TIỂU PHÊ BÌNH

 

TIỂU PHÊ BÌNH VỀ NHÂN VẬT,

CẢ ĐÀN BÀ LẪN ĐÀN ÔNG

Bà Thượng Phạm vẫn nhũn như xưa

Bà Phạm Quỳnh từ trước ở Hà Nội vẫn có tiếng là con người xử đời cực kỳ nhũn. Từ vợ thầy thư ký trường Bác Cổ lên đến vợ ông chủ báo, bà ấy ăn ở có một mực, chẳng hề làm kiêu làm cách bao giờ. Đất Hà Thành có hai bà vợ của hai ông chủ báo đều nổi tiếng: bà Vĩnh thì được cái đảm, cầm họ cầm hàng, tạo nhà tạo cửa; còn bà Quỳnh thì hay đẻ và khéo nuôi con. Nhưng hai bà, bà nào cũng tỏ mình ra như chẳng phải người ngồi trên nền phú quý, cái kiểu cách là cái kiểu cách của vợ học trò.

Bà Quỳnh ở luôn trong nhà mà lại là nhà dưới, chuyên môn việc nội trợ, không như các bà khác trọn ngày ôm luôn cái quả trầu, lê mòn ván nhà trên, nhiều khi song song tiếp khách cùng chồng. Bởi vậy các quan khách đến chơi với ông Phạm không mấy khi được thừa nhan bà vậy.

Bà cũng ít hay giao thiệp với các bà hàng phố. Vì thế nhiều kẻ không biết cũng có bảo bà là đụt, không thì làm khỉnh. Song ai đã được biết bà thì cũng đều công nhận bà là người khiêm nhường nhã nhặn, ăn ở nhỏ như con tép.

Ông Phạm trước đã được hàm Hàn lâm Trứ tác rồi hàm Hồng lô. Nhưng chẳng khi nào vợ ông chịu để cho ai gọi mình là bà Hàn hay bà Hồng. Điều đó đủ tỏ ra là một người đàn bà không mộ hư vinh.

Vợ một nhà đại văn sĩ mà bà Phạm Quỳnh lại ít học, chỉ biết quốc ngữ qua loa thôi. Tuy vậy, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, lời thiên hạ nói không sai: cứ như những người hay tới lui cùng bà thuật chuyện lại, thì mấy năm gần đây bà tấn tới lắm, cũng hay đàm luận việc đời và thỉnh thoảng dùng một vài câu chữ Hán của “Nam phong”.

Bừng con mắt dậy thấy mình làm bà Thượng, tự người khác có lẽ lấy đó mà hãnh diện với chị em. Nhưng bà Quỳnh, người ta thấy bà vẫn cứ nhũn như xưa. Điều đó chúng tôi xin thú thật rằng thấy mấy bà ở Huế ra vừa rồi có nói như vậy.

Nhưng tự chúng tôi lấy con mắt xem xét trong cuộc đưa bà vào Huế ở ga xe hỏa ngày nọ thì cũng đủ chứng lời ấy là thật. Hôm đó có nhiều bà danh giá ở Hà Nội đi đưa; nhưng trong đám lại lọt vào một đấng tu mi mà lão đại. Thật ông này liến thoắng quá, ông đã làm cho các bà đều khó chịu, mà nhất là bà Thượng Phạm còn khó chịu hơn.

‒ Thôi chúc cụ lớn lên đường bình an ‒  Ông nọ vừa nói vừa mọp sát xuống sàn tàu.

‒ Ấy chết, sao cụ lớn quá cung kính thế? Tôi chả dám nào.

‒ Vào trong ấy, cụ lớn ông nếu có nhớ mà hỏi đến già này, xin cụ bà lớn thưa họ rằng hắn vẫn nhì nhằng thế thôi.

‒ Cụ lớn dạy quá lời!...

……..

Cho đến bây giờ, ở Huế hơn nửa năm rồi, bà Thượng ta vẫn được tiếng khen là nhã nhặn, chẳng khác gì vợ thầy thư ký hay vợ ông chủ báo ngày nào.

Đáng khen thay là cái đức khiêm nhượng của bà Phạm Quỳnh! Song có người lại sợ bà không giữ vẹn được cái đức ấy, vì nếu trong Huế cũng có lắm ông như cái ông tu mi trên xe lửa kia.

Thật, những kẻ hay kiêu cũng bởi những người hay bợ. Đừng có ai bợ ai hết thì cũng chẳng có ai kiêu ai hết.