Bà Đạm Phương đi tu?

Bà Đạm Phương ở Huế nổi danh trong nước cũng đến 15 năm nay, nghĩa là từ hồi Nam phong tạp chí mới ra đời đến số 9 số 10 gì đó, số nói về lễ Nam giao, trong ấy có một bài nói đến hai vợ chồng bà và mấy bài thơ chữ Hán của bà. Cách ít lâu, vào khoảng năm 1926 - 1927, bà Đạm Phương đứng ra chủ trương Nữ công học hội là một mội hội học của phụ nữ chốn kinh đô. Được đâu vài ba năm gì đó thì bà từ chức hội trưởng của hội ấy, rồi thì trên các báo chí cũng vắng luôn, ít khi thấy nói đến bà.

Người ta nói rằng bà Đạm Phương đi tu.

Họ đồn như vậy là vì thấy mấy năm gần đây bà Đạm Phương gặp luôn luôn sự rầu rĩ trong gia đình, hết chồng chết rồi đến con, những việc tử táng hoạn nạn cứ xảy đến cho bà, làm bà phải ngã lòng nản chí mà đem mình gởi nơi am thanh cảnh vắng.

Quả vậy thì bà Đạm Phương cũng là một người đàn bà thường lắm, thường như hàng ngàn hàng vạn người đàn bà khác, không đáng đem ra bình phẩm, bình phẩm bà thì cứ nhắm mắt vơ lấy một người nào mà bình phẩm chả được.

Hồi bình nhật, ít nhiều cũng có cái lòng tự phụ, tự phụ là khác thường, muốn ra thi thố với đời chơi, không được việc nọ thì việc kia; đến chừng làm ra không thấy thành công, chẳng những không thành công thì chớ, lại còn chuốc lấy tiếng tăm tai vạ vào mình; như thế rồi đâm chán, rồi đổ đốn, rồi đi tu, rồi tự tử: ấy là cái đường lối của người thường quen đi đấy, sự hăng hái ban đầu của họ thì giống nhau, đến lúc thất bại, tùy theo tánh chất từng người, họ chọn lấy một cái kết quả.

Bà Đạm Phương cũng là một trong hạng người ấy hay sao? Hạng người ấy, tôi thấy bên đàn ông nhiều lắm; bên đàn bà nếu có bà Đạm Phương nữa cũng được, chẳng lấy làm nhiều!

Té ra không phải!

Bản báo chủ bút vì tình quen biết mười lăm năm trước, mới đây có thông tin cùng bà để hỏi thăm cận trạng. (a) Được phục thư bà, trong có một đoạn, nguyên văn như dưới này:

 

"Tiên sinh trong bức thư trước có hỏi đến cận trạng của tôi. Xin cám ơn. Ôn lại bao nhiêu cảnh thương tâm vừa qua, thật đau đớn quá! Việc đời, việc nhà đều thế cả. Nên đành ẩn mình trong chốn sơn trang, bạn với cỏ cây, vui cùng khe núi, lại thường tham cứu Phật giáo. Đó chẳng qua là một cái phương tiện nhất thời để yên ủi tinh thần, chớ thật chưa dám nói xuất gia nhập thiền như nhiều người quen biết thường hỏi đến.

Vả chăng tiên sinh có nghiên cứu Phật giáo thời cũng biết rằng: Phật giác tại thế gian, bất ly thế gian giác. Cho nên không thể cho rằng người nghiên cứu Phật pháp là những người đã đem mình để ra ngoài cuộc đời. Phật giáo ngày nay sở dĩ hóa ra một học thuyết cho phái trốn đời, cái tệ ấy không phải tại nơi Phật giáo mà chính tại người học Phật sai.

Ngoài cái thời gian nghiên cứu Phật học ra, tôi vẫn quan tâm đến những vấn đề về phụ nữ: nữ tử giáo dục, phụ nữ quyền lợi, phụ nữ chức nghiệp v.v…

Tương lai trên đường tấn hóa của phụ nữ, chị em còn nhớ mà gọi đến tên, xin chân thành trả lời rằng: có mặt!

Trên một bãi sa mạc, nắng cháy cát thiêu, một người bộ hành tiều tụy, sau khi đã qua một quãng đường cực nhọc, đau đớn, thấy được cái bóng cây, thì cũng dừng chân nghỉ mát một chút, chớ không bao giờ tưởng cái bóng cây mát ấy là mục đích của đường mình đi…"

 

Độc giả những ai có nghe tin bà Đạm Phương đi tu, hay là tưởng cho bà Đạm Phương đi tu thật, thì hãy phá ngay sự lầm ấy đi sau khi đọc mấy giòng của bức thư trên này.

Có thế chứ! Có thế, bà Đạm Phương mới là dâu quan Thượng Nguyễn Khoa… chứ! mới là mẹ của cậu mỗ chứ! mới là người đàn bà năm mươi tuổi đầu làm đàn chị đám nữ thanh niên ở chốn đế đô chứ!

Làm sơ sơ gì đó, thất bại, rồi đi tu hay tự tử, thì thà hồi trước đừng làm!

Tưởng là không có điều gì làm khó lòng cho bà hết, nên chúng tôi đã tự tiện đăng một đoạn trong bức thư riêng của bà Đạm Phương, xin bà thứ lỗi cho.