Ba việc tỏ lòng yêu

Dưới mắt chúng tôi thường có những chuyện không nói không được, mà nói ra, giữ thế nào cũng không khỏi cái giọng gắt gỏng chua chát. Nhiều người đã phải bảo: "Phụ nữ thời đàm hai tháng nay, ở mục "Dưới mắt chúng tôi", chẳng có bài nào hơi ngọt giọng coi thử ra sao!"

Vẫn thế. Thế vẫn là cái kết quả dưới mắt chúng tôi!

Tuy vậy, nếu việc đời cứ thế mãi thì còn ai buồn ở đời làm chi? Lâu lâu, nó phải có những việc hay hớm, ngộ nghĩnh, đáng cho chúng tôi lấy làm vui mà thuật lại, đáng cho độc giả đọc rồi còn muốn đọc nữa mà lấy làm thích. Rồi hết thảy chúng ta cùng nói: À! té ra những việc như vậy không phải là không có ở xứ này! Thế rồi chúng ta mới cảm động, mới phấn chấn, mới giàu lòng lạc quan mà ở đời với nhau chứ!

Ở đời chẳng có cái gì sang trọng, quý hóa, đáng tôn chuộng cho bằng cả lòng yêu. Có người đã nói: "Sự yêu là cái giây ràng loài người lại cho khỏi rã và cũng là cái giây chằng trái đất lại cho khỏi đổ". Ở đời, đến cái yêu là tuyệt điểm, không còn gì cao thượng hơn nó.

Yêu mà yêu con, yêu vợ, trai gái yêu nhau, thì nói làm chi. Người yêu người, người dưng yêu người dưng, người giống này yêu người giống khác, chỉ biết là loài người thì yêu nhau chớ không đợi bà con cật ruột: cái yêu như thế mới là cái yêu thật, mới là cái yêu cao thượng, ấy không ngờ mà giữa đất hai giống ở chung này, nhất là giống yếu Việt Nam này cũng có! Chẳng những có mà lại có nhiều. Một lần nó xảy ra cho đến ba việc. Thế mới càng nên lấy làm vinh dự.

1. Một người Pháp được làm đại hương cả

Xưa nay thói tục dân ta, trong các đoàn thể, lấy làm trọng nhất là chỗ làng. Làng là chỗ chôn rau cắt rốn, sống ở thác chôn, "người quân tử chẳng hề bỏ làng mà đi", bảo sao đừng trọng. Bởi vậy làng này với làng khác phải có giới hạn phân minh, người làng này với người làng khác càng phải có giới hạn phân minh. Ngộ khi người làng này tới ở làng khác, người ta cho là ở ngụ; ở ngụ thì không khi nào được làm một chức gì trong làng hết, dù là chức nhỏ.

Sự phân biệt giới hạn từng làng như vậy, nhiều khi nhân đó tranh nhau, gẫm cũng là một cái tục dở. Nhưng cũng bởi có cái dở ấy mà mới thấy cái hay.

Người mình với nhau thì tranh, nhưng đến khi đối với một người ngoại quốc có đức tánh tốt thì lại chẳng những không tranh mà còn biết nhượng nữa; như thế, chúng tôi phải phục dân Việt Nam là dân biết điều quá!

Có một người Pháp, sang ở Nam Kỳ đến nay đã bảy năm, tại làng Long Nhung, hạt Bà Rịa. Người ấy tên là Robert Quintermet, có đức tánh tốt. Coi một sở vườn, làm nghề trồng tỉa, ông Robert Quintermet ăn chung ở lộn với người Nam ta đã lâu năm nên rất thạo tiếng ta. Ông vốn người công bình, chánh trực, lại rõ biết luân lý lễ tục nước Nam, thành thử dân trong làng đều coi như là một vị chánh nhân quân tử; lâu nay có sự bất hòa cùng nhau cũng tới nhờ ông phân xử cho. Tóm lại, ông tây ấy ở làng Long Nhung, người làng rất bằng lòng.

Mới đây, ban Hội tề trong làng khuyết vị đại hương cả, tức là người đứng đầu ban Hội tề. Các hào mục trong làng, chẳng ai nói đến hết, mà ai ai cũng đồng thanh cử ông Robert Quintermet. Ông bằng lòng làm. Khi ấy rồi hương chức cùng dân làng làm một lễ tế thần rất long trọng và trao bằng cấp cho ông trước mặt thần. Hết thảy dân chúng đều vỗ tay mừng rỡ.

Một việc mới! một việc ngộ! các báo trong Nam đều đăng.

Mà việc ngộ thật, mới thật, chẳng có khi nào người An Nam cử một người làng khác làm tiên chỉ làng mình, mà nay lại cử người ngoại quốc! Đó là do cái lòng yêu mà ra. Bất luận ai, người An Nam chúng tôi cứ thấy ai tốt thì yêu người ấy. Bất luận ai, hễ là tốt, thì được người ta yêu, chẳng những được người An Nam chúng tôi yêu.

Thấy không? Một người Pháp tốt thì được như thế đấy! Thế mà sao có kẻ lại bảo người An Nam không biết ơn, hay phản phúc?

2. Tù cứu quan khỏi chết

Đã là tù mà còn cứu ai? Đã là tù thì tù nào lại chẳng nghĩ: Cái thân mình đây ai cứu mà mình đi cứu kẻ khác? ‒ Nghĩ như thế rồi gặp ai chết thây kệ, tù không thèm cứu.

Thế là dở bụng lắm, không ở đời được. Ở tù còn mong có ngày ra, mà dở bụng như thế, khi ra rồi ở đời với ai?

Bọn tù này không hề nghĩ thế bao giờ. Bởi không nghĩ thế cho nên gặp ai sắp chết thì cứu, nhất là gặp ông quan ‒ là ông quan Tây ‒ giải mình đi, lại càng cố cứu cho được.

Việc mới xảy ra ở Darlac, là một tỉnh mới ở phía nam Trung Kỳ. Ở đó, con đường số 14, về đỗi cây số thứ 24 đương làm lại. Nhà nước cho tù giam tại khám Ban Mê Thuột xuống đóng trại ở đó để làm, tù đông lắm, có một ông quan một khố xanh cai quản.

Chỗ con đường đương làm đó có một con sông kêu là sông Srepok, nước chảy mạnh lắm, mà khi ở trại ra đi, khi làm rồi về trại cũng đều phải qua sông. Ngày 20-9 trước đây, vào lúc 5 giờ chiều, các phạm nhân trở về trại, gặp cơn mưa lớn, nước nguồn đổ xuống, nước sông càng chảy mạnh, phải chia từng toán mà qua đó. Qua được ba toán rồi, toán sau cùng có ông quan một với 20 người vừa lính vừa phạm nữa, khi ra giữa sông thì nước chảy dữ quá, làm cho thuyền bị đắm. Liền có mấy phạm nhân trên bờ nhảy xuống cứu.

Khoan nói sự cứu 20 người kia. Để nói một người phạm nọ nhảy tùm xuống, cố theo vớt ông quan một, song anh ta yếu không đỡ nổi ông Tây ấy vào bờ; tuy vậy anh ta cũng cứ kèm lấy ông mà chịu cho đến khi một người phạm khác nhảy theo nữa mới đem ông lên được. Lại một người tù khác thì vớt được một người lính. Hết thảy 21 người chuyến đò sau cùng đó chỉ chết hết một người mà thôi, vì tối rồi, không có thể tìm được nữa. Còn số tù nhảy xuống cứu là bảy người. Lấy bảy người mà cứu 20 người khỏi chết giữa một con sông hiểm nghèo như thế, nếu chẳng phải cái sức của sự yêu thì không có sức gì cứu nổi!

Té ra loài người yêu nhau có đến như thế! Có gặp lúc nguy nan, lúc sắp chết rồi mới biết!

Nhân việc này, chúng tôi thấy như loài người là lương thiện cả. Bao nhiêu những sự nói xấu nhau đều bởi hiểu lầm nhau mà ra.

Người ta hay nói tù ở Đàng Trong bị ngược đãi. Nào? Ngược đãi mà được thế ư? Bình nhật nếu ngược đãi thì sao đến hồi sắp chết, bọn tù lại chịu cứu ông quan cai quản mình?

Người ta hay nói bởi làm ác cho nên mới bị tù. Chúng tôi vẫn có một phần hồ nghi về sự ấy lắm. Họ biết cứu người trong lúc sắp chết, họ can đảm như thế, họ hy sinh như thế, sao bảo họ là ác?

Thế nào thì thế, đến đã ở tù mà còn biết yêu người, thì chúng tôi cũng còn chưa dám vội bảo kẻ ấy là kẻ ác. Trái lại, chúng tôi muốn hỏi: Kẻ hay yêu người ấy bao giờ sẽ ra khỏi tù?...

3. Bốn người Tây chăm cứu một thiếu niên Việt Nam chết đuối

Chàng thiếu niên này, tên Diện, cháu bên vợ của ông Huỳnh Thúc Kháng, chủ nhiệm báo Tiếng dân ở Huế.

Hơn hai năm nay, Diện vâng lời cha đi theo ở với ông Huỳnh tại Huế đặng học nghề nhà in. Diện ở tại nhà ông Huỳnh, mỗi buổi chiều thường đi chơi mát độ một giờ. Chẳng may hôm 17-10, lúc 9 giờ tối, Diện đi thế nào ngã xuống sông Đông Ba mà chết.

Việc nhân mạng xảy ra, người ta đổ đến rộn rịp, rồi có kẻ bán tin ngay cho ông Huỳnh biết. Ông chạy tới nơi thì thấy một người Pháp với ông thầy thuốc Thân Trọng Phước đương cứu cấp cho tên Diện đã được vớt từ dưới sông lên và để nằm trong nhà người Pháp ấy, gần chỗ có việc xảy ra.

Người Pháp ấy tên là Marcel Cominges, làm đội khố xanh, không có thói mê tín như người Nam, cho nên bằng lòng dám đem một cái thây ma về nhà mình.

Kế đó lại có một người Pháp khác, tên là Auguste Carmené đương đi đường, nghe nói, cũng vào giúp sức cứu. Người xác nách, kẻ xoa ngực, săn sóc đủ phương.

Một chốc lại có một ông cẩm và một người lính sen đầm đem lính tới giữ trật tự vì kẻ xem đông quá. Hai người Tây này cũng ra tay giùm giúp vào việc cứu một sinh mạng.

Từ 9 giờ cứu đến 12 giờ mà nghe chừng không lại nghỉn, tên Diện chết luôn, người ta đổ cho rằng tại chàng ngã xuống nước đã lâu quá. Nhưng mà dù chàng thiếu niên có chẳng qua khỏi đi nữa cũng chẳng vì đó mà xóa bỏ cái lòng yêu của bốn người Pháp kia được; còn thầy thuốc Thân và mấy kẻ giúp sức khác chưa nói đến.

Té ra người Pháp ở với người An Nam cũng tốt như vậy đó, có sao đâu!

***

Xem ba việc thuật lại trên đây, chúng tôi có một cái cảm tưởng rất lạ, chúng tôi cho như là đời này chẳng có người nào là người ác, chẳng có việc nào là việc ác. Bởi người ta yêu nhau cả, cho đến tù cũng biết yêu nhau đối với người ta [………] (a)

Nguồn:

Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, s. 8 (5. 11. 1933), tr. 5-7.

Chú thích

(a) chỗ này báo gốc để chấm lửng liền một dòng, ước đoán có một đoạn bị bỏ khỏi khuôn chữ trước khi báo in.