Bà Thượng Phạm có ghen không?

Bà Thượng Phạm này là bà Thượng Phạm Liệu. Quan Thượng nguyên làm Thượng thơ bộ Binh, mới về hưu trí sáu tháng trước đây, nghĩa là hồi đầu tháng Mai, lúc nội các Nguyễn Hữu Bài đổ.

Quan Thượng Phạm Liệu, người Quảng Nam, thuở tuổi trẻ, thi đỗ thủ khoa rồi đỗ luôn tiến sĩ. Bước vào đường quan trường, ngài cứ làm lẹt đẹt mãi ngót 20 năm: chủ sự ở bộ rồi ra tri huyện, tri huyện bốn năm phen rồi lại về chủ sự, thật là lao đảo.(a) Mãi cho đến đầu triều Khải Định, ngài mới được nhắc lên đường quan, (b)  rồi từ đó hanh thông cho đến bây giờ.

Trước kia ngài đã có hai đời vợ rồi, bà kế cũng chẳng may thất lộc như bà nguyên. Bà Thượng bây giờ đây, nghe người ta nói, ngài cưới trong lúc làm tri huyện ở Thanh Hóa mà cưới làm hầu. Bởi tay ngũ hành hợp hiếc làm sao đó mà từ hồi bà về thì coi chừng quan Thượng đỏ vận, khỏi lọc đọc như trước, lại đẻ nhiều con trai nữa, nên ngài thăng bà lên chính vị phu nhân.

Bà Thượng người ở Thanh Hóa, nhưng về gốc gác thì người ngoài không ai biết cho đích. Kẻ thì nói bà là cháu nội quan Thám hoa Mai Anh Tuấn, kẻ thì nói không phải. Theo lời người biết chuyện thì cái thuyết trước có lẽ đúng hơn: vì bà là người thông minh, gồm nữ công nữ hạnh, lại thêm biết chữ Hán, có cái khí khái và cái tài thức như đàn ông, nếu chẳng phải dòng dõi thế gia thì khó mà có được một người đàn bà như vậy.

Cứ như mấy tên lính hầu trong dinh quan Thượng hồi trước thuật chuyện lại, thì về phần bà, thật có nhiều dật sự đáng ghi chép. Đại khái như mỗi khi có khách đến, ‒ khách là người có danh vọng ‒ nói chuyện cùng quan Thượng, thì thế nào bà cũng ngồi trong màn nghe mãn cuộc chuyện; chừng khách về rồi, bà bèn đem những lời khách ra mà phê bình riêng với chồng. Lắm lúc quan Thượng cũng phải gật đầu cười, cái cười ấy chỉ nghĩa rằng đàn bà mà có kiến thức như thế, vị tất mình đã hơn!

Khi Sào Nam tiên sanh mới về Huế, các quan chưa rõ ất giáp làm sao, nên chưa dám vãng lai giao thiệp, nhất là quan Thượng Phạm còn cẩn thận hơn ai nữa. Thế mà đầu hết, bà thân làm lấy món ăn sai lính bưng tới biếu tiên sanh, nói rằng: "Người ta ở ngoại quốc 20 năm mới về, việc trước nhất là thèm đồ ăn bản quốc, phải cho người ta ăn đã, chuyện gì thì chuyện!..."

Còn nhiều điều hay hơn nữa, nhưng một là vì việc riêng nhà người ta, hai là vì nói lắm thiên hạ bảo mình nịnh ‒ nịnh gì thứ thượng thơ về hưu rồi! ‒ cho nên thôi, không nói.

Chỉ tức thay cho một người đàn bà như thế mà lại mang lấy tiếng hay ghen!

Ủa hay! Thông minh, khí khái, tài thức, những cái ấy có phải là cái đảm bảo cho một người đàn bà không ghen đâu? Mặc dù đủ các đức tốt ấy mà ghen nữa thì ai cấm?

Không, không phải tôi nói thế. Ý tôi là: Phải chi người khác, vô tài vô đức, mang lấy tiếng ghen, bất luận oan hay không, tôi cũng chẳng cần. Chứ người này có tài có đức, khi không mang lấy tiếng ghen, tôi phải vì người ấy mà bất bình cho dư luận. Ý tôi là thế. Còn cái chỗ không ghen của bà Thượng, tôi có chứng cứ rành rành, mà cái chứng cứ ấy lấy ở nơi khác, chứ tôi không cậy những cái thông minh, khí khái, tài thức của bà làm đảm bảo đâu.

Người Quảng mà nhất là người Huế, họ đồn đại lâu nay, thậm chí họ nói: "Trong đám đàn bà, không có ai hay ghen bằng bà Thượng Phạm".

Ấy quả là họ nói sai. Chẳng biết người ta dựa vào lẽ gì mà đồn đại lên như thế.

Ghen hay không, cứ xem cái gia đình "một trăm thứ bà rằn" của quan Thượng thì biết. Ai ở ngoài mới trông vào, tưởng ngài chỉ có một chồng một vợ và con cái mà thôi, chứ không biết ngài còn có ba, có năm cái gia đình phụ thuộc nữa. Người xưa có câu: "Cửa nhà ba chốn thầy đa sự…", thì quan Thượng đây lại còn đa sự chấp mấy kia!

Khi làm Án sát rồi lại làm Tuần phủ Quảng Nghĩa, ngài có một cô hầu ở đó cũng đã có mấy con. Còn nói chi ở tại Huế, chỗ ngài trường trú hàm mấy năm trời, nợ duyên chằng chịt biết bao nơi, kết quả cũng đậu được vài bốn nơi, hoặc ở Kim Luông, hoặc ở Đập Đá, hoặc ở cầu Bến Ngự. Mà những cái duyên già của ngài ấy, nếu ta dư công ngồi mà truy niên, nguyệt, nhật ra, sẽ thấy rằng đều kết từ sau khi bà Thượng về với ngài.

Đã chịu mở con mắt ra mà thấy chưa? Một người đàn bà ghen mà họ để cho chồng muốn gì được nấy thế a? Bà Thượng mà ghen thì đã làm cho chia nhà rẽ cửa từ bao giờ rồi, có đâu được thế?

Quả bà Thượng Phạm không ghen. Thế thì tại sao người ta lại bảo là ghen?

Cũng có cớ. Bà Thượng chẳng là người có tài có đức như đã nói trên kia, thành ra quan Thượng chẳng những yêu lại nể. Người ta thấy ngài mọi sự mọi nể bà, rồi tưởng cho đến việc ấy cũng nể luôn, nên mới bảo bà ghen. Có ngờ đâu cái số ngài là số "đào hoa chiếu mạng", mặt trời càng chiếu chừng nào, thì hoa đào nó lại cứ việc nó càng thắm chừng nấy, có ghen mà được!

Người ta đồn thế nào mặc kệ, xin bà Thượng cứ đánh chữ đại xá và giữ luôn cái đức tốt không ghen ấy để cho được trong ấm ngoài êm giữa lúc quan lớn nhà ta "quy lão" này!