Bà góa Cao Xuân Xang

Tục ta, khi xưng một người đàn bà chết chồng thì kêu bằng bà góa; nhưng chỉ kêu bởi miệng thôi, viết ra, không ai viết là bà góa hay quả phụ là tên nọ tên kia bao giờ; không có như tục tây, khi viết ra mà xưng người đàn bà chồng chết, phải nói là “madame veuve”.

Cái tục tây ấy, có kẻ giải thích ra một cái nghĩa cũng hay hay. Họ nói: Trong nữ giới các nước Âu châu không có nhiễm cái thuyết tùng nhất nhi chung, không bị buộc phải thủ tiết cùng người chồng đã khuất. Thói thường họ, đàn bà chết chồng mà tái giá là sự đương nhiên, xã hội không hề phi nghị. Thế thì khi chồng chết rồi, người đàn bà phải tự xưng là Madame veuve, hay người khác xưng cũng xưng là Madame veuve; như thế, để cho những trai không vợ biết qua cái lý lịch, hầu được rộng cơ hội mà tính bề chắp nối dây duyên.

Tàu với ta thì không thế. Theo lễ, đàn bà chỉ một chồng mà thôi. Bà kia lấy ông Cột hay ông Kèo, được gọi là bà Cột hay bà Kèo, thì khi ông ấy chết rồi, cũng vẫn cứ gọi như thế, tỏ ra rằng bà nọ trước kia thuộc về ông ấy, bây giờ ông ấy chết rồi, nhưng cũng vẫn thuộc về ông ấy. Bao nhiêu cuộc tái giá đều là phi lễ; tuy không phạm luật mặc dù mà “phạm lễ”.

Thế thì làm sao chúng tôi lại nêu lên rằng “Bà góa Cao Xuân Xang”, từa tựa như tục tây? Hay là chúng tôi theo tục tây?

Không, không phải vậy đâu. Cái góa của bà này, có điều đặc biệt lắm, khác với cái góa của bao nhiêu người chết chồng khác. Cái góa ấy nó làm cho con người bà ta được cao lên, được tôn lên khác người thường. Giá không có cái góa ấy thì, bà Cao Xuân Xang là bà Cao Xuân Xang, chúng tôi cũng chẳng đến đem ra bình phẩm.

Vì cớ ấy, chúng tôi phải nêu lên “Bà góa Cao Xuân Xang”, rồi nói gì hãy nói. Cái hình thức tuy giống tục tây mà cái ý nghĩa không giống ‒ có khi lại trái nhau kia nữa.

Bà góa Cao Xuân Xang, con gái quan Đông các Hồ Đắc Trung, lúc về với ông Cao, đã ngoài 20 tuổi. Ấy là một cuộc hôn nhân lạ lắm, hình như chẳng có ông Trời nào xây định hết, chẳng có ông Tơ bà Nguyệt nào xe duyên hết, mà chỉ do cái ái tình, cái cao nghĩa, cái quả quyết của một người khuê nữ là bà ấy.

Bấy giờ ông Cao làm quan ở Huế, xảy gặp sự gia biến bất ngờ: vợ ông trầm mình dưới sông Hương để lại cho ông sáu đứa con vừa trai vừa gái đều còn nhỏ. Giá người viết bài này là đàn bà, thấy cái cảnh ngộ của một người đàn ông như thế, thương hại thì cũng thương hại thật, nhưng bảo dấn thân vào để chịu một phần khổ cho đỡ bớt ông ấy, thì cũng phải lạy dài xin thôi!

‒   Tôi là con gái nhà quan, ngoài 20 tuổi chưa có chồng, là tôi kén chứ không phải tôi ế. Đây rồi tôi sẽ lấy được anh cử anh nghè nào mới đỗ ở bên Tây về chẳng hạn; không thì, thiếu chi thứ tổng đốc, bố chính, tham tri, thượng thư chết vợ, tôi cũng chờ chọn lấy một người. Chứ ăn gì mà bảo tôi bà lấy cái anh trung niên bất hạnh kia? ‒ Tôi mà làm con gái quan Hợp Hồ bấy giờ tức là bà Cao Xuân Xang ngày nay thì tôi nói như vậy. Mà câu nói của tôi ấy là câu sẵn có trong lòng một người đàn bà, cũng chẳng ai lấy đó mà cười tôi.

Huống chi ông Cao lại là người có bệnh nữa. Cái bệnh lao ấy mà. Cái bệnh không sớm thì chầy, người mắc nó phải vào săng.

Thế mà lạ lắm! Không biết cảm nhau thế nào, biết nhau tại cái chi, bà ấy bấy giờ một hai chỉ lấy ông Cao Xuân Xang mới nghe, dù cha mẹ phàn nàn, anh em ngăn trở cũng không hề đổi ý.

Người ta nói, ông Cao con người đứng đắn, làm cho bà bình nhật đã nghe mà kính phục rồi. Khi ông bị một người đàn bà làm tổn hại cái hạnh phúc trong gia đình lại quan hệ đến danh dự nữa, thì ông đâm ra chán và ghét, bảo rằng đàn bà là thứ người không thể coi là đồng tâm đồng chí được. Tức vì câu ấy, bà mới nói: “Đàn bà cũng theo người chứ, có muốn thì để rồi xem gái này ra sao!...” Nhân đó mà bà… về làm dâu họ Cao.

Dư luận ở Huế đối với việc nầy, người ta thấy rõ lắm. Ai cũng bảo bà ấy lấy ông Cao là bởi hai cái chí nguyện: một là để rửa tiếng cho hết thảy đàn bà; một là để cứu vớt lấy đàn trẻ bơ vơ.

Quả nhiên lấy nhau năm 1929 thì đến năm 1930 ông Cao Xuân Xang chết, bà trở nên bà góa.

Việc mình làm ra, mình chịu lấy, không hờn duyên tủi phận, không trách đất than trời, mà cũng không cằn rằn với cha mẹ anh em, bà thản nhiên làm bà goá.

Bà đẻ cho ông Cao được một mụn con trai. Thế mà ngày nay, bà ở với sáu đứa con riêng của ông, còn chính đứa con trai bà đẻ ra ấy, lại nuôi ở nơi khác. Sao lại có chuyện lạ thế? Người quả tình ư? Quả tình thì sao lại âu yếm được một đàn con vịt? Người lập dị ư? Lập dị gì đến nỡ mần ngơ với máu thịt của mình? Chúng tôi người trần, làm sao hiểu được cái chỗ bí áo của đứng từ bi, cứu khổ, cứu nạn, đức Phật Quan thế âm!

Ai ngờ trong chỗ cửa quyền, trong chỗ chỉ biết phú quý là phú quý, mà có con người nghĩa hiệp phi thường! Ai ngờ con người ngồi trên gấm vóc vàng bạc mà có sự hy sinh lớn!

Suy cái lòng ấy ra, bà góa Cao Xuân Xang hẳn là bà góa hoài hoài, bà góa cho đến khi tóc bạc xuống mồ, gặp người thiên cổ, ung dung mà lắp lại câu: “Đàn bà cũng theo người chứ, thì xem thử gái này ra sao!...”

Trong đời duy có sự yêu là lớn. Yêu thì cứu. Có sự cứu, sự yêu lại càng thêm lớn. Trong đời nếu có thứ bà gọi là “bà lớn” thì phải kể bà góa Cao Xuân Xang. Vì cái lòng hay yêu hay cứu của bà nó làm cho bà chấp hết cả và vượt lên trên mọi sự nhỏ nhen cặm cụi của người thường!

Nghe chừng gần đây bà định ra làm một người có quan hệ với xã hội. Họp với chị em lập một cửa hàng bán tinh những đồ do người bản quốc chế tạo, gọi là Nam hóa công ty, bà làm chủ. Cái công trình ấy của bà chẳng biết có thành đạt và có ảnh hưởng đến nữ giới ta chăng, chứ cái nhân cách của bà thì, không đợi chúng tôi xưng tụng, đáng lẽ nó đã nêu cao giữa cái lớp đời ham danh chuộng lợi này. Chỉ e nó bị vùi giập dưới đống bả vinh hoa mà không mấy người biết tới!