VUA MIDAS TAI LỪA

"Nhà có ngạch vách có tai". Câu tục ngữ ấy, tuy thiên hạ hay dùng nhưng cũng còn chưa đúng với sự thật. Vách có tai, nghĩa là sau vách đó có tai. Tai nghe rồi, miệng học lại. Cái tài truyền khẩu cũng là một cái tài hay của thiên hạ. "Dễ gì lấy thúng úp voi", nghĩa nó cũng tròm trèm với câu trên đó.

Con người là con thú có tánh tựu hội với nhau đặng sống.   Cá nhơn hội hiệp với người là lợi. Nhưng mà, "lấy thúng úp voi" không được, bị "vách có tai" nó lóng tai nghe chuyện tư của mình mãi mãi, ấy là chỗ bất lợi cho cá nhơn trong sự kết đoàn với kẻ khác.

Những câu chuyện trong Hội chợ Phụ nữ, chuyện của ông Giáp, Ất nào sanh sự trong gia đình mà làm cho bà nổi ghen    làm điều tàn ác, những chuyện ấy cũng là một vài chuyện trong muôn triệu chuyện hằng ngày mà không sao tránh cho khỏi cái "vách có tai".

Nhưng xét cho kỹ lại. Bao nhiêu những sự thiệt trong đời mà có lộ ra, cũng không phải là vì cái tánh tọc mạch và thèo lẻo của nhơn loại đem báo cáo cho thiên hạ biết.

Xưa kia có vua Midas là một nhà vua tham vàng một cách vô nghĩa lý. Vua Midas có lẽ vì bị cái tánh đó nó làm cho không phân biệt được tiếng đờn hay dở. Vì vậy mà thần Apollon giận mới hóa hai cái tai của vua Midas ra hai tai lừa. Vua Midas từ đó phải đội mão cao để giấu cặp tai lừa của mình. Nhưng mà giấu thì giấu với thiên hạ, chớ với anh chải tóc cạo râu của vua, vua làm sao giấu được.

Mà các anh thợ cạo thì cái miệng hay nói. Anh thợ cạo của vua Midas ngứa miệng quá, mà vì sợ nếu lậu sự thì đầu của mình rơi, cho nên lấy một cái hũ, nói vào trong: "Vua Midas mọc tai lừa", niêm miệng hũ lại cho chắc như thầy pháp niệm hũ nhốt quỷ ma, rồi đem hũ ấy chôn giữa một bụi lau con. Anh thợ cạo hả được hơi, về nhà ăn ngủ yên tâm.

Ngờ đâu ít ngày bụi lau lớn lên. Mỗi khi gió đưa bông lau phơ phất, thì bụi lau rầm rì với gió: "Vua Midas mọc tai lừa". Vì vậy mà gió bay chuyện mật. Mà gió thì có tánh hay đi, lại đi xa. Thành ra không bao lâu cả thiên hạ đều hay sự thật của vua Midas.

Nếu vua Midas muốn buộc tội kẻ làm lậu sự mật của nhà vua, thì làm tội chị "gió" là đáng lắm. Chớ như anh thợ cạo thì ai xét kỹ cũng thương giùm cho anh. Chuyện đó nó trái quá, dễ gì cho anh ta ngậm miệng.

Như Thông Reo đây được làm thầy kiện cho anh ta, thì Thông Reo xin hỏi vua Midas: "Ai biểu Hoàng thượng có tai lừa chi?" Thông Reo lại cứ nài xin: "Xin Hoàng thượng làm tội một mình "gió" thôi. Trong chuyện nầy, một mình "gió" là có tội".

Buộc tội "gió", nghĩa là buộc tội "không khí". Vì theo khoa học: có không khí con người mới nghe được, thấy được.

Nhiều "sự thật" của thiên hạ hết sức giấu mà không thể giấu được, không phải là vì "nhà có ngạch, vách có tai".

Hỏi thử thầy coi tay, coi tướng đó thì biết.

Cái tánh của mình, những ý kiến rất bí mật của mình, nó còn lộ ra trong từ mỗi việc làm, mỗi lời nói cỏn con của mình.

Nếu vua Midas hay là hai vợ chồng Nguyễn Đức Nhuận không chịu buộc tội lấy mình, thì buộc tội "không khí" kia là trúng công lý.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6810 (19. 8. 1932)

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân