CHUYỆN DÓC TỔ

 BA HỒN CHÍN VÍA

Người nước ta vốn tin rằng cái phần gọi là phần tinh thần của con người ta gồm có ba hồn bảy vía. Đàn bà con gái thì lại có thêm hai vía nữa là chín vía. Người ta lại tin rằng những thần, thánh, ma quỷ có tài bắt dần từng hồn từng vía của người ta cho đến hết là chết. Bởi vậy khi ốm đau “bói ra qua thấy” có nhiều nhà phải làm lễ chuộc vía cho người nhà. Lại tin rằng những cơn sợ hãi quá, hồn vía có thể lạc đi một phần. Cho nên sau một cái ngã đau hay sau một cái tai nạn gì, người ta thường nắm bảy nắm hay chín nắm cơm mà hú vía cho đứa trẻ.

Cái đó ta coi ra thì như mê tín, song thực thì có lý. Các nhà tâm lý học ngày nay xét riêng về tri giác của người ta, thấy rằng nó cũng gồm có hai phần tri giác và đè tri giác (passe conscience), hoặc gọi là phụ tri giác (le subsconscience). Các nhà thôi miên cũng tin như vậy. Song cái tri giác với cái đè tri giác đó có lẽ có nhiều bộ phận mà họ chưa tìm ra được. Nếu không thì sao một người bị thôi miên nếu giải tỉnh không khéo thì có thể mất một phần sức mạnh về tri giác hay về đè tri giác mà thành ra người lẩn thẩn ngẩn ngơ.

Cái tri giác ấy tức là cái ta gọi là hồn. Cái đè-tri-giác ấy tức là cái ta gọi là vía. Nói ngắn lại thì khoa học ngày nay cũng phải công nhận là có hồn, có vía, và hồn vía lại gồm có nhiều bộ phận, có lẽ là mỗi người có đến ba phần hồn bảy phần hay chín vía thực cũng chưa biết chừng. Cái đó các nhà học giả ngày nay còn xét chưa được rõ ràng.

Theo như ý nhà văn sĩ A. Fance thì người ta ai cũng có hai hồn. Vì ông cho con người ta ở trong lòng ai cũng có sẵn một cái hồn của nhà hiệp sĩ Đông-Ký-Sốt và một cái hồn của đứa đầy tớ nhút nhát của hiệp sĩ.

Theo như ý nhà văn Daudet cũng vậy. Vai Tartarin ông tả cũng gồm có hai hồn. Theo nhiều nhà học về khoa tâm lý bệnh lý (pathologie psychologique) thì người ta chẳng những có hai hồn, vì họ xét nhiều người mắc phải chứng bệnh nhân cách tan vỡ (dissolution de la personnalité) thì có người một mình mà gồm đến ba nhân cách.

Dóc Công cũng đồng ý với họ, và có thể có gan công nhận cả cái thuyết ba hồn chín vía, nghĩa là có thể công nhận rằng một người đàn ông gồm có mười nhân cách, mà một người đàn bà gồm có đến mười hai. Duy có Dóc Công không muốn dùng hai chữ “nhân cách” mà cứ muốn dùng chữ hồn vía. Vì cái phần hồn nhiều vía ở trong người, nó chẳng phải là thuộc về “nhân” thuộc về “người” cả, mà thường là thuộc về “vật”. Cái đó nếu muốn nói thì phải nói là “vật cách” đúng hơn là “nhân cách”. Thế nhưng nói “vật cách” có người lại tưởng là cái ga xe lửa gần Hải Phòng, thà nói là hồn, vía tiện hơn.

Sao Dóc Công có gan dám công nhận cái thuyết đó? Ấy là do con mắt Dóc Công quan sát người đời. Nay hãy ví dụ như một bà tân thời ở Hà Thành ta, ở con mắt Dóc Công coi vào, thật có đủ ba hồn chín vía. Trong lúc bà trang điểm má hồng răng đen ‒ à quên răng trắng ‒ ta nhận thấy bà có hồn con dẻ cùi, trong lúc bà õng  ẹo làm nũng với chồng ta thấy bà có hồn con gà mái, bà sống vào lưng chồng ta thấy bà có hồn ký sinh trùng hay con bọ con rận. Ấy là hồn, còn thì vía. Lúc bà vui chuyện ấy là vía liếu điếu, lúc bà to tiếng, ấy là vía con vịt, vân vân, vân vân. Ấy hồn vía bọn đàn bà tôi nhận thấy phần nhiều thuộc về loài chim, còn hồn vía đàn ông thì lại phần nhiều thuộc về loài “thú”. Nếu các bà các chị để ý thì không khó gì không thấy những người đàn ông vừa dâm dục như con dê, vừa tham lam như con chó, vừa tinh quái như con cáo, rồi lại có lúc họ nhăn nhó như con khỉ ăn gừng, có lúc họ tươi cười như đười ươi nằm ống… Ngoài ra không thiếu gì người hoặc dốt như bò hoặc ngu như lợn, hoặc hay nói như khướu, hoặc ưa nặng như con lừa.

Bà con cứ nhận kỹ mà xem. Nhận kỹ mà xem sẽ thấy đồng bào ta ai cũng có đủ hồn đủ vía đúng như cái thuyết xưa. Và sẽ thấy chung quanh mình cơ hồ là cầm thú cả.

DÓC CÔNG

Nguồn:

Thực nghiệp dân báo, Hà Nội, s. 129 (25. 8. 1933), tr. 1.