn được du học ở Pháp là nhờ một ông hội đồng kia không có con, muốn giúp sức cho học trò nghèo, cốt cho đặng mai sau có tiếng làm cha nuôi của một ông quan tòa. Lòng tham muốn đó, lắm cha ruột cũng muốn cho con mình được địa vị cao sang thế ấy. Nhưng hại thay! anh bạn của Thông Reo đến chừng học xong, lại để cái chí của mình ở ngoài sự mong làm quan, lại còn quăng luôn cái vấn đề "no cơm ấm áo". Ông hội đồng rất thất vọng, cho anh ta là đứa vong ơn.

Thông Reo một khi kia nhắc chuyện ấy lại với bạn, thì bạn lại cười mà nói: "Ông ta háo danh, nhưng háo danh theo kẻ thấp. Nếu mình được thiên hạ quý mình, thì chắc ông ta vui lại". Một lát lâu bạn lại thêm: "Frédéric Nietzsche có nói câu nầy, anh nghĩ sao? "Cái tánh vong ơn là cái dấu đặc biệt của người có tinh thần mạnh".

Thông Reo giựt mình.

Bạn lại nói thêm: Nếu Nietzsche nói: "Cái tánh vong ơn là cái dấu đặc biệt của một dân tộc mạnh", thì cũng là đúng vậy.

Nghe câu ấy, Thông Reo nhớ tới "Khổng Tử chi đạo" ở Cực Đông. Đối với Khổng Tử, thanh niên Tàu thật là vong ơn, đánh đổ thuyết của ngài, không vị tình chút nào hết. Mà nếu Tàu còn trọng Khổng giáo, quý thầy đồ thì không biết tương lai của Tàu ra sao.

Thông Reo, không dám như anh bạn, sùng bái cái tánh vong ơn. Nhưng đối với chữ "ơn", Thông Reo muốn nhắc câu của La Rochefoucauld(*) "Những đức tốt của nhơn loại đều trôi mất vào trong tư lợi như các con sông trôi ra biển cả".

THÔNG REO

    Trung lập, Sài Gòn, s. 6833 (17. 9. 1932)

 


 

(*) François La Rochefoucauld (1613-80) nhà văn, nhà đạo đức học Pháp.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân